Sau buổi thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2015, rất nhiều câu chuyện về các sĩ tử, phụ huynh được chia sẻ lên mạng. Trong đó, câu chuyện về một sĩ tử hỏng thi ở Đà Nẵng vi phạm quy chế chỉ vì một cuộc gọi điện thoại của bố, kèm một bức ảnh minh họa đầy nước mắt khiến dân mạng đặc biệt quan tâm.
|
Bài chia sẻ về trường hợp của sĩ tử làm bài tốt nhưng vi phạm quy chế thi vì một cuộc gọi điện thoại của bố lúc cuối giờ. Ảnh: Beat. |
Câu chuyện chưa rõ thực hư này do một thành viên tên Huyền Trang chia sẻ và lan truyền đến nhiều fanpage có số thành viên lớn với nội dung: “Chứng kiến cảnh hai cha con này trong sân trường mà ứa nước mắt, sĩ tử đi thi môn Anh văn, em làm bài tốt, còn vài phút nữa hết giờ làm bài thì điện thoại trong túi reo lên, em bị vi phạm quy chế thi. Dù khóc van xin thế nào thì Hội đồng cũng không thể xem xét vì đó là quy định. Em khóc từ trường ra cổng, hai cha con ôm nhau gục dưới sân. Ba ơi con xin lỗi ba nhiều lắm, tiền ba dồn hết vô cho con mà con đổ sông... Tiếc thay, cuộc gọi đó là do chính Ba của em gọi vì đứng ngoài cổng thấy con mình chưa ra nên lo lắng buồn tay bấm số. Một năm đèn sách giờ đánh đổi bằng phút hờ hững của thí sinh, thầy cô giáo ai cũng tiếc vì đây là kỳ thi quan trọng có cả Tốt nghiệp phổ thông nữa, thương đó nhưng cũng trách vì giám thị đã phổ biến quá nhiều lần rồi. Chúc em vượt qua nỗi buồn, rút kinh nghiệm và thi thật tốt vào năm sau.
Kèm theo bài đăng này là hình ảnh một sĩ tử gục khóc trong sân trường. Một số dân mạng cho rằng đây chỉ là ảnh minh họa cho câu chuyện trên, một số khác lại khẳng định những người trong ảnh chính là nhân vật của câu chuyện.
|
Câu chuyện gây xôn xao vì tính thực hư. Ảnh chụp màn hình FB. |
Xoay quanh câu chuyện này, nhiều bạn trẻ đã đưa ra những quan điểm khác nhau về cách chuẩn bị kỳ thi, người bênh vực, người chê trách sĩ tử hỏng thi theo cách “lãng xẹt” này. “Đáng thương hay đáng trách” là câu hỏi mà nhiều người đặt ra về trường hợp của thí sinh này. Nghĩ đến việc nhiều năm đèn sách bị hoài phí chỉ vì một lỗi không cố ý, sĩ tử này được một số người thông cảm, thậm chí là rủ lòng thương. Nhưng suy xét đến việc trong buổi phổ biến quy chế, chắc chắn quy định không được mang điện thoại vào phòng thi đã được các giám thị phổ biến nhiều lần, thì sĩ tử này lại thực sự rất đáng trách và bị cho là “to gan”.
|
Nhiều ý kiến chỉ trích sĩ tử cố ý mang điện thoại vào phòng thi, để xảy ra nhiều cú "phốt" không thể lường tới. Ảnh chụp màn hình FB. |
Nickname Minh Quan Vũ bình luận về câu chuyện này trên fanpage Beat: “Ngày gặp mặt nhận phòng thi đã nhắc đi nhắc lại chuyện phao và để điện thoại ở nhà. Nếu hôm thi có mang đi để liên lạc trước giờ thi xuống phòng hội đồng coi thi nộp và lấy một túi giấy niêm phong. Thi xong nhận lại. Biết vẫn cố làm… Điếc không sợ súng .... Coi thường luật lệ... Thương cũng thương mà đáng trách nhiều hơn! Em không thể ngô nghê với ước mơ, tương lai và kì vọng của gia đình được”.
Ngoài ra, câu chuyện về những trường hợp vi phạm quy chế vì những lỗi như mang điện thoại vào phòng thi, đánh rơi phao thi dù chưa dùng… hầu như năm nào cũng diễn ra và được phản ánh nhiều trên báo chí. Vì vậy, những sĩ tử mắc lại những lỗi này phải nhận vô số lời chỉ trích về sự hời hợt, liều mình làm trái quy định nhưng sau khi chịu hậu quả lại lấy những lý do kiểu “chẳng may” hoặc do khách quan tác động.
|
Chuyện thí sinh mang điện thoại, phao vào phòng thi chưa dùng nhưng vẫn bị lập biên bản hầu như năm nào cũng được phản ánh. |
Candy Thủy bình luận: “Năm nào cũng có vụ y hệt! Đều là bố gọi? 3 năm liên tiếp đọc rồi ! Sao không rút kinh nghiệm? Quy chế không được đem vào phòng thi… lúc bị phát hiện thì vẫn lập biên bản dù chưa cần biết có sử dụng hay không, huống gì chuông điện thoại lại còn reo. Bố mẹ mải làm ăn không hiểu rõ thì các em phải tìm hiểu quy chế cho bản thân. Hồi học năm 3 đại học được đi coi thi, coi 2 năm tuyển sinh duy nhất lập biên bản một em. Nhưng không thể làm sai quy chế vì em luống cuống làm rơi phao thi, chưa cần biết dùng hay không, có trúng đề hay không... Quy định là không được đem theo, em vẫn đem. Thương và thông cảm nhưng luật, quy chế và sự công bằng vẫn phải làm”.