Chuyến đi sứ dài nhất
Ngày xưa, do đường sá xa xôi, núi sông cách trở, nên mỗi chuyến đi của sứ thần Đại Việt đến Trung Quốc thường kéo dài 1 - 2 năm. Chuyến đi sứ dài kỷ lục trong được ghi nhận trong lịch sử nước ta là chuyến đi của
sứ thần Lê Quang Bí vào năm 1548 thời nhà Mạc.
Lê Quang Bí sinh năm 1506, quê ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Năm 1527 ông 21 tuổi, thi đỗ Hoàng giáp rồi làm quan dưới triều nhà Mạc. Năm 42 tuổi (1548), ông được cử đi sứ nhà Minh.
Nhiệm vụ của sứ đoàn chỉ là nộp cống, thế nhưng nhà Minh nghi ngờ Lê Quang Bí là sứ thần giả mạo nên đã gây khó dễ, giam lỏng ông trong nhiều năm trời. Mãi đến năm 1566 – 18 năm sau khi bắt đầu chuyến đi - Lê Quang Bí mới được trở về nước. Khi đi, ông đang còn ở tuổi tứ thập, mái tóc còn xanh, khi trở về, ông đã trở thành một ông lão 60 đầu râu tóc bạc.
Chuyến đi sứ bi tráng nhất
Giang Văn Minh (1573 - 1638) là sứ thần duy nhất của Đại Việt bị triều đình phương Bắc giết hại khi đi thực hiện sứ mệnh ngoại giao của mình.
Theo sử tích, khi Giang Văn Minh đến triều kiến, vua Minh đã ngạo mạn ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”. Nghĩa là: Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc. Câu này có hàm ý nhắc tới việc
Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng". Nghĩa là Bạch Đằng thủa trước máu còn loang. Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
|
Ảnh minh họa.
|
Vua nhà Minh nổi giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”.
Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và phong phong là “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng bất diệt).
Vị sứ thần già nhất
Sau trận Ngọc Hồi - Đống Đa, năm 1790 Nhữ Trọng Thai (1696 - ?) được
vua Quang Trung cử đi cùng đoàn với người đóng giả ngài là Phạm Công Trị sang Trung Quốc mừng thọ
vua Càn Long và thụ phong làm An Nam quốc vương. Vào thời điểm đó Nhữ Trọng Thai đã 95 tuổi, một độ tuổi xưa nay hiếm. Việc ông vượt ngàn dặm để đến kinh đô Trung Quốc và quay về nước trong điều kiện của 2 thế kỷ trước quả là một kỳ tích phi thường.
Vị sứ thần tướng mạo xấu xí, trí tuệ siêu phàm
Mạc Đĩnh Chi (1272- 1346), tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, Chí Linh, nay là Nam Sách (Hải Dương). Bẩm sinh ông tướng mạo xấu xí: người lùn, da đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô... người làng thường bảo đó là con khỉ tinh nghiệm vào. Trái với vẻ ngoài thô kệch đó, ông là người có trí tuệ kiệt xuất, được coi là thần đồng từ thuở nhỏ.
Khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang nhà Nguyên, vẻ ngoài của ông khiến quan lại phương Bắc không ít lần tỏ ý khinh thường. Tuy nhiên, tài trí của ông đã khiến họ phải ngả mũ kính phục.