Xem clip dàn dựng xoài làm bằng nilon gây xôn xao mạng Việt:
Trong những ngày gần đây, dân mạng Việt xôn xao chia sẻ đoạn clip xoài làm bằng nilon do một tài khoản có tên Dương Thành Nam công khai đăng tải trên mạng xã hội. Theo như clip miêu tả thì loại xoài mút có nguồn gốc Trung Quốc lúc cắt ra trong hạt xuất hiện lớp nilon mỏng được làm từ hóa chất nào đó. Sau một ngày đăng tải, clip đã thu hút được khoảng 1 triệu lượt người xem và hàng chục nghìn bình luận hoang mang từ phía dân mạng.
|
Đoạn clip của chủ tài khoản Dương Thành Nam chia sẻ đã nhận được hàng nghìn bình luận từ phía dân mạng (Ảnh cắt từ clip). |
Sự việc tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu hơn khi một người phụ nữ tên là P.T.T ngụ tại TP. HCM cũng quay clip và tố xoài mút bị làm giả. Bà T cho hay, khoảng hơn 1 tuần trước bà có mua xoài mút về ăn. Khi vừa gọt xoài thì chẳng may dao bén cắt đứt cả hạt làm lộ lớp màng trắng, thấy sự việc đáng ngờ, bà T và những người xung quanh đã cho rằng đó là nilon. Tình cờ bà T lại vô tình xem trên mạng clip tương tự do một người đàn ông giọng miền Bắc đăng tải với nội dung giống đúng như nghi ngờ trước đó của bà, nên bà T đã nhờ người thân lập "ekip" quay clip rồi đưa lên mạng chỉ với mục đích cảnh báo người tiêu dùng đề cao cảnh giác. Thông tin lan truyền khiến người dân vốn đã hoang mang nay lại còn sợ hãi hơn, niềm tin vào thị trường Việt nay có còn?
|
Bà T lại tiếp tục quay clip và khẳng định xoài giả làm từ nilon nhập khẩu từ Trung Quốc. |
Do tin đồn nhạy cảm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường kinh tế trong nước, các cơ quan chức năng đã đưa những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp vào cuộc điều tra, Cuối cùng nhà chức trách công bố, xoài mút có kích thước nhỏ đang bày bán ở TP HCM chỉ là xoài bình thường, người dân thở phào nhẹ nhõm. Sự thật đã được làm sáng tỏ, dân mạng lại quay về ném đá và lên án những người đăng clip và tung tin thất thiệt. Bà T đã chính thức công khai xin lỗi trên trang cá nhân và ngay lập tức gỡ bỏ clip dàn dựng nhưng nhiều người lại không buông tha cho bà T, họ liên tục vào facebook của bà để khủng bố, thậm chí còn điện thoại đến tận nhà dọa nạt. Chúng ta chưa vội trách móc bà T mà hãy nhìn về động cơ và bản chất sâu xa của sự việc để đánh giá.
Động cơ sự việc?
Có thể nói, động cơ quay clip của chủ tài khoản Dương Thành Nam hay bà T đều là xuất phát từ mong muốn chia sẻ ý kiến cá nhân và cảnh báo cho mọi người đề phòng hàng giả của Trung Quốc. Xét cho cùng thì họ cũng đều như những người tiêu dùng khác, khi tận mắt chứng kiến một sự việc lạ liên quan đến đồ ăn, đồ uống thường ngày sẽ sinh tâm lý nghi ngờ, lo sợ và quy chụp, nhất là hiện nay tình trạng thực phẩm giả của Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường thì việc xoài có thể làm giả cũng là một điều có thể xảy ra.
Sai lầm hành động?
Có lẽ cái sai ở đây nên chăng chỉ là chủ nhân của 2 clip trên đã quá vội vàng bày tỏ quan điểm mà chưa có các bằng chứng rõ ràng đã qua kiểm chứng. Và cái sai tiếp theo đó là tâm lý sống ảo, thích được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội mà không thể lường trước hậu quả của sự việc.
Cứ xin lỗi là xong?
Chắc hẳn những người thực hiện clip trên sẽ không thể biết vì đoạn clip xoài giả của họ mà nhiều tiểu thương và các nhà vườn bị ảnh hưởng không nhỏ về mặt kinh tế. Theo thông tin từ báo chí, hiện nay lượng xoài tí hon của Trung Quốc mỗi ngày được luân chuyển vào chợ Thủ Đức khoảng 200 tấn, giá dao động vào 18.000 – 20.000 đồng/kg, bán lẻ các chợ nhỏ vào khoảng 30.000 đồng/kg. Với số lượng xoài nhập khẩu khổng lồ như vậy, chỉ cần 1 tin đồn thất thiệt sẽ có thể ảnh hưởng đến cả cơ nghiệp của người buôn. Người tiêu dùng bị tác động nghiêm trọng đến tâm lý mua hàng và niềm tin đối với hàng hóa trên thị trường nội địa.
Chỉ một hành vi cá nhân nhỏ lẻ, cộng thêm tâm lý bầy đàn trên mạng xã hội của một số người nhẹ dạ đã vô tình đẩy sự việc đi quá xa, làm liên đới đến biết bao người làm ăn chân chính. Vậy nên chăng chỉ một lời xin lỗi và hành động gỡ clip là xong chuyện?
>>> Xem clip tố xoài Mút là xoài Trung Quốc bị dân mạng "bóc mẽ"