(Kienthuc.net.vn) - Vợ tôi có sở thích “rút thẻ đỏ” trên giường với chồng mỗi lúc hai đứa giận nhau.
Thường trong cuộc sống tôi luôn nhường vợ, vì tôi nghĩ mình là đàn ông phải thoáng hơn, hơn nữa tôi biết vợ tôi tính ngang bướng chứ tâm thì tốt.
Nhưng cô ấy cô một thói quen khiến tôi vô cùng khó chịu, ấy là cứ lần nào tôi không nhường, vợ chồng phải tranh luận găng hơn một chút, thậm chí có khi chỉ đơn giản là buổi tối cô ấy thích đi đến nơi này tôi lại muốn đến chỗ khác, là cô ấy cũng “rút thẻ đỏ” với tôi.
“Thẻ đỏ” của cô ấy bao gồm: cấm không cho tôi động vào người cô ấy, cấm luôn cả con cũng không được động vào người mẹ.
Nhiều lần, tôi muốn ôm ấp gần gũi cô ấy để làm hòa nhưng cô ấy rất kiên quyết, đặt con nằm giữa, một mình quay mặt vào tường ngủ khò (cao điểm có lần cô ấy làm thế cả 1 tuần).
Con cái khóc gọi mẹ ời ời, tôi biết cô ấy sốt ruột không ngủ được nhưng cũng vẫn kệ, mặc tôi xoay sở, luống cuống.
Bao giờ tôi cũng phải vì xót con hay chán cảnh vợ chồng đồng sàng dị mộng, làm một bài xin lỗi thành tâm, hoành tráng cô ấy mới tha cho.
Tôi nghĩ, vợ chồng nhà ai chẳng có lúc không thuận, người ta có nhiều cách để giải quyết, sao vợ tôi cứ thích chọn cái cách căng thẳng thế. Cấm vận như cô ấy, làm đàn ông như chúng tôi mất cơ hội giảng hòa bằng cách (tôi cho là dễ nhất) là động chạm thể xác với nhau, bằng một cái cầm tay, một cái ôm, một nụ hôn.... Hơn nữa, con cái chẳng có tội tình gì, thế mà lần nào cô ấy cũng lôi con vào cuộc, chỉ nhăm nhăm để dành phần thắng chắc ăn về mình.
Tôi phải xử lý vụ này thế nào cho cô ấy “cạch” cái bài “thẻ đỏ” này ra?
Nguyễn Nguyên Phong (Linh Đàm, Hà Nội)
|
Vợ thích tạo một rào ngăn mỗi khi không vừa ý với tôi. Ảnh minh họa. |
Anh Phong thân mến!
Im lặng, cấm vận, rút “thẻ đỏ”… chính là những biểu hiện của hành vi gây hấn thụ động. Những người có kiểu hành vi này có vẻ như chẳng làm gì cả, không thể “tấn công” người khác theo cách trực tiếp như đánh mắng, hay la hét, nhưng tác động tâm lý lại không kém phần căng thẳng, nặng nề. Nhiều người vợ sử dụng kiểu ứng xử này mà không hề ý thức được rằng nó có thể khiến người chồng ức chế, chán nản, về lâu dài có thể phá hủy hạnh phúc.
Những người có kiểu hành vi gây hấn thụ động thường không có khả năng thể hiện sự tức giận, không hài lòng của mình theo hướng lành mạnh. Họ kiềm chế những cảm xúc tiêu cực của mình, thể hiện những yêu cầu, mong muốn với người xung quanh bằng cách im lặng, vẻ mặt sưng sỉa nặng nề, lờ đi sự có mặt của người khác, có xu hướng đổ lỗi cho người khác về tình trạng của mình…
Chung sống với một người vợ có sở thích rút “thẻ đỏ” cấm vận có thể khiến anh chán nản, phát điên: cô ấy sẽ lờ đi, như thể không có mặt mình, từ chối nói chuyện để giải quyết vấn đề, bao trùm cả gia đình bằng không khí u ám… Tuy vậy, nếu như anh đáp trả lại vợ mình bằng những hành vi tương tự, sẽ chỉ khiến vấn đề thêm tồi tệ, khoét sâu mâu thuẫn giữa hai vợ chồng.
Nhận thức rằng anh không có lỗi với những kiểu ứng xử, tâm trạng bực bội nhiều ngày liền của vợ. Hãy đề cập một cách trực tiếp về cảm xúc của anh trước hành vi của vợ, nói cho cô ấy biết về vấn đề cô ấy đang gặp phải và ảnh hưởng của chúng lên mối quan hệ của hai ngươi. Đôi khi, chính những người có thói quen gây hấn thụ động cũng không hề nhận ra kiểu thái độ, ứng xử của mình.
Đừng để vợ anh điều khiển bầu không khí gia đình: khi cô ấy giận, bực bội thì những người còn lại cũng chán nản, không được phép vui vẻ. Hãy giữ cho tâm trạng của mình thoải mái, thực hiện các hoạt động và thú vui thường nhật, cùng chơi đùa với con… Dần dần, vợ anh sẽ hiểu ra cô ấy phải chịu trách nhiệm với vấn đề, cảm xúc của mình, biết cách thể hiện sự tức giận một cách lành mạnh hơn.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Hồng Minh
[links()]