Ai là người biết nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Đó là người có tri thức uyên bác, sử dụng được nhiều thứ tiếng nhất VN. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về tinh thần không ngừng học tập.

Trương Vĩnh Ký là một nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn và khảo cứu văn hoá tiêu biểu của Việt Nam.
Gia đình gia giáo

Trương Vĩnh Ký quê ở Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long. Bố của Trương Vĩnh Ký là ông Trương Chánh Thi, là một quan võ ở thời nhà Nguyễn trong những ngày buồn thảm nhất của lịch sử. Trương Vĩnh Ký là người con thứ ba trong gia đình. Chị gái đầu mất từ khi còn ít tuổi, người anh là Trương Chánh Sử, một người thông minh, học rộng làm quan đến chức Đốc phủ sứ. Năm Trương Vĩnh Ký hai tuổi, người cha Trương Chánh Thi theo mệnh lệnh triều đình, điều binh đi đóng ở Nam Vang nhận chức chưa được bao lâu thì lâm bệnh nặng và từ trần ở đấy.
Trong tình cảnh ấy, một tay người mẹ, bà Nguyễn Thị Châu tần tảo nuôi dạy con cái. Năm lên 5 tuổi, Trương Vĩnh Ký bắt đầu học chữ Nho với thầy học. Ký vừa thông minh vừa ham học. Không được bao lâu, Trương Vĩnh Ký lại được mẹ giao cho một linh mục người Nam được gọi là cụ Tám, người mà hơn chục năm về trước, khi Quốc triều đang nghiêm cấm đạo Gia tô, đã được võ quan Trương Chánh Thi che chở để thoát thân trong những ngày gặp hoạn nạn. Trương Vĩnh Ký bắt đầu học chữ quốc ngữ (1845). Đáng lẽ người học sinh Trương Vĩnh Ký phải được hưởng tất cả cái phần hương hoả về thông minh và hiếu học của cụ Tám sau này, nhưng theo cụ chưa được bao lâu thì cụ Tám mất khi Trương Vĩnh Ký mới lên 9 tuổi. 
Tượng đài nhà bác học Trương Vĩnh Ký. 
Việc học hành vất vả
Bà Nguyễn Thị Châu biết rằng mình có tận tâm đến đâu, con mình cũng không được mười phần chu đáo, bà liền cho Trương Vĩnh Ký theo học một nhà truyền giáo người Pháp tục gọi là cố Long mới đến đóng ở thôn Cái Mơn. Ngay từ buổi đầu gặp mặt, cố Long đã nhận thấy ở Trương Vĩnh Ký có năng khiếu thông minh bẩm sinh. Cố Long không những dạy chữ quốc ngữ, lại còn bắt đầu dạy cả chữ Latinh cho Trương Vĩnh Ký nữa. 
Chưa được bao lâu, trong nước sự tàn sát những người có đạo Gia tô lại nổi lên một cách tàn nhẫn hơn. Cố Long cùng với năm, ba người tuỳ tùng trong đó có cả Trương Vĩnh Ký, phải tìm kế thoát thân. Có lúc phải đội lốt nhà tu hành, có lúc mặc y phục đám cưới, rồi nào dù, nào võng, nào nghi lễ cứ thế mà qua hết rừng nọ, núi kia. Hễ ở yên được một chỗ trong ít lâu thì cố Long lại đem sách Latinh ra dạy. Vừa học, vừa chạy, vừa lo cho cái tính mệnh của mình đều luôn luôn phơi trước sự tàn sát của người, của thú dữ và bệnh tật, thế mà Trương Vĩnh Ký vẫn học thông được chữ Latinh và một vài thứ tiếng ngoại quốc khác nữa.
Năm Trương Vĩnh Ký 11 tuổi, cố Long nghĩ đến việc tìm cho cậu học trò yêu của mình một nơi yên ổn để học hành. Cố Long đã đưa Trương Vĩnh Ký tới trường Pinhalu ở Cao Miên. Tại đây, Trương Vĩnh Ký được tiếp xúc với các học sinh nhiều nước, đây là một môi trường mới để Trương Vĩnh Ký học thêm tiếng Xiêm, tiếng Mianma, tiếng Tàu, tiếng Lào, tiếng Khơme do các bạn học sinh của các nước ấy chỉ bảo. Năng khiếu về từ ngữ học của Trương Vĩnh Ký xuất phát từ đấy. 
(Còn nữa)...
Chí Đức

Bình luận(0)