Chồng tôi mất 5 năm trước trong một tai nạn giao thông, khi cuộc sống
hôn nhân của hai đứa mới chỉ bắt đầu, nụ cười tân hôn còn chưa kịp tắt.
Sau đám tang anh nửa tháng, nỗi đau càng cào xé khi tôi biết mình đã
mang thai. Thằng bé lớn lên từng ngày trong bụng, rồi sinh ra giống hệt
bố khiến tôi nhiều khi sợ hãi không dám ngắm con mình.
Cứ tưởng cuộc sống của tôi sẽ chìm trong tăm tối như thế, nhưng thời
gian qua nó cũng dần nguôi ngoai. Thằng bé dường như cảm nhận được những
tâm tư của tôi, nó ngoan một cách lạ lùng. Tôi vẫn sống với mẹ chồng
như ngày anh còn (bố anh đã mất từ lâu). Một gia đình hai người đàn bà
góa nương tựa vào nhau, lấy thằng bé làm niềm vui duy nhất.
Ba năm trước, mẹ chồng tôi dẫn một người đàn ông về nhà ăn cơm. Anh hơn
tôi 10 tuổi, cũng đã qua một lần đò nhưng vợ chồng họ chia tay khi không
có con. Mẹ muốn mai mối cho tôi. Tôi đã nhất mực từ chối.
Tôi đã từng nghĩ sẽ giống mẹ, ở vậy nuôi con trưởng thành. Nhưng người
đàn ông ấy quá tốt, quá tâm lý. Anh yêu thương tôi, yêu thương con trai
tôi và kính trọng mẹ tôi hết mực. Tôi cũng chỉ là một phụ nữ bình
thường, thú thực tận sâu trong lòng mình tôi vẫn còn nhiều khao khát yêu
thương, bởi vậy tôi cũng dần dần rung động trước những cử chỉ quan tâm,
chăm sóc ấy.
Mới đây, mẹ chồng bảo tôi đi bước nữa. Bà bảo đời bà cô đơn nên bà biết
nỗi khổ ấy, tôi còn trẻ, phải sống cho bản thân nữa, đừng như bà. Bà bảo
bà coi người ấy như con trai, nên hai đứa tôi nếu kết hôn rồi vẫn có
thể qua lại thường xuyên như trước.
Tôi đã xiêu lòng. Chúng tôi đã bàn bạc về đám cưới. Nhưng bây giờ, điều
ấy trở nên khó khăn khi mẹ chồng tôi đưa thêm ý kiến: để cháu nội ở lại
cùng bà!
5 năm nay, thằng bé là nguồn sống duy nhất của tôi, cũng là của mẹ chồng
tôi. Nếu tôi dứt lòng mang nó đi, tôi thực sự có tội với bà, với người
đã mất. Nhưng nếu để nó ở lại để vui hưởng hạnh phúc riêng, tôi chẳng
đành lòng. Rồi khi nó lớn lên, bà nội mất đi, nó sẽ cảm thấy thế nào khi
người mẹ thân yêu bỏ rơi nó lại; nó có trách cứ, căm giận tôi không?
Tôi sẽ nói với nó thế nào về chuyện đi bước nữa của mình, để nó lại cho
bà nội chăm sóc?
Thêm nữa, bố mẹ đẻ tôi phản đối kịch liệt chuyện tôi bỏ con lại để tái
giá. Mẹ tôi nói rằng thứ đàn bà bỏ con là loại trắc nết, không chấp nhận
được. Xưa nay chỉ có người phụ nữ bỏ chồng, bỏ của, bỏ việc để giữ con,
không có ai bỏ con cả. Rồi mỗi lần tôi mang thằng bé về chơi, khi ru
cháu ngủ, bà ngoại cứ hát “Trời mưa bong bóng bập bùng/Mẹ đi lấy chồng
con ở với ai” khiến tôi đứt từng khúc ruột.
Tôi phải làm sao bây giờ?
Nguyễn Lệ Thu (Phủ Lý, Hà Nam)
|
Ảnh minh họa |
Chị Thu thân mến!
Chị đang đứng trước một quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến
tương lai của chính chị, bà nội, con trai của chị và hai bên gia đình
nội ngoại.
Bản thân chị hẳn sẽ không bao giờ nghĩ đến việc bỏ con lại để tái giá -
điều mà bố mẹ đẻ chị trách cứ - nếu không có đề nghị của mẹ chồng chị.
Chị yêu thương con mình, và người chồng mới của chị cũng có tình cảm với
thằng bé, với mẹ chồng chị. Điều khiến chị dằn vặt mình là nếu đưa con
trai đi, người mẹ chồng nhân hậu của chị sẽ cô đơn, buồn tủi, chị cảm
thấy có tội với người đã mất.
Nhưng thực ra, dù con trai có về sống với mẹ, thì bé vẫn luôn là cháu
của bà, là con của người bố đã mất. Chị không có lỗi khi đi bước nữa,
chị cũng có quyền sống hạnh phúc sau những năm tháng đau khổ, điều này
chính mẹ chồng chị - thay mặt con trai mình - đã vun vén, ủng hộ.
Trong chuyện mang theo con hay để con lại khi tái giá, điều quan trọng
nhất phải tính đến là cuộc sống và tương lai của cháu bé. Con trai chị
vẫn còn nhỏ, cần sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên của mẹ. Vắng mẹ sẽ
là thiếu hụt tinh thần không gì bù đắp nổi cho con. Chị có thể trao đổi
với con về việc này, dù sao cũng nên để con có tiếng nói trong lựa chọn
quan trọng này, cũng như cần được chuẩn bị tinh thần trước những xáo
trộn sắp tới.
Cùng với con trai, hãy thuyết phục mẹ chồng để bé có thể được sống cùng
mẹ. Mẹ chồng chị cũng thương yêu và mong muốn cháu có được tương lai tốt
nhất. Hãy trao đổi với bà vì dù thế nào, bà luôn là bà nội của cháu,
gia đình mới của chị sẽ về chơi với bà thường xuyên, thi thoảng cuối
tuần cháu có thể về ở với bà.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Hồng Minh