|
Ảnh minh họa. |
Loãng xương đe dọa phụ nữ
Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ có 1 người bị loãng xương. Ở nam giới tỷ lệ này là 1/5. Riêng tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của viện Dinh Dưỡng, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Ước tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương. Trên toàn thế giới có 6,3 triệu trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương, trong đó châu Á chiếm 51%.
Trong khi đó khẩu phần ăn của người Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu hạn chế loãng xương. Lượng canxi đưa vào cơ thể trung bình là 524mg/ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu trung bình 800 - 1000mg/người/ngày đối với người lớn.
Theo các chuyên gia, việc phòng ngừa loãng xương vô cùng quan trọng, đặc biệt là chị em phụ nữ. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ cao vì họ phải sinh đẻ. Trong quá trình mang thai, cho con bú họ thường xuyên bị thiếu canxi nhưng lại rất coi thường việc bổ sung chất này, gây nên thiếu can xi trường diễn.
TS. BS Võ Xuân Sơn, trung tâm y khoa EXSON cho rằng, việc phòng ngừa loãng xương cần thực hiện trong suốt cả cuộc đời, nhưng quan trọng nhất là phải bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, trước dậy thì. Lứa tuổi lên 10 ở nữ và 13 ở nam là thời kỳ xương phát triển với tốc độ nhanh nhất. Nếu muốn khối lượng xương đỉnh đạt mức tối đa thì phải tác động vào thời kỳ này.
Khi khối lượng xương đỉnh tăng 10%, sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong suốt cuộc đời. Khối lượng xương đỉnh phụ thuộc vào yếu tố cá thể bao gồm vấn đề di truyền, chuyển hóa và nội tiết của từng người, yếu tố dinh dưỡng, lượng calcium và protein trong chế độ ăn hàng ngày để cung cấp nguyên vật liệu cho quá trình tạo xương, yếu tố vận động thể lực giúp tăng quá trình tạo xương.
Vì vậy, việc phòng bệnh sẽ bao gồm 3 nội dung chính: kiểm soát và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ, bổ sung calcium và vitamin D trong chế độ ăn hàng ngày, sống lành mạnh và thường xuyên duy trì hoạt động thể dục thể thao.
Những thói quen có hại gây loãng xương
Kiểm soát và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ là một nội dung bao gồm nhiều công việc khác nhau, trong đó, việc đầu tiên là từ bỏ các thói quen có hại. Thuốc lá và rượu là những chất làm giảm mật độ xương một cách rõ rệt. Có một số báo cáo cho rằng nếu dùng nhiều cà phê, ca cao quá cũng ảnh hưởng không tốt đến quá trình chậm loãng xương.
Xây dựng một thói quen uống sữa và sử dụng các sản phẩm từ sữa cho cả người lớn và đặc biệt là việc sử dụng sữa hoặc các thức ăn giàu calcium ở phụ nữ lớn tuổi có tầm quan trọng đặc biệt trong phòng ngừa loãng xương.
Canxi, vitamine D là một thành phần không thể thiếu trong việc tạo xương. Con người có thể tự cung cấp vitamin D qua đường tổng hợp bởi da. Da của chúng ta có thể tổng hợp được vitamin D dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời.
Ăn thực phẩm giàu đạm ở mức vừa phải cũng giúp cho chúng ta tránh được loãng xương. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều đạm cũng dẫn đến loãng xương do làm tăng đào thải calcium qua nước tiểu.
Có nhiều chất trong thực phẩm gây hao hụt calcium do làm giảm hấp thu hoặc tăng đào thải calcium, chẳng hạn chất xơ và một số chất kết hợp như phytat, oxalat (trong rau dền), cà phê, ca cao, chất béo no...
Ngược lại, một số chất khác lại làm tăng hấp thu calcium, như đường lactose trong sữa (vì vậy sữa là thực phẩm phòng ngừa loãng xương lý tưởng), vitamin K, các thực phẩm chứa nội tiết tố nữ như đậu tương, giá đỗ…
Vận động và tập thể dục cũng là một biện pháp quan trọng để phòng ngừa loãng xương, thậm chí nó còn quan trọng hơn việc bổ sung calcium qua đường ăn uống. Tùy theo sức khỏe và tuổi tác, cường độ và thời gian luyện tập sẽ tăng hay giảm, nhưng đừng bao giờ quên vận động cơ thể.
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên có tác dụng kích thích làm tăng quá trình tạo xương, từ đó giúp làm giảm khả năng bị gãy xương ở những người bị loãng xương, đồng thời còn giúp phòng ngừa loãng xương đối với những người chưa mắc bệnh.