Một bài kiểm tra Vật lý nhận điểm 10 với phần lời phê cực kỳ nhí nhảnh thu hút sự chú ý của cư dân mạng mấy ngày nay. Ảnh chụp lại bài kiểm tra sau khi được đăng lên Facebook hiện đã có hơn 4 nghìn lượt thích (like) và hàng trăm bình luận từ cư dân mạng.
Bài kiểm tra có tên học sinh Nguyễn Trọng N., lớp 11, trường THPT Chuyên NĐC. Bài kiểm tra Vật lý với các câu hỏi về lý thuyết được trả lời ngắn gọn. Tuy nhiên phần khiến dân mạng chú ý nhất lại là phần điểm và lời phê cho bài kiểm tra này.
|
Bài kiểm tra Vật lý với lời phê rất "xì tin" gây xôn xao mạng xã hội. |
Dòng lời phê khá ẩn ý với nội dung: “Nên mở cửa hàng thư pháp vào mùa xuân!”, như một cách “khen ngầm” về nét chữ của người làm bài. Đặc biệt, bên cạnh dòng lời phê còn xuất hiện một biểu tượng mặt cười rất ngộ nghĩnh. Tuy nhiên ô điểm 10 được viết nắn nót, tròn trĩnh, cùng với dòng lời phê với nét chữ khá non, khiến nhiều dân mạng nghi rằng đây là một bài kiểm tra “tự biên, tự diễn”.
Bài kiểm tra đặc biệt này khiến nhiều cư dân mạng tò mò và cảm thấy thích thú. Nickname Robbey chia sẻ bức ảnh chụp lại bài kiểm tra lên trang cá nhân của mình với dòng mô tả: “Thầy cũng ít có nhí nhảnh”. Phía dưới chia sẻ của Robbey, hàng trăm dân mạng cũng bày tỏ sự thích thú và cả những nghi ngờ của mình xung quanh bài kiểm tra này.
|
Có rất nhiều ý kiến thắc mắc của dân mạng về bài kiểm tra này. |
Nickname Trang Vu bình luận: “Có ai cấm thầy cô nhí nhảnh đâu? Chấm thế này học sinh càng thích. Học sinh lúc nào cũng muốn thầy cô xài những thứ "xì tin" và hiểu về đời sống trẻ của chúng. Thầy chấm bài đáng nhận điểm 10 về mức độ gần gũi học sinh nhé!”. Nickname Tada Karmin lại thắc mắc: “Sao lớp 11 rồi mà vẫn làm bài kiểm tra ra giấy ô li? Lời phê viết chữ như của học sinh thế kia có khi nào là tự viết vào rồi chụp ảnh để câu like không?”.
Gần đây, cư dân mạng rất thường xuyên chia sẻ những bức ảnh chụp nhiều bài kiểm tra có cách làm, cách chấm lạ. Phần lớn trong đó là những bài kiểm tra thật, được người chụp đưa lên mạng với mục đích chia sẻ hoặc khoe thành tích học tập. Bên cạnh đó cũng có một số bài kiểm tra giả, người làm tự chấm điểm, viết lời phê hài hước sau đó đăng lên mạng với mục đích giải trí.