Nói đến vụ án Lệ Chi Viên, ngay trong những trang chính sử của Đại Việt sử ký toàn thư vẫn ghi một truyền thuyết về việc con rắn báo oán. Nói gọn lại thì câu chuyện bắt đầu từ đời Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi). Khi còn dạy học, Phi Khanh có lần cho học sinh dọn cỏ. Đêm trước đó, ông nằm mộng thấy một người phụ nữ đến khẩn khoản nói rằng xin thư lại cho ít hôm để dọn nhà vì chồng đi vắng, các con còn nhỏ.
Vì đã báo các học trò, việc dọn cỏ không hoãn lại được. Đến trưa có học trò báo lại họ đào phải một hang rắn. Vì rắn định cắn nên họ đã đánh chết 3 con con và làm đứt đuôi con mẹ nhưng nó và một vài con con đã chạy thoát. Phi Khanh chợt hiểu ra người đàn bà trong giấc mơ là rắn đội lốt. Ông thở dài: “Thế là ta đã không cứu được họ rồi”. Mấy ngày sau trong khi Phi Khanh đang ngồi đọc sách thì trên xà nhà có con rắn bò. Đuôi của nó nhỏ máu xuống trang sách của ông đúng vào chữ "đại" và máu thấm qua 3 trang giấy.
Nhà Hồ mất, nước nhà bị quân Minh đô hộ hơn 20 năm. Nhờ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi mà nền độc lập dân tộc lại lấy lại được. Thành công của cuộc kháng chiến ấy có sự đóng góp rất lớn của Nguyễn Trãi - con trai Nguyễn Phi Khanh.
Khi đã làm quan to trong triều, Nguyễn Trãi có gặp một người phụ nữ tài danh, nhan sắc là Nguyễn Thị Lộ. Ông bèn lấy bà làm thiếp. Vì bà có học thức nên được Lê Nhân Tông cho vào triều làm Lễ nghi học sĩ để dạy dỗ cho cung tần mỹ nữ của vua.
Vào năm 1442, Nhân Tông về miền Đông tuần du rồi băng hà ở Lệ Chi Viên. Khi vua mất chỉ có một mình Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Lập tức Nguyễn Trãi bị khép tội cùng Thị Lộ âm mưu giết vua. Ngay sau đó triều đình tru di 3 họ Nguyễn Trãi gây ra một vụ án tàn khốc nhất lịch sử.
|
Chân dung Nguyễn Trãi. Ảnh: Internet.
|
Tương truyền rằng khi hành hình, vừa cởi trói cho Nguyễn Thị Lộ thì bà biến thành một con rắn lớn bò xuống nước bơi đi mất. Nhân thế người ta cho rằng Thị Lộ là rắn đội lốt thành để hại con cháu Nguyễn Phi Khanh nhằm báo thù.
Câu chuyện đến đó chưa kết thúc. Sau hơn 20 năm chịu tiếng oan, vào năm 1464, vua Thánh Tông đã xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi và cho tìm con cháu ông để cho tập ấm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì người ta tìm được một người con Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ. Lúc này Anh Vũ đã đỗ Hương cống nên được Thánh Tông cho làm tri huyện và ban cho 100 mẫu ruộng.
Sử không chép rõ cuộc đời sự nghiệp sau này của Anh Vũ ra sao nhưng truyền thuyết dân gian thì lưu truyền những câu truyện rất ly kỳ mà theo đó, Anh Vũ không thoát khỏi sự báo thù của con rắn.
Cuốn Thế giới kỳ bí của Nxb Thanh Hóa viết: “ Khi Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, đã xuống chiếu cho người đi tìm dòng dõi của ông. May thay, một người vợ của ông ở miền Đông Bắc lúc ấy đã có mang, sau sinh ra Nguyễn Tạc Tổ, hiệu là Anh Vũ. Nguyễn Tạc Tổ, được tập ấm rồi thăng dần lên chức chánh sứ, đi sứ sang Trung Hoa.
Sau khi biết Nguyễn Tạc Tổ là hậu duệ cuối cùng của Nguyễn Phi Khanh, rắn báo oán vẫn tiếp tục truy sát.
Khi thuyền sứ bộ của Nguyễn Tạc Tổ qua Động Đình hồ, thấy một con rắn lớn đuổi theo. Đuôi nó to như cái quạt, quẫy sóng dữ dội làm cho thuyền chòng chành cơ hồ như muốn chìm nghỉm. Mọi người sợ hãi tái xám mặt mày. Con rắn vượt lên ngang thuyền, réo tên Anh Vũ mà gào thét. Biết là món nợ truyền kiếp vẫn còn phải trả, Anh Vũ bèn bước lên mũi thuyền nói lớn: “Hỡi rắn thần! Hãy để ta lên đường làm tròn sứ mệnh. Xong việc nước, về đây ta sẽ nộp mình”.
Anh Vũ vừa nói xong, tự nhiên sóng êm gió lặng, con rắn biến mất. Mấy tháng sau, công việc đi sứ hoàn tất, đoàn thuyền sứ bộ nước ta lại về qua Động Đình hồ. Anh Vũ chuẩn bị trước, nai nịt gọn gàng, tay cầm đoản kiếm. Khi rắn vừa xuất hiện gọi tên mình, ông nói lời vĩnh biệt mọi người, rồi nhảy xuống nước. Ở trên thuyền, mọi người thấy ông cùng con rắn quây tròn lấy nhau trong một trận giáp chiến thật dữ dội. Những đường kiếm rẽ nước quay loang loáng bên cạnh cái đầu rắn đang thè lưỡi đỏ phun phì phì. Những cuộn bọt đỏ nổi lên, hết lớp này đến lớp khác. Rồi bỗng đâu, máu nhuộm đỏ thẫm cả người lẫn vật. Một lúc lâu sau, cả hai cùng chìm sâu xuống đáy hồ.
Ông phó sứ là người chứng kiến cảnh tượng này, vô cùng cảm kích, ông vội tìm giấy mực viết ngay một tờ sớ gửi về, trình lại hoàng đế nhà Minh. Cảm kích trước hành vi dũng cảm quên mình của vị chánh sứ nước Việt, vua Minh đã xuống chiếu sắc phong Nguyễn Tạc Tổ đời đời làm thần thành hoàng của cả vùng Động Đình hồ rộng lớn”.