Cách đây 10 năm, bệnh nhân bị ngã phải nhập viện nhưng không phẫu thuật được vì không thể gây mê. Đầu năm 2015, bệnh nhân về quê ở Bình Định ăn Tết không may bị ngã và gãy đốt sống thắt lưng L2, 3, 4, các mảnh vỡ đã đâm vào tủy khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn. May mắn, bệnh nhân đã được các bác sĩ dùng phương pháp đặt nội khí quản gây mê để phẫu thuật thành công đốt sống.
Từ bức thư cảnh báo của các bác sĩ Mỹ
Bệnh nhân là bà Tào Thị H. (69 tuổi, Việt kiều Mỹ), hiện đang theo dõi hậu phẫu tại bệnh viện. TS.BS Lê Văn Chung, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn ITO cho biết, khai thác bệnh sử ghi nhận, năm 2005, bà H. bị gãy đốt sống thắt lưng, thăm khám và điều trị tại Mỹ. Sau khi các bác sĩ tiến hành cho thuốc gây mê, bệnh nhân không mở miệng được (cứng hàm), vì vậy họ phải giải mê cho bệnh nhân và thay đổi kế hoạch điều trị từ phẫu thuật chuyển thành bơm xi măng sinh học cho bệnh nhân. Đặc biệt, qua lần gây mê bất thành đó, các bác sĩ Mỹ viết sẵn một lá thư để cảnh báo tình trạng cũng như khó khăn mà họ đã gặp phải để các đồng nghiệp nơi khác có hướng giải quyết an toàn cho bà khi cần can thiệp.
Qua tiến hành thăm khám, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, do bệnh nhân có tiền sử cứng hàm khi gây mê nên các bác sĩ tiến hành phương pháp đặt nội khí quản bằng ống thông dẻo khi bệnh nhân còn tỉnh táo. Sau khi đặt được ống thông khí cho bệnh nhân an toàn thì các bác sĩ nhanh chóng gây mê cho bệnh nhân trong suốt gần 4 tiếng để phẫu thuật chấn thương cột sống thành công.
|
GS.BS Lê Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn ITO đang thăm khám cho bệnh nhân Tào Thị H. |
Những bước tiến mới
TS.BS Lê Văn Chung chia sẻ, sau khi nghiên cứu và áp dụng chữa thành công ca bệnh Tào Thị H. thì các bác sĩ ở đây còn làm một ca khác khó hơn. Đó là bệnh nhân Trần Ngọc D. (42 tuổi, quê quán Hà Nội). Bệnh nhân D. nhập viện trong tình trạng hoại tử chỏm xương đùi 2 bên, lưng cong không nằm được (do viêm dính khớp), dáng đi như rô bốt. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng 2 bên cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, kết quả khám lâm sàng cho thấy, bệnh nhân miệng há hạn chế (do viêm dính khớp hàm), cứng cổ (do viêm dính các đốt sống cổ) nên các bác sĩ cũng tiến hành phương pháp đặt nội khí quản bằng ống thông dẻo khi bệnh nhân với tư thế nửa ngồi, nửa nằm, còn bác sĩ gây mê thì phải đứng lên bục cao để thực hiện gây mê.Hiện tại bệnh nhân đã có thể đi đứng lại được bình thường.
|
TS.BS Lê Văn Chung, Trưởng khoa Gây mê Hồi Sức, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn ITO đang trao đổi về phim chụp của bệnh nhân D. |
Bệnh nhân Tào Thị H. cho biết: “Tôi bị tai nạn lần thứ hai rất đau nhức, không thể đi lại, ngồi được mà chỉ nằm một chỗ. Khi mới bị tai nạn đã bó thuốc, nằm lửa để chữa bệnh nhưng kết quả không hồi phục mà càng đau nặng. Tôi đã đến bệnh viện địa phương để thăm khám, chụp hình và do bị bệnh cao huyết áp, kèm với cảnh báo của bác sĩ Mỹ nên bác sĩ địa phương khuyên tôi tiêm thuốc giảm đau, thuốc bổ, uống canxi và tiêm cả thuốc giãn cơ nhưng cũng không làm thuyên giảm cơn đau thấu xương thấu tủy này.
Người nhà đã gửi phim chụp CT, MRI của tôi đến nhiều bệnh viện để nhờ can thiệp điều trị nhưng hầu như là bị từ chối về vấn đề nội khoa và dị dạng bẩm sinh thanh môn quản của tôi. May mắn, cuối cùng thì tôi được Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn ITO nhận lời và kết quả vô cùng tuyệt vời. Sau mổ 2 ngày, tôi đã ngồi dậy và tập đi được khoảng 1 tiếng đồng hồ, không còn đau ê ẩm thấu xương tủy nữa, cảm giác như trút được gánh nặng”.