Tin mới vụ bé gái Hải Dương tử vong sau tiêm Quinvaxem

Google News

(Kiến Thức) - Các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã thông tin về vụ bé gái Nguyễn Ngọc Tường Vy, 4,5 tháng tuổi, tử vong sau khi tiêm Quinvaxem. Nguyên nhân là thế nào?

Liên quan đến vụ bé gái Nguyễn Ngọc Tường Vy, 4,5 tháng tuổi, trú tại thôn Ngọc Lý, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương tử vong sau khi tiêm Quinvaxem, để tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với các cơ quan liên quan vụ việc này. 
Báo cáo của Trung tâm y tế huyện Tứ Kỳ về diễn biến vụ việc, sáng ngày 25/10, cháu Nguyễn Ngọc Tường Vy được người nhà đưa đến trạm y tế xã Ngọc Kỳ để tiêm chủng thường xuyên theo lịch. Tại trạm y tế xã, cháu đã được bác sĩ Nguyễn Như Bắc khám sàng lọc trước tiêm, tư vấn và kết luận đủ điều kiện để tiêm chủng. Lúc 8h45 ngày 25/10, cháu được chỉ định tiêm vắc xin Quinvaxem lần 2 và uống OPV lần 2 tại bàn tiêm số 2.
Tại bàn tiêm số 2, cháu được điều dưỡng Đoàn Thị Hòa tiến hành tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 2, và cho uống OPV lần 2. Sau khi thực hiện tiêm xong, cô Hòa tiến hành ghi thông tin vào sổ tiêm chủng cá nhân cuả cháu Vy. Sau đó, cháu được hướng dẫn cho sang phòng theo dõi sau tiêm chủng để theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút. Tại đây, cháu được cán bộ của trạm y tế xã là Nguyễn Thị Phượng theo dõi sau tiêm chủng. Sau khi được theo dõi 30 phút tại trạm y tế cháu được người nhà cho về nhà.
Tin moi vu be gai Hai Duong tu vong sau tiem Quinvaxem
 Trạm y tế xã Ngọc Kỳ, nơi tiêm vắc xin cho cháu Vy.
Khoảng 9h30 ngày 26/10, cháu có biểu hiện nôn nhẹ, bác dâu của cháu Vy gọi điện cho trạm trưởng trạm y tế Phạm Ngọc Vinh. Ông Vinh đã trực tiếp đến gia đình thăm khám, hướng dẫn gia đình tiếp tục theo dõi cháu và chỉ định cho cháu uống ¼ viên Pamin 500mg (thuốc cảm sốt). Đến 15h20 phút cùng ngày, ông Vinh lại đến nhà thăm khám, lúc này cháu sốt 37,4 độ, nhịp tim 120 lần/phút, nhịp thở 37 lần/phút, có nốt tím 2 bên mông và cẳng chân. Lúc 16h10 ngày 26/10, cháu được chuyển đến đa khoa Tứ Kỳ. Bệnh viện đa khoa chẩn đoán là sốt/ thiếu máu chưa rõ nguyên nhân và được chuyển lên Bệnh viên Nhi Hải Dương lúc 17h10 phút cùng ngày. Khoảng 4h sáng ngày 27/10, cháu Vy tử vong tại Bệnh viện Nhi Hải Dương.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, bệnh nhân Vy nhập viện vào lúc 18h 20 ngày 26/10. Trong tình trạng nôn chớ, tím tái, bú kém, có nổi bầm tím ở chân và mông, sốt cao với nhiệt độ 39 độ, vùng đùi sưng lề, tử vong vào lúc 4h ngày 27/10. Nguyên nhân ban đầu là do suy đa tạng và sốc nhiễm khuẩn.
Tin moi vu be gai Hai Duong tu vong sau tiem Quinvaxem-Hinh-2
 Để làm rõ quy trình lưu giữ vắc xin Quinvaxem, PV Kiến Thức đã vào nhà lạnh bảo quản vắc xin này của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương.
Tin moi vu be gai Hai Duong tu vong sau tiem Quinvaxem-Hinh-3
 Thùng lạnh để vận chuyển vắc xin.
Tin moi vu be gai Hai Duong tu vong sau tiem Quinvaxem-Hinh-4
Lượng vắc xin còn ở trong nhà lạnh.
Nói về sự việc cháu Tường Vy tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, trao đổi với PV Kiến Thức chiều ngày 29/10, ông Nguyễn Đình Thực, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cho biết: “Vắc xin Quinvaxem được tiêm cho cháu Vy nằm trong lô 1453322.03 do Viện Vệ sinh Dịch tễ TW cấp, có thời hạn sử dụng đến tháng 7/2017. Lô hàng này chúng tôi tiếp nhận từ tháng 9/2015, đến tháng 10/2015, chúng tôi tiếp tục bổ sung thêm 20.000 liều vắc xin, cũng nằm trong lô hàng này. Trong tổng số 20.000 liều bổ sung, đã có 13.659 liều được phân phối về các thành phố, huyện, thị xã, 6.341 liều còn lại được bảo quản trong nhà lạnh của Trung tâm. Riêng huyện Tứ Kỳ, nơi cháu Vy được tiêm chủng, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cấp cho 836 liều và đã được sử dụng hết.
Ông Thực cũng khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, những trẻ em được tiêm vắc xin Quinvaxem trên địa bàn huyện Tứ Kỳ nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung không ghi nhận thêm trường hợp nào bất thường liên quan đến sức khoẻ ngoài trường hợp của cháu Tường Vy. Trước đây, tỉnh Hải Dương cũng chưa từng có tiền lệ xảy ra việc này.
“Trường hợp cháu Vy tử vong là vô cùng đáng tiếc, nắm được thông tin, chúng tôi đã có báo cáo bằng văn bản lên Sở Y tế tỉnh, UBND tỉnh, Cục Y tế Dự phòng, tham mưu cho các đơn vị về việc thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá sự cố này. Còn nguyên nhân cháu Vy tử vong phải do một Hội đồng y tế phản ứng sau tiêm có các thành phần đơn vị chức năng để tiến hành điều tra”, ông Thực cho hay.
Vị Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cũng đã cung cấp thông tin về quy trình vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin Quinvaxem cho các đơn vị trong tỉnh này.
“Trước đây, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương được Viện Vệ sinh Dịch tễ TW cung cấp cho 5 tủ W3000 để bảo quản vắc xin Quinvaxem. Đến đầu năm 2015, chúng tôi là một trong 3 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hoá được Viện Kiểm định Vắc xin Quốc gia đã cung cấp cho một nhà bảo quản vắc xin có dung tích 30m3. Để vận hành nhà bảo quản này, chúng tôi có cử cán bộ chuyên môn đã qua đào tạo phụ trách.”, ông Thực cho biết.
Vẫn theo ông Thực, TTYTDP tỉnh Hải Dương tiếp nhận vắc xin Quinvaxem từ Viện Vệ sinh Dịch Tễ TW, vận chuyển theo định kỳ, có kế hoạch, có biên bản bàn giao, có kiểm tra về quy trình bảo quản.
“Chúng tôi sẽ thực hiện việc cấp phát vắc xin cho các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh trước 1 – 2 ngày theo định kỳ tiêm chủng hàng tháng. Các đơn vị sẽ lên TTYTDP tỉnh lấy vắc xin, việc vận chuyển vắc xin Quinvaxem về các đơn vị được chở bằng hòm lạnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng”, ông Thực nói.
Nguyên nhân tử vong của cháu Vy vẫn đang được Sở Y tế tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan làm rõ. 
Hải Ninh

Bình luận(0)