Người phụ nữ ấy họ Tiêu, không rõ tên thật là gì, được sử cũ nước ta gọi chung là Tiêu Thị (tức là người đàn bà họ Tiêu). Tiêu Thị vốn người nước Tống (Trung Quốc), nhờ được tiến dẫn mà trở thành cung phi của Hoàng Đế Lê Ngọa Triều (1005-1009). Trong chuyện nhập cung của Tiêu Thị, cả người tiến dẫn và người được tiến dẫn đều gặp nhau ở thói cơ hội và ước mong tiến thân nhanh chóng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư là tài liệu đầu tiên đề cập đến chuyện của Tiêu Thị.
Người đàn bà ham vinh hoa phú quý
Tháng 3 năm 1005, Hoàng Đế mở đầu nhà Tiền Lê là Lê Đại Hành mất, Thái Tử Lê Long Việt chưa kịp lên ngôi thì đã bị hai người anh em là Đông Thành Vương và Trung Quốc Vương đem quân tranh giành ngôi báu. Sau 8 tháng tranh hùng, Lê Long Việt đánh đuổi được Trung Quốc Vương, giết chết Đông Thành Vương và lên kế vị. Nhưng chưa ngồi ấm chỗ, chỉ ba ngày sau, đến lượt Lê Long Việt bị chính em ruột là Lê Long Đĩnh giết chết và cướp ngôi.
Lê Long Đĩnh lên ngôi cũng vấp phải sự chống đối của Trung Quốc Vương cùng hai vương gia khác là Ngự Bắc Vương và Ngự Man Vương. Lê Long Đĩnh phải thân cầm quân đánh dẹp. Ngự Bắc Vương vì chống đỡ không nổi, đã bắt Trung Quốc Vương và đến đầu hàng Lê Long Đĩnh. Trung Quốc Vương bị chém đầu còn Ngự Bắc Vương được tha bổng. Sau đó, Ngự Man Vương cũng quy hàng. Cuộc tranh giành ngôi vị giữa các Hoàng Tử của Lê Đại Hành chấm dứt và Lê Long Đĩnh đường đường chính chính trở thành Hoàng Đế thứ ba của nhà Tiền Lê. Sử cũ quen gọi là Lê Ngọa Triều.
Sau khi dẹp yên mối họa trong nước, Lê Ngọa Triều lại phải đương đầu với sự uy hiếp của nhà Tống. Dò biết Đại Cồ Việt có loạn, viên quan coi giữ Quảng Châu nước Tống đã dâng thư xin Hoàng Đế Tống phái binh đánh chiếm Đại Cồ Việt. Tống Chân Tông (997-1022) vẫn chưa quên lần xâm lược đại bại năm 981 nên không dám xuất quân, nhưng vẫn ra vẻ nước lớn và sai sứ sang hăm dọa Lê Ngọa Triều rằng: nếu không sớm ổn định tình hình, nhà Tống sẽ đem quân sang hỏi tội. Phần vì muốn có thời gian củng cố nội trị, phần vì e sợ nhà Tống, Lê Ngọa Triều đã cư xử nhún nhường với sứ giả và xin được cho em trai sang Trung Hoa tiến cống. Tống Chân Tông đồng ý với đề nghị ấy.
Thực hiện lời hứa, đầu năm 1007, Lê Ngọa Triều cử em là Lê Minh Xưởng làm Chánh Sứ, dẫn đoàn sứ bộ Đại Cồ Việt sang nhà Tống. Chuyến đi này Minh Xưởng phải hoàn thành cùng lúc hai nhiệm vụ: một là dâng cho Hoàng Đế Tống con tê ngưu trắng và xin nhà Tống ban cho một bộ kinh Đại Tạng; hai là, xin nhà Tống phong tước cho Lê Ngọa Triều.
Đối với Minh Xưởng, chuyến đi này là một cơ hội rất tốt để tiến thân. Nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Minh Xưởng chắc chắn sẽ có được sự tín nhiệm rất lớn từ Hoàng Đế Lê Ngọa Triều, bởi việc đi sứ lần này có ý nghĩa rất đặc biệt đối với nhà Tiền Lê. Vì thế, khi sang Trung Quốc, Minh Xưởng đã trổ hết sức để làm đẹp lòng Hoàng Đế Tống. Tống Chân Tông rất vừa ý, không chỉ đồng ý cho kinh Đại Tạng và phong Lê Ngọa Triều làm Giao Chỉ Quận Vương Lĩnh Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ mà còn ban quan tước cho Minh Xưởng. Như vậy, Minh Xưởng đã làm tròn sứ mệnh ngoài sức tưởng tượng.
Hào hứng với thành quả đạt được, Minh Xưởng dành thời gian tận hưởng những thú vui trên đất Tống. Minh Xưởng đã tình cờ gặp gỡ một người con gái có dung nhan xinh đẹp là Tiêu Thị. Với người khác, sự gặp gỡ tình cờ ấy không đáng để bận tâm. Nhưng với con người biết chớp thời cơ như Minh Xưởng, đó không phải là cuộc gặp bình thường. Từ sắc đẹp của Tiêu Thị, Minh Xưởng liên tưởng ngay đến thói hiếu sắc, “ham của lạ” của Lê Ngọa Triều. Nếu Minh Xưởng có thể dụ dỗ được Tiêu Thị theo mình về nước và sau đó đem dâng Tiêu Thị cho Lê Ngọa Triều thì khỏi phải nói hoạn lộ của Minh Xưởng sẽ hanh thông đến chừng nào. Nghĩ sao làm vậy, Minh Xưởng đã tìm gặp và buông lời lung lạc Tiêu Thị.
Những lời ngon ngọt của Minh Xưởng khiến Tiêu Thị phải suy nghĩ khá nhiều. Nếu bỏ ngoài tai những lời ấy, Tiêu Thị sẽ tiếp tục yên ổn sinh sống với thân phận một thường dân vô danh. Còn như chấp nhận đi theo Minh Xưởng, Tiêu Thị sẽ thay thân đổi phận nhanh chóng, một bước trở thành vương phi nhà Tiền Lê mà thường ngày có mơ cũng không được. Viễn cảnh vinh hoa phú quý có một hấp lực ghê gớm, đã xóa bỏ những băn khoăn ban đầu của Tiêu Thị. Rốt cuộc, người con gái này đã quyết định rời bỏ quê hương xứ sở, đồng ý đi cùng Minh Xưởng mà không chút vấn vương về gia đình, người thân.
Hân hoan vì đã đạt mục đích, Minh Xưởng xin phép triều Tống cho trở về. Mùa xuân năm 1009, nghĩa là sau hai năm đi sứ, phái đoàn Minh Xưởng về đến Hoa Lư. Chẳng bao lâu sau, Lê Ngọa Triều cho triệu kiến Minh Xưởng. Minh Xưởng cùng Tiêu Thị, hai con người, một tham vọng giàu sang, cùng thấp thỏm chờ ngày ước nguyện được như ý.
Cung phi ngoại quốc đầu tiên trong hậu cung nước Việt
Vui mừng với chuyến đi sứ thành công, Lê Ngọa Triều hạ lệnh ban thưởng thật xứng đáng cho Minh Xưởng. Khi Minh Xưởng ngỏ ý muốn dâng nạp Tiêu Thị, Lê Ngọa Triều vô cùng hài lòng, liền truyền gọi ngay Tiêu Thị. Kết quả của buổi diện kiến ấy được Đại Việt sử kí toàn thư thuật rằng:
“Mùa xuân (năm 1009), Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại Tạng và dụ được người con gái nước Tống là Tiêu Thị đem dâng. Vua cho làm cung nhân”.
Với thân phận cung nhân, Tiêu Thị đã được toại nguyện, trở thành cung phi ngoại quốc đầu tiên trong hậu cung nước ta khi xưa. Trước đó, Lê Đại Hành đánh Chiêm Thành và đưa về nước nhiều kĩ nữ Chiêm nhưng không có tư liệu xác nhận Lê Đại Hành nạp họ làm phi. Có giả thuyết cho rằng Chi Hậu Diệu Nữ - thân mẫu của Lê Ngọa Triều – vốn là người Chiêm nhưng cũng không có chứng cứ để tìm hiểu thêm.
|
Lê Ngọa Triều, vị Hoàng Đế đầu tiên lấy vợ ngoại quốc. Ảnh: Internet. |
Như vậy, Tiêu Thị là nữ nhân ngoại quốc đầu tiên nhập cung Đại Cồ Việt và được sử sách ghi nhận. Hành động này của Lê Ngọa Triều đã tạo tiền lệ cho các Hoàng Đế thời sau noi theo. Họ không chỉ dung nạp phụ nữ Trung Quốc, mà còn cả người Chiêm Thành, người Ấn Độ và cả người phương Tây.
Lê Ngọa Triều rất thưởng thức Tiêu Thị. Nhưng thói đam mê tửu sắc, dâm dục vô độ kéo dài đã chất chứa thành bệnh, khiến vài tháng sau ngày có được Tiêu Thị, vị Hoàng Đế này lâm bệnh rất nguy ngập. Tháng 10 năm 1009, Lê Ngọa Triều quy tiên khi mới 24 tuổi.
Cái chết của Lê Ngọa Triều khiến giấc mộng phú quý vinh hoa của Tiêu Thị như hoa sớm nở tối tàn. Vận mệnh nhà Tiền Lê cũng kết thúc ngay sau đó. Tiêu Thị chỉ biết bùi ngùi chấp nhận thân phận là cung nhân cũ của cựu triều. Quãng đời về sau của Tiêu Thị ra sao, không có sử sách nào chép lại. Còn Minh Xưởng tiếp tục được tân triều sử dụng và trở thành một viên quan trong triều đình nhà Lý.