Cuối tháng 11 năm 1009, với thân phận Tả Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ (chức chỉ huy cấm quân), Lý Công Uẩn được triều thần đồng thanh tôn lập, đã trở thành chủ nhân mới của chiếc ngai vàng nhà Tiền Lê. Nhà Tiền Lê chấm dứt và nhà Lý được dựng lên kể từ đó.
Việc làm đầu tiên của Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) sau khi lên ngôi là truy phong cho cha mẹ, phong chức tước cho vợ con và những quan lại có công tôn phò. Lý Thái Tổ có 6 bà vợ. Các bà này đều được phong làm hoàng hậu, nhưng đối với người vợ cả, ngoài phong hoàng hậu, Lý Thái Tổ còn dành cho bà sự đối đãi đặc biệt. Sách Đại Việt sử kí toàn thư cho hay: Lý Thái Tổ “lập 6 Hoàng Hậu, duy có đích phu nhân gọi là Hoàng Hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và mũ áo khác hẳn với các cung khác”.
Hậu cung có những quy định, phép tắc riêng. Lý Thái Tổ biết rõ điều đó. Nhưng ông vẫn không do dự mà dành cho Lập Giáo sự đối xử hơn hẳn bình thường, cho thấy ông rất ưu ái đối với Lập Giáo. Sử cũ chỉ chép sự việc mà không giải thích gì thêm, thậm chí còn không cho biết quy chế xe kiệu, mũ áo ấy cụ thể như thế nào. Vì thế, chuyện Lập Giáo được đối đãi đặc biệt đã lưu truyền trong lịch sử, để lại một câu hỏi lớn đối với người thời sau: Rốt cuộc vì rất mực yêu thương vợ hay còn lí do gì khác để Lý Thái Tổ cư xử như vậy?
Lập Giáo hoàng hậu là ai?
Theo đoạn ghi chép trích dẫn ở trên, Lập Giáo là đích phu nhân (tức là vợ cả) của Lý Thái Tổ. Sau khi chép việc Lập Giáo được phong Hậu, sử xưa còn cho biết: lập con trưởng là Phật Mã làm Thái Tử. Ở phần biên niên về đời hoàng đế Lý Thái Tông (tức Thái Tử Phật Mã sau khi lên ngôi), cũng sách trên chép rằng: mẹ của Thái Tông là người họ Lê. Kết nối ba dữ kiện trên, có thể khẳng định, Lập Giáo hoàng hmang họ Lê, là vợ cả của Lý Thái Tổ và là thân mẫu của Lý Thái Tông.
Tổng hợp các ghi chép của sử cũ, chúng ta cũng chỉ biết đại khái như vậy về Lập Giáo. Nhưng rất may, nguồn tài liệu dã sử đã cung cấp thêm cho chúng ta một số thông tin quý giá. Theo Ngọc phả các vua triều Lê (Trần Bá Chí, Ngọc phả các vua triều Lê, Tạp chí Hán Nôm, số 5 (66), 2004, trang 73-76), hoàng đế Lê Đại Hành đã gả công chúa Lê Phất Ngân cho Lý Công Uẩn khi Lý Công Uẩn đang làm quan trong triều Tiền Lê. Như thế, Lý Công Uẩn là phò mã nhà Tiền Lê. Nhưng phải chăng công chúa Lê Phất Ngân là hoàng hậu Lập Giáo sau này? Hay đó chỉ là hai người có họ trùng nhau?
Ngày xưa, dưới chế độ quân chủ, các vị công chúa khi đi lấy chồng không gọi là xuất giá mà gọi là hạ giá, có ý rằng vị công chúa ấy đã chịu hạ thấp thân phận cành vàng lá ngọc của mình để kết duyên. Và bởi đã chịu hạ giá nên khi về nhà chồng, bất kể người chồng trước đó đã có thê thiếp hay chưa, vị trí của công chúa luôn là chính thê hay đích phu nhân. Lệ định này luôn được những người nên duyên với công chúa tuân thủ. Từ lệ định này và sự trùng họ giữa công chúa Lê Phất Ngân và hoàng hậu Lập Giáo, chúng ta có thể xác nhận họ chỉ là một người.
Như thế, lí lịch và nhân thân của Lập Giáo đã đầy đủ. Bà tên Lê Phất Ngân, là công chúa của Lê Đại Hành. Đến tuổi trưởng thành, bà được phụ hoàng gả cho Lý Công Uẩn. Đến ngày 26 tháng 6 năm Canh Tí (1000), bà đã hạ sinh cho Lý Công Uẩn một người con trai, đặt tên là Lý Phật Mã.
Vén màn bí ẩn sự đối đãi đặc biệt dành cho Lập Giáo hoàng hậu
Lê Đại Hành gả Lê Phất Ngân cho Lý Công Uẩn là có nguyên do. Lý Công Uẩn trẻ tuổi nhưng có tài, có đức lại mẫn cán. Hơn nữa, Lý Công Uẩn còn là môn đệ yêu quý của Thiền Sư Vạn Hạnh, người đứng đầu thế lực Phật giáo và có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình lúc bấy giờ. Để cho Lê Phất Ngân nên duyên với Lý Công Uẩn, Lê Đại Hành sẽ nhận được sự trung thành tuyệt đối của thầy trò Vạn Hạnh đối với cơ nghiệp của ông. Đáp lại, hai người Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn tỏ ra rất mực trung thành với nhà Tiền Lê.
Sau khi Lê Đại Hành qua đời (năm 1005), với nhãn quan thế sự sắc bén, Vạn Hạnh đã nhận thấy vận số nhà Tiền Lê không còn bao lâu, bởi vậy, ông đã tiến hành một cuộc vận động, khi ngấm ngầm, lúc công khai để chuẩn bị cho ngày đăng cơ của Lý Công Uẩn về sau. Đến khi hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Ngọa Triều chết (cuối năm 1009), Vạn Hạnh đã không khách khí mà tích cực ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi. Các triều thần đứng đầu là Đào Cam Mộc cũng thức thời, mau chóng khuyên mời Lý Công Uẩn. Sự kết hợp của hai thế lực bên trong và bên ngoài triều đình, một chính trị một tư tưởng - tôn giáo đã xoay chuyển cục diện mau lẹ, rốt cuộc thành công đưa Lý Công Uẩn lên thay nhà Tiền Lê.
|
Tượng đài Lý Thái Tổ tại vườn hoa Chí Linh, Hà Nội. Nguồn: Internet.
|
Tiếp nhận thành công ngai vàng nhà Tiền Lê, vấn đề đặt ra trước hết cho Lý Thái Tổ là phải thu xếp hoàng tộc nhà Tiền Lê như thế nào để vừa giữ được ngai vị vừa không để lại di họa về sau. Lý Thái Tổ biết rằng, sức mạnh của hoàng tộc nhà Tiền Lê đã suy giảm đáng kể trong cuộc tranh giành ngôi báu sau khi Lê Đại Hành mất (năm 1005). Qua cuộc tranh giành ấy, một số thân vương bị giết, những người còn lại thì bị Lê Ngọa Triều tước quyền lực và quản thúc. Vì vậy, trên thực tế, số vương gia còn lại ấy không đủ thế lực chống lại tân triều. Vả lại, Lý Thái Tổ đang có hậu thuẫn rất lớn nên càng không e sợ có người câu kết với cựu triều lật đổ ông ta. Tính toán như thế, Lý Thái Tổ thấy không cần thiết phải sử dụng bạo lực, truy cùng giết tận hoàng tộc nhà Lê. Ngược lại, ông muốn đám con cháu nhà Lê ấy phải tâm phục khẩu phục tân triều và một lòng trung thành với họ Lý. Nếu làm được như thế, ông sẽ được tiếng là người nhân nghĩa, khéo xử thế, hình ảnh và tiếng tăm của ông nhất định in sâu trong lòng dân chúng, qua đó củng cố được địa vị của tân triều và ngăn ngừa được hậu họa (đến từ con cháu nhà Tiền Lê) cho đời sau.
Lý Thái Tổ có cách nghĩ rất cao minh. Cách hành xử của ông cũng cao minh không kém. Ông đã dựa vào địa vị là con rể của cựu triều, thông qua việc đối đãi với đích phu nhân để làm yên lòng những người thuộc hoàng tộc họ Lê. Bằng cách vượt lên trên điển lễ, dành cho hoàng hậu Lập Giáo quy chế xe kiệu, áo mũ vượt hơn các hoàng hậu còn lại, Lý Thái Tổ đã cùng lúc đạt được hai mục đích:
Thứ nhất, bày tỏ cho thiên hạ biết ông là người hiếu nghĩa. Lập Giáo là công chúa nhà Lê, đối xử đặc biệt với Lập Giáo cũng tức là chứng tỏ được lòng biết ơn to lớn của ông đối với tiền triều, nơi mở đầu hoạn lộ và đế nghiệp của ông.
Thứ hai, dành cho Lập Giáo nghi vệ hơn hẳn bình thường và lập con bà làm Thái Tử, Lý Thái Tổ đã xoa dịu và đẩy lùi được nỗi oán giận của hoàng tộc nhà Lê đối với tân triều. Hoàng tộc nhà Lê oán giận bởi quyền lợi của họ bị xâm hại. Nay trước việc Lập Giáo được ưu ái, đám con cháu tiền triều ấy cũng cảm thấy yên lòng phần nào. Họ càng yên tâm hơn khi cùng lúc ưu đãi Lập Giáo, Lý Thái Tổ đã ban quan tước cho họ, cử họ trấn giữ những vùng đất quan trọng và cho phép con cháu họ thừa kế chức vị của cha ông (như con cháu Lê Ngọa Triều được thế tập trấn trị châu Phong, dòng dõi Hoàng Tử Lê Long Đinh thì đời đời cai quản châu Chân Đăng…).
Thông qua tìm hiểu đối sách với cựu triều của Lý Thái Tổ, chúng ta có thể vén bức màn đằng sau sự đối đãi đặc biệt dành cho hoàng hậu Lập Giáo. Trong đối sách ấy, hoàng hậu Lập Giáo là nhân vật trung tâm, vừa trực tiếp thụ hưởng sự đãi ngộ của chồng vừa là nhân tố trấn an, đem lại quân bình cho những người trong tôn thất họ Lê. Ưu ái Lập Giáo, Lý Thái Tổ đã xóa tan mầm họa loạn đến từ cựu triều, giúp ông có điều kiện dồn tâm lực xây dựng vương triều và đất nước. Còn Lập Giáo hoàng hậu cũng không phải bận tâm về tương lai của dòng họ mình và yên ổn vui hưởng phú quý đến hết đời. Năm 1028, Lý Thái Tổ mất. Thái Tử Lý Phật Mã nối ngôi đã phong Lập Giáo hoàng hậu làm Linh Hiển Hoàng Thái Hậu.