Cái cách vợ xót xa tình cũ như thế khiến tôi cảm thấy không thoải mái....
(Kienthuc.net.vn) - Vợ tôi là người phụ nữ chính chuyên, tôi tin điều ấy, nhưng cô ấy quá mức đa sầu đa cảm.
Thực ra, phụ nữ đa cảm một tí cũng không sao, tôi nghĩ điều ấy làm cô ấy trở thành người nhân hậu, yêu chồng thương con hết mực.
Nhưng đôi khi, sự đa cảm của cô ấy khiến những người xung quanh mệt lây, mà tôi cũng bối rối không biết phải làm thế nào.
Trước khi đến với tôi, vợ tôi có một mối tình. Tôi không rõ vì sao họ chia tay, nhưng tôi tôn trọng và thương vợ, không bao giờ hỏi đến; cô ấy cũng không nhắc lại chuyện đã qua.
Gần đây, trong một lần đi đám cưới một người bạn, cô ấy gặp lại người cũ. Theo như cô ấy nói, giờ cậu ấy rất khổ, vợ ốm con đau, công việc không thuận lợi, cuộc sống khó khăn... Đành rằng, gặp một người dưng mà họ khổ sở ta còn động lòng, huống chi là người mình đã từng yêu thương; nhưng cái cách vợ xót xa như thế khiến tôi cảm thấy không thoải mái.
Không chỉ âm thầm tìm cách giúp đỡ người cũ về kinh tế; qua lại thăm hỏi vợ con anh ta, vợ tôi còn tận dụng tất cả các mối quan hệ mình có để tìm kiếm cho cậu ta một việc làm mới tốt hơn; đã vậy, khi mọi thứ chưa được như ý, cô ấy u sầu ra mặt. Lắm lúc hai vợ chồng đang nằm cạnh nhau, cô ấy cứ thở dài thườn thượt, tôi hỏi thì không nói gì, nhưng tôi biết cô ấy đang trăn trở vì người kia.
Giờ con cái đòi mua sắm gì cô ấy rất khắt khe; tôi muốn vợ chồng đi chơi hay đôi khi chỉ là đi ăn tiệm mỗi bữa cuối tuần cô ấy cũng kêu lãng phí (trước kia cô ấy không thế vì nhà tôi cũng tương đối dư dả). Không khí nhà tôi trầm lắng hẳn từ ngày cô ấy đi ăn cỗ về.
Tôi muốn nói với vợ đừng vương vấn nữa, đã dứt tình rồi, mỗi người một con đường, có người sướng, người khổ, đó là chuyện đương nhiên; tôi không muốn vợ tôi ôm sầu ôm khổ vào người; tôi không thoải mái khi vợ tôi xót xa như thế... nhưng tôi sợ người ta cho tôi là ghen tuông, hẹp hòi; tôi sợ vợ tôi buồn!
Tôi phải ứng xử thế nào để vợ tôi hiểu tâm sự của tôi?
Trịnh Hùng Anh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội)
Vợ anh thật may mắn khi có người chồng quan tâm, chu đáo như anh. Tuy vậy, nếu cô ấy xót xa, u sầu chỉ vì động lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của người cũ, chứ không phải có tình cảm yêu đương, nhung nhớ gì thì anh có thể yên tâm… đồng hành cùng cô ấy.
Với những người giàu tình cảm, bảo họ đừng lo, đừng thương, đừng vấn vương thì thật khó. Họ hành động theo trái tim nhiều hơn là lý trí. Huống hồ, việc giúp đỡ một ai đang khó khăn là điều rất nên làm, nhất là khi điều đó không tổn hại đến hạnh phúc gia đình ai cả.
Vả chăng, để vợ không ôm sầu ôm khổ vào mình, lây lan sang cả gia đình, anh hãy giúp vợ mở lòng, san sẻ nổi lo buồn cùng anh. Dĩ nhiên, cô ấy sẽ không chia sẻ gì hết nếu anh bắt đầu bằng những lời khuyên, cách xử lý vấn đề. Phụ nữ thích được lắng nghe mà không cần đưa ra giải pháp (đàn ông lại thường làm điều ngược lại: không lắng nghe nhưng lại khuyên bảo, đưa ra cách xử lý).
Hãy nói với vợ là thời gian gần đây anh thấy vợ lo nghĩ nhiều, anh cũng muốn cùng vợ giúp anh bạn kia. Nhớ rằng, điều quan trọng nhất anh cần làm là lắng nghe, thể hiện qua giao tiếp mắt, gật đầu, hay những câu khuyến khích như “ừ”, “đúng rồi”, “anh hiểu”… Chỉ cần vậy thôi, và có thể anh sẽ ngạc nhiên, vợ anh có thể kể lể với chồng những tâm tư sâu kín nhất.
Một khi cô ấy được giải tỏa nỗi lo, được chồng đồng hành, cô ấy sẽ không còn nặng lòng chuyện của người cũ nữa, và mái ấm của anh sẽ vui trở lại.
Ths tâm lý Phạm Văn Hùng
BÀI ĐỌC NHIỀU
[links()]