Trong cuộc chiến, Yết Kiêu luôn theo sát chủ tướng, xông pha trận mạc, tham gia nhiều trận đánh lớn, tỏ rõ là một danh tướng trung thành, mưu trí và gan dạ; chỉ huy đội quân cảm tử tinh nhuệ, dùng tài bơi lặn nhiều lần bí mật tập kích nhấn chìm thuyền giặc, lập công xuất sắc, khiến quân địch kinh hoàng, khiếp sợ.
Đi dưới nước như đi trên cạn
Truyện kể rằng, bấy giờ, quân Nguyên - Mông kéo mấy trăm chiếc thuyền theo đường biển vào đánh chiếm Đại Việt. Không quản mùa đông giá rét, đêm đêm, Yết Kiêu lặn xuống biển, nằm dưới đáy thuyền lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền, làm thuyền giặc bị nước biển chảy ồ vào chìm ngay. Quân giặc sợ lắm. Lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì. Nhưng sau chúng chăng lưới vây bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông:
- Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?
Ông đáp: - Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi kém nhất, chẳng may bị bắt. Nếu các ông thả tôi ra, tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt.
Bọn giặc hí hửng tưởng bở, chúng lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý và không nhìn thấy, ông nhảy tùm xuống biển, lặn mất tăm về doanh trại, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc, lũ giặc đành trơ mặt nhìn nhau căm tức. Vốn thiện thủy chiến, Yết Kiêu cùng Dã Tượng đục chìm thuyền địch và lập mưu bắt sống Phạm Nhan (Nguyễn Bá Linh, tay sai lợi hại của địch) ngay trên thuyền của Ô Mã Nhi.
Yết Kiêu là một trong 5 thuộc hạ giỏi và trung thành của Trần Hưng Đạo là Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô. Với tài bơi lội "nhập thủy như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung tự tại như đi trên đất), lập nhiều công lao lớn nên đã được vua ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân".
Tháng 6/1285, dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần, Yết Kiêu cùng Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng chỉ huy quân phục kích ở Tây Kết, đánh tan 5 vạn quân do Toa Đô và Ô Mã Nhi chỉ huy, giết Toa Đô tại trận, Ô Mã Nhi phải cướp thuyền nhỏ trốn thoát ra biển. Kết thúc thắng lợi oanh liệt cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông xâm lược lần II (1285).
|
Ảnh minh họa.
|
Ngôi đền với chiếc mũ chiến của Yết Kiêu
Xuất thân từ tầng lớp bình dân rồi trở thành một gia tướng trí dũng song toàn, theo giúp Hưng Đạo Vương trở thành anh hùng kiệt xuất của dân tộc; vốn đức độ, trong sáng, khí phách khảng khái tận trung, Yết Kiêu đã mang hết tài năng xả thân chiến đấu trong cuộc chiến đầy hy sinh gian khổ, trở thành tấm gương trung liệt trong đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc của quân dân Đại Việt thế kỷ XIII.
Yết Kiêu đã sáng tạo ra cách đánh độc đáo hiệu quả, lập nhiều chiến công xuất sắc được lưu truyền mãi trong lịch sử, góp công và kinh nghiệm quý báu xây dựng nền nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam sau này. Khi ông mất vua Trần cho lập đền thờ trên bờ sông Hạ Bì (tên nôm là làng Quát) quê hương ông.
Hiện nay vẫn còn đền thờ Yết Kiêu, gọi là đền Quát, thuộc tả ngạn sông Đò Đáy, Gia Lộc, Hải Dương. Hội đền Quát được tổ chức long trọng và rất lớn hàng năm vào ngày 15/8 âm lịch để tưởng nhớ Yết Kiêu. Lễ hội có tục bơi thuyền chải nam, nữ. Yết Kiêu được tôn là ông tổ của ngành bơi lặn nước ta.
Ở Hải Dương, cùng với đền Quát còn có nhiều nơi thờ phụng Yết Kiêu, nhất là những nơi ông đánh trận. Đặc biệt, tại làng chài có tên Nam Hải, thuộc xã Kênh Giang, Chí Linh, Hải Dương cũng có một ngôi đền do nhân dân lập lên để thờ Yết Kiêu. Tại đây, nhân dân coi ông là người khai thiên lập địa, là vị Thành hoàng của cả xã. Vì hầu hết người dân Kênh Giang vẫn giữ nghề sông nước.
Điều đặc biệt tại ngôi đền này còn lưu truyền được một vật vô giá, đó là chiếc mũ chiến cổ bằng đồng rất nặng của chính Yết Kiêu đội khi đi đánh trận. Lễ hội tưởng nhớ Yết Kiêu tại đây diễn ra vào 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm.