Là một sinh viên chuyên ngành Dinh dưỡng, Nguyễn Anh Trúc (năm thứ ba, trường ĐH Y Hà Nội) luôn quan tâm đến việc đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Bên cạnh đó, Trúc cũng đề cao yếu tố hương vị của món ăn: “Nếu bạn liên tục ăn một món ăn bổ dưỡng nhưng không hợp khẩu vị, khiến bạn không cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn thì việc ăn uống cũng sẽ mất đi một phần ý nghĩa. Mình cho rằng, dinh dưỡng vô cùng quan trọng, và hương vị sẽ là yếu tố song hành không thể thiếu, cùng tạo nên một món ăn trọn vẹn”, Trúc tâm sự.
|
Những bữa ăn đầy dinh dưỡng với nguyên liệu được gửi ra từ quê nhà. |
Tuy có những lúc bận rộn khiến Trúc mệt mỏi và thiếu động lực để tự mình nấu một bữa chỉn chu nhưng phần lớn thời gian, cô sinh viên năm thứ ba vẫn cố gắng chuẩn bị các món ăn cung cấp đủ nhóm chất cần thiết như tinh bột, protein, chất béo, chất xơ và vitamin… Trúc cũng rất hạn chế ăn những món nhiều dầu mỡ và ưu tiên lựa chọn cách chế biến như hấp, luộc để bảo quản nhiều dinh dưỡng nhất có thể.
|
Trúc ưu tiên những món ăn hấp, luộc.
|
Mặc dù đã bước sang năm học thứ tư tại khoa Luật, ĐHQG Hà Nội nhưng Khánh Linh (2000) vẫn vô cùng hào hứng khi chuẩn bị quay trở lại trường sau thời gian dài học online. Chia sẻ về thói quen ăn uống lúc xa nhà, Linh hào hứng nói: “Mình không quá đam mê mua sắm quần áo, mỹ phẩm... thay vào đó, mình thích chọn mua những thực phẩm tươi ngon, có chất lượng cao. Và một khi đã biết “mối” mua ngon, trở thành khách quen của những người bán hàng, nhiều khi mình còn được nhận những ưu đãi vô cùng hợp lý nữa. Ngoài ra, thực phẩm mẹ mình gửi cho mình rất nhiều, xếp đầy tủ lạnh... nên mình luôn ưu tiên tự nấu để có thể giải phóng tủ lạnh trước khi mẹ gửi tiếp cho mình”.
|
Tự nấu ăn khiến Linh thấy ấm cúng và yên tâm hơn.
|
Với tình yêu làm bếp, Khánh Linh hiện đang là chủ nhân của trang Instagram có hơn 1.000 người theo dõi, nơi cô bạn thường xuyên chia sẻ công thức nấu những bữa ăn ngon, phù hợp với đời sống sinh viên. “Có rất nhiều cách thức để có những bữa ăn nhanh gọn. Mình luôn ưu tiên nấu một bữa ăn hai, hoặc ba món. Cơm thì mình nấu rồi chia ra cất tủ lạnh, bao giờ ăn lại thì mình sẽ hấp. Hành tỏi mình đều bóc sẵn, rửa sạch rồi cất tủ. Mình cũng lên menu cho cả tuần và chế biến vào buổi tối để hôm sau tiện ăn luôn. Có những hôm chạy deadline hay có dự án ở trường đến muộn, mình sẽ cho tất cả vào nồi hấp lại, quay lò vi sóng và ăn luôn thôi! Mình thường sử dụng các loại củ quả nhiều hơn, sơ chế sẵn rồi luộc sẽ rất nhanh”, Khánh Linh chia sẻ.
|
Một trong số những công thức của Linh trên trang@linhpiglet_.
|
Cũng là một tín đồ “yêu bếp”, Phạm Mai Nguyên (năm thứ ba, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thổ lộ: “Suốt ba năm sống, học tập và làm việc tại Hà Nội, mình luôn cố gắng sắp xếp thời gian và thường xuyên nấu ăn tại nhà. Là một người vô cùng yêu thích nấu ăn, nên ngoài những món đơn giản thì mình thường tìm hiểu, tham khảo cách nấu từ nhiều các anh chị đầu bếp để biến tấu cho thực đơn của mình thêm phong phú”. Với Nguyên, mỗi lần tập trung nấu ăn là một lần thư giãn. Yêu bếp, yêu nấu nướng nên với mỗi món ăn tự làm, Nguyên đều dành rất nhiều tình cảm vào trong đó.
|
Nguyên coi nấu ăn là dịp để mình thư giãn. Bàn ăn được Nguyên bày biện đẹp mắt.
|
Nguyên cho rằng, điều kiện đầu tiên để nấu được một bữa ăn dinh dưỡng là nắm được một bữa ăn dinh dưỡng sẽ bao gồm các nhóm chất nào. Từ đó cân bằng khẩu phần ăn của mình cho phù hợp rồi tham khảo các công thức đơn giản để bắt đầu. “Đơn giản và tiết kiệm thời gian nhất mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm đó là hấp, luộc… Yêu nấu ăn nhưng có vài hôm về muộn không có thời gian, mình vẫn luộc thịt, luộc rau hay hấp cá với xì dầu…”.
Chuẩn bị cho lần đầu tiên xa nhà, Nguyễn Đình Nam (năm thứ nhất, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) đã lên kế hoạch chi tiết cho những bữa ăn sinh viên của mình: “Mình dự định sẽ nấu khoảng 80% bữa ăn khi ở trọ, những món ăn mình ưu tiên luôn luôn là nhanh, gọn, rẻ nhưng không thể bỏ qua dinh dưỡng. Do thời gian học chiếm nhiều nên mình sẽ ưu tiên nấu những món có thể đun nóng lại, nấu một lần ăn nhiều bữa như các món thịt, cá kho, các món hầm; những món có thể để lâu và tiện lợi như ruốc thịt, ruốc tép. Cùng với đó là những món chế biến đơn giản như rau luộc hoặc xào, thịt luộc, các món trứng... Đến cuối tuần có thời gian hơn, mình sẽ cân nhắc những món tốn nhiều công như sườn xào, canh xương hầm, các món chiên và món nướng…”.
|
Chàng trai Công nghệ yêu bếp núc cùng những “thành quả” do mình làm.
|
Nói về cách học nấu ăn, Nam cũng chia sẻ thêm: “Mình học nấu ăn chủ yếu từ kinh nghiệm sau mỗi lần nấu, nhưng không thể không kể công mẹ dạy rất nhiều và mình cũng bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu các video trên YouTube từ các đầu bếp thế giới như Gordon Ramsay, hay các kênh ẩm thực Việt Nam, các kênh nấu ăn vặt...”.