Ý kiến này xuất phát từ bài viết của Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân đăng trên mạng vào những ngày đầu năm 2013, nêu quan điểm nên tổ chức ăn Tết Dương lịch, chứ không ăn Tết Âm lịch như hiện nay.
Theo ông, đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại "bản sắc dân tộc" của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới… Thay đổi tập quán rất khó, nhưng trong tập quán Tết Việt Nam chúng ta thay đổi không khó vì chúng ta vẫn cử hành các tập quán đó, nhưng trong ngày dương lịch.
Có quyết tâm đổi mới “Ăn Tết Ta theo ngày dương lịch,” đất nước Việt Nam sẽ có những điều lợi như: Giữ được các tập quán Tết cổ truyền, vừa ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh, giao thương với nước ngoài; Ít mất thời giờ của nông dân (đại bộ phận người dân) dành chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm; Học sinh và sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý, không gượng ép nghỉ theo âm lịch, do đó không phí thời gian học hành; Giảm tối thiểu tình trạng dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng trong giao thông; Chấm dứt lãng phí nhiều ngày làm việc mà mình nghỉ, trong khi quốc tế làm việc.
Quan điểm “Tết hội nhập” trên của Giáo sư Võ Tòng Xuân gây ra nhiều ý kiến trái triều trong cộng đồng mạng.
Tết ta tốn kém, lãng phí
Các ý kiến ủng hộ đa phần đều cho rằng cách ăn Tết ta hiện nay quá sa đà, gây tốn kém... Ăn Tết ta theo dương lịch là cách để hòa nhập với thế giới, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Thành viên Đoàn Thu Trang chia sẻ trên Facebook: “Tết nhất tốn kém, bao nhiêu thứ phải lo toan, gây khổ sở nhất là cho người nghèo. Tết mà chỉ chăm chăm lo đi biếu xén, quà cáp dưới mọi hình thức, gây tham nhũng... như thế bao giờ mới phát triển được. Cần giữ truyền thống nhưng phải tìm cách ăn Tết theo đúng nghĩa của nó”.
Thành viên Trunganh82 chia sẻ bình luận trên diễn đàn Webphunu: “Thuộc thế hệ 7x, đang làm việc tại công ty tư nhân. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến thay đổi ngày Tết cổ truyền hội nhập cùng thế giới để tiết kiệm thời gian, hoà chung niềm vui cùng các nước trên thế giới, mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước”.
Cùng chung quan điểm, thành viên Linhlan84 chia sẻ: “Chúng ta nên đón mừng năm mới cùng với cả thế giới thay vì chỉ đón mừng cùng với Trung Quốc. Một nước Đông Á như Nhật Bản cũng đón năm mới theo dương lịch. Chúng ta đã theo Trung Quốc quá lâu rồi, đã đến lúc tách ra khỏi Trung Quốc và theo cả thế giới cùng vui đón Tết dương lịch. Chúng ta đã cùng vui ngày Lễ tình nhân, Halloween...thì nên vui cả Tết. Các bạn đừng quan niệm truyền thống gì mà chỉ nghĩ đó là dịp nghỉ ngơi cùng gia đình mà cả gia đình trái đất thì càng vui”.
Tết cổ truyền là bản sắc văn hóa dân tộc
Tuy nhiên, rất nhiều độc giả thể hiện sự phản đối khá gay gắt và cho rằng Tết Âm là bản sắc văn hóa của người Việt, không thể bỏ được.
Thành viên Binhthuongthoi774 chia sẻ trên Webtretho: "Đã dời ngày thì không phải là Tết cổ truyền. Theo mình biết: 1. Tết cổ truyền là mùa nông nhàn. 2. Học sinh, sinh viên Việt Nam học nhiều thời gian nhất, không có thời gian nghỉ nhiều nhất. Nhậu thì đâu có phải dời ngày là hết nhậu. 3. Ngày làm việc của nước ta nhiều hơn của nước khác, các nước được nghỉ (Mỹ 13, Pháp 39, Đức 37, Hà Lan 25)…”.
“Mỗi nước có một phong tục, tập quán khác nhau, đừng thấy thiên hạ số đông mà mình phải đi theo. Giàu nghèo đâu chỉ phải là vui chơi mấy ngày Tết, mà là ở cái khác kia. Ngay trong nước Việt Nam thôi, cũng đừng có ý nghĩ là dân tộc Khơ me, dân tộc H'mông... phải bỏ Tết của dân tộc họ… Chúng tôi muốn giữ cái tết cổ truyền đúng ngày 1 âm lịch, đó mới là thời khắc thiêng liêng, là bản sắc của chúng tôi” - Bidieu (Webphunu) chia sẻ.
Nickname Mimosa22 thì viết: “Việt Nam đã có rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng vẫn chưa nắm bắt được thôi, chủ yếu là trình độ tri thức và nhiều thứ khác, chứ không phải là do nghỉ Tết mà chậm phát triển... Nếu nghĩ vậy thì không biết là các phong tục kèm theo Tết như đưa rước ông Táo sẽ dời đi đâu, rồi ăn tết theo Tây vậy rồi âm lịch để đâu?"
“Rất nhiều bạn bè nước ngoài đã từng bài tỏ rằng họ rất yêu Tết Việt, vậy chẳng lẽ là người Việt mà không yêu Tết Việt sao? Tết Nguyên đán được du nhập từ Trung Quốc thật, nhưng từ lâu đã được Việt hóa, đã trở thành nét đẹp Việt rồi. Với lại hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp khai trương từ mồng 2 Têt, nói ăn Tết mất 3-4 tuần thật sự không đúng. Nếu muốn nghỉ ngơi nhậu nhẹt người ta có nhiều cớ chứ đâu phải đợi Tết Nguyên Đán mới có cơ hội” - thành viên Trang Thư bình luận trên Facebook.
"Không phải bây giờ GS-TS Võ Tòng Xuân mới có ý định tổ chức Tết cổ truyền vào dịp Tết Dương lịch. Ngay từ những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 đã có chủ trương như vậy, bỏ tết cổ truyền, xóa bỏ chùa chiền nhà thờ... Kết quả ra sao chắc mọi người đều rõ. Ngày nay cái gì cũng nói tới hội nhập, nhưng tiếc thay chỉ nói đến phí điện, nước, xăng dầu... theo phương Tây, còn không ai nói tới lương, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, ý thức xã hội… phấn đấu như Tây cả. Để đến bây giờ hàng ngày nhan nhản tin giết người, cướp của, ngày một tàn độc, tội phạm ngày càng trẻ hóa, đạo đức thuần phong mỹ tục tha hóa, con cái ngược đãi bố mẹ, thậm chí giết mẹ, học trò đánh thầy... không thể kể hết. Giờ lại muốn theo Tây ăn tết nữa. Bản sắc dân tộc liệu sẽ về đâu?” - thành viên Trangdd1605.
Thành viên Nguyen Thu Hang viết: “Bản thân cháu nghĩ "cao kiến" của bác GS cũng vì cái tâm muốn xây dựng đất nước và chống lạc hậu, nhưng sao không nghĩ cách làm thế nào giảm lãng phí, nhậu nhẹt , cúng biếu... mà lại nghĩ đến việc bỏ Tết Âm lịch chứ. Trong khi các nước phương Tây còn đang cố gắng quay trở về lối sống dựa trên hạt nhân gia đình truyền thống, thì chúng ta toàn chạy theo lối sống thực dụng của thế giới hàng thập kỉ trước”. Không phải cái gì có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đáng ghét. Tết âm lịch là một ví dụ. Nếu bỏ Tết âm lịch để theo Tết Tây thì cũng thế thôi”.
“Người ta vẫn bảo hòa nhập nhưng không hòa tan, cái gì là bản sắc của mình, là nét đẹp văn hóa, truyền thống của mình thì phải giữ lại có như thế người nước ngoài mới thấy được đấy là văn hóa của người Việt, bản sắc của người Việt, không bị đồng hóa bởi phương Tây, không bị nhầm lẫn là bắt nguồn hay học hỏi từ nơi nào khác chứ không phải từ đất Văn Lang-Âu Lạc. Hơn thế nữa, cả một năm vất vả, nghỉ tết là khoảng thời gian đủ để cho người ta dừng lại nhìn nhận mình đã làm được cái gì, chưa làm được cái gì, là thời gian dành riêng cho những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Điều này không chỉ đúng đối với cá nhân mà cả với những tập thể. Nhịp sống quá vội vã sẽ khiến con người ta bỏ qua rất nhiều thứ!" -
Narnia_2208 chia sẻ:
TIN LIÊN QUAN