Vụ án oan của Nguyễn Trãi là vụ án oan lớn nhất lịch sử nước ta. Từ đó đến nay, dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết, thần thoại để thần bí hóa câu chuyện này. Chẳng hạn đổ cho người thiếp Nguyễn Thị Lộ là rắn hóa người để hãm hại Nguyễn Trãi... Các nhà địa lý phong thủy lại cũng có cách lý giải bí ẩn phong thủy vụ Nguyễn Trãi bị tru di ba họ dưới góc nhìn nghề nghiệp của mình. Theo họ, nguồn cơn của sự việc là do huyệt đất kết phát của nhà Nguyễn Trãi gặp hung họa mà không tìm cách hóa giải.
|
Chân dung Nguyễn Trãi. |
Theo sách "Phong thủy địa lý Tả Ao", tập 3: Vi sư pháp, khi quân khởi nghĩa Lam Sơn đánh ra thành Đông Quan năm 1427, quân Minh cử viện binh sang cứu nguy. Trong đoàn quân binh của Liễu Thăng có thượng thư bộ Công nhà Minh là Hoàng Phúc. Sau khi Liễu Thăng bị giết trong trận quân ta phục kích ở Chi Lăng, Hoàng Phúc cùng tướng Thôi Tụ kéo quân cố chạy về thành Xương Giang nhưng thành đã bị quân ta chiếm. Quân của Phúc phải đóng ở đồng trống nhưng sau đó cũng bị quân ta tập kích tiêu diệt nốt và Phúc bị bắt làm tù binh.
Tương truyền rằng khi gặp Nguyễn Trãi, Hoàng Phúc đã nói với Nguyễn Trãi rằng đất kết nhà y có cái sá văn tinh nên sẽ sớm được tha. Sách "Phong thủy địa lý Tả Ao" chép cụ thể: “Trận chiến năm Ngọ, Lê Lợi, Nguyễn Trãi ra đánh Đông Quan có bắt được Hoàng Phúc là Thượng thư Bộ Công của nhà Minh cùng tài liệu địa lý của Cao Biền. Hoàng Phúc cho Nguyễn Trãi biết là đất kết nhà Hoàng Phúc có cái sá văn tinh, bây giờ bị bắt nhưng sẽ được tha trước 100 ngày. Còn đất nhà Nguyễn Trãi tuy kết khai quốc công thần nhưng sau sẽ bị chu di tam tộc nếu không chữa ngay. Quả nhiên chưa đến 100 ngày Hoàng Phúc được tha và được cấp cho người ngựa để trở về Trung Quốc còn Nguyễn Trãi thì bị chu di trong vụ án Lệ Chi Viên”.
Vì sao Hoàng Phúc biết về đất kết nhà Nguyễn Trãi ở Nhị Khê. Đó là vì y có cầm theo hai tài liệu về phong thủy nước ta do Cao Biền soạn từ thời nhà Đường. Lai lịch của hai tài liệu này như sau:
Vào thời nhà Đường đô hộ nước ta, dân ta nhiều phen nổi lên chống lại để giành độc lập. Đến đời Đường Trung Tông, ông vua này cử Cao Biền sang làm An nam đô hộ sứ và dặn rằng: “Khanh học địa lý tối vi tinh diệu, trẫm nghe An nam có nhiều quý địa kết phát tới thiên tử, sản xuất ra nhiều nhân tài, anh kiệt nên luôn luôn nổi lên chống đối.
Qua đó khanh hãy tường suy phong thủy, kiến lãm sơn xuyên và làm tờ biểu tấu kèm theo lời diễn ca các kiểu đất bên An nam, gửi ngay về cho trẫm xem trước. Rồi ở bên đó khanh đem tài kinh luân, đoạt thần công, cải thiên mệnh, trấn áp các kiểu đất lớn đi, đó là cách nhổ cỏ thì nhổ cả gốc, tránh hậu họa sau này”.
Tương truyền, Cao Biền đã đi khắp lãnh thổ nước ta thời đó để xem xét phong thủy. Sau đó y gửi về cho vua Đường 2 bản tấu có tên là “Cao Biền địa lý tấu thư kiểu tự” và “Cao Biền tấu thư cửu long kinh”. Bản tấu thứ nhất mô tả 632 kiểu đất kết chính và 1517 kiểu đất kết bàng có thể phát đến công hầu khanh tướng, anh tài tuấn kiệt. Tập thứ 2 mô tả 27 huyệt đất có thể kết phát đến đế vương.
Sau khi gửi đi bản tấu, Cao Biền bắt đầu trấn yểm một số mạch đất. Các câu chuyện Cao Biền trấn yểm phong thủy ở nước ta ngày nay còn lưu truyền nhiều trong dân gian. Chẳng hạn vụ trấn yểm thần núi Tản Viên, trấn yểm thành Thăng Long hoặc trấn yểm núi Hàm Rồng... Tuy nhiên, thủ đoạn ác độc của vua tôi nhà Đường vẫn không thể đảo ngược bánh xe lịch sử và ý chí độc lập của của một dân tộc nên vào thế kỷ 10, nước ta giành lại được độc lập.
Đến thời nhà Minh, sau khi tiêu diệt nhà Hồ, vua Mình lại bắt chước vua Đường, muốn trấn yểm phong thủy nước ta để triệt tận gốc mầm phản kháng nên mới sai viên thượng thư bộ Công là Hoàng Phúc mang hai tài liệu của Cao Biền sang để tìm kiếm và trấn yểm nốt những chỗ còn sót. Đến khi Hoàng Phúc bị bắt, quân Lam Sơn thu được 2 tài liệu này.
Theo tác giả Cao Trung trong sách "Phong thủy địa lý Tả Ao" thì sau khi tài liệu này bị quân Lam Sơn thu giữ, nó đã rò rỉ ra dân gian. Giới địa lý đã sao chép truyền tay cho nhau để căn cứ vào đó tìm đất kết. Tài liệu của ông Cao Trung là căn cứ vào bản chép tay của cụ Đặng Mỹ Sâm.
Trở lại câu chuyện Nguyễn Trãi. Ông là khai quốc công thần nhà Lê, đã theo Lê Lợi từ những ngày đầu khởi nghĩa. Ở trong quân ông đã hiến nhiều kế sách giúp quân khởi nghĩa ngày một phát triển và giành thắng lợi hoàn toàn. Đến năm 1442, do vụ Lê Nhân Tông đột ngột băng hà ở Lệ Chi Viên. Trong khi vua băng hà chỉ có bà Nguyễn Thị Lộ là thiếp của Nguyễn Trãi hầu cận nên Nguyễn Trãi bị vu tội mưu phản giết vua và sau đó bị chu di 3 họ.
Sang đời Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi đã được minh oan nhưng câu chuyện oan khuất đó vẫn là một chủ đề khiến dân gian bàn tán và từ đó mới xuất hiện nhiều giai thoại có tính thần bí hóa.