Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: "Trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước ta ghi nhận hơn 53.000 ca bệnh sốt xuất huyết tại 54 tỉnh thành, trong đó có 34 người tử vong.
Thời điểm hiện tại, dịch sốt xuất huyết đã có xu hướng giảm ở phía Bắc do thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh. Tuy nhiên, tại các tỉnh phía Nam, phải đến hết tháng 12, dịch mới suy giảm và có thể diễn biến phức tạp do thời tiết thay đổi mưa, nắng kéo dài thất thường".
|
Một bệnh nhân bị sốt xuất huyết |
Ông Phu cho biết thêm: "Không riêng gì Việt Nam, hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á".
Thực tế, có đến 9/10 nước khu vực Đông Nam Á đang phải đối phó với dịch sốt xuất huyết. Tại Philippines, ghi nhận hơn 100.000 ca mắc, hơn 300 người tử vong. Tại Malaysia, ghi nhận hơn 96.000 ca mắc, với hơn 260 người tử vong. Tại Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan, Ấn Độ, bệnh cũng đang gia tăng sau nhiều năm không có dịch.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.
|
Bệnh sốt xuất huyết là do muỗi truyền. |
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là sốt, có thể dùng paracetamol tạm hạ nhiệt rồi sẽ tiếp tục sốt cao. Người bệnh thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày. Từ ngày thứ hai trở đi, bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Các ngày sau, triệu chứng rõ ràng hơn. Một số người có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.
Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng, nguy cơ tử vong rất cao.