Làng Hiển Lễ thuộc xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Tên Nôm xưa cũ của làng là Kẻ Dẫy bên nhánh con sông Cà Lồ với các bến Vam và Nam Viêm mà sách "Đại Nam nhất thống chí" đã ghi chép rất tỉ mỉ. Nơi đây đã từng là nơi buôn bán gốm lớn nhất nước ta quanh trục giao thông đường thủy có thể xuôi về Hà Nội, ngược lên Việt Trì, Yên Bái, Tuyên Quang.
|
Không ai mua gốm đã khiến làng nghề cổ thất truyền. |
Làng gốm cổ nhất
Ông Đào Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Cao Minh, cũng là người gốc làng Hiển Lễ rất lấy làm tự hào giới thiệu về làng gốm có tiếng là cổ xưa nhất Việt Nam: "Ngay từ thời xưa, nhờ hệ thống bến đò giao thương mà gốm Hiển Lễ có mặt khắp nơi trong nước. Theo cuốn ngọc phả Hùng Duệ Vương triều đã ghi chép kỹ lưỡng về ông tổ nghề gốm của nước Việt".
Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1572 ghi rõ ông tổ nghề gốm Vũ Lục lập làng gốm này từ thời Hùng Vương. Những phát hiện về khảo cổ học cũng đã ủng hộ cho luận cứ này bởi cách Hiển Lễ không xa, giới khảo cổ đã phát hiện được các di vật đồng, dọi xe chỉ Đông Sơn ở đầu Công nguyên và một số đồ gốm thời Hán và mộ gạch thời Đường.
Chứng minh về sự thịnh vượng của làng gốm này là câu ca: Muốn ăn cơm trắng cá trôi/Thì về Hiển Lễ chuốt nồi với anh. Ở làng gốm này có một luật bất thành văn là không ai được truyền nghề ra ngoài. Nhưng rồi, có người con gái lấy chồng làng Hương Canh và truyền nghề cho nhà chồng. Dạy xong phần làm nồi, đến phần làm vung thì cô gái lăn ra chết.
Vì thế ở Vĩnh Phúc có câu: Nồi Hương Canh, vung Hiển Lễ. Tuy người Hương Canh không làm được vung, nhưng học được nghề gốm nên họ đã phát triển và trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng không kém gì Bát Tràng hay Quế.
|
Đình Hiển Lễ thờ ông tổ nghề gốm Vũ Lục. |
Mỏ sét gan trâu
Ông Nguyễn Hải Định, nguyên Chủ tịch kiêm Bí thư xã Cao Minh là một trong những thợ gốm nổi tiếng của làng Hiển Lễ cho biết: "Quê chúng tôi có những mỏ sét khác biệt với tất cả các làng gốm khác. Mỏ sét của chúng tôi toàn bộ là đất gan trâu. Loại sét này chịu lửa tốt nên sản phẩm cực bền".
Sản phẩm chủ yếu mà Hiển Lễ làm ra là nồi đất, chum vại và các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân thôn quê. Hầu hết các sản phẩm của người Hiển Lễ đều rất bền và không bao giờ rạn nứt do nhiệt độ cao. Tuy nhiên, điều mà Hiển Lễ ít quan tâm là thẩm mỹ của sản phẩm.
"Nếu như các loại đất sét khác thì phải lọc lấy màu rồi cô đặc lại nhào nặn sản phẩm thì chúng tôi lại khác. Đất gan trâu từ mỏ lấy về cứ thế băm nhỏ ra cho nhuyễn rồi tạo khuôn, chuốt tay cho thành hình hài rồi đem phơi khô và nung trong lò cóc", ông Định cho biết.
Thời gian trước những năm bao cấp, sản phẩm gốm của Hiển Lễ đã rất nổi tiếng. Hầu như cánh lái buôn nào cũng xuôi theo dòng Cà Lồ đến bến đò ăn dầm ở dề cả tuần lễ để chờ có hàng. Sản phẩm chum vại và nồi đất của Hiển Lễ tốt đến độ không có một làng nghề nào cạnh tranh hay thay thế được.
Không chỉ có thế, nguồn đất sét của Hiển Lễ dường như là vô tận. Chỉ cần bới lớp đất trên bề mặt là đã lấy được loại sét gan trâu quý giá. Nếu như các làng gốm khác phải dè sẻn nguồn nguyên liệu, thì Hiển Lễ lại không bao giờ phải lo đến nguyên liệu sản phẩm.
|
Bàn xoay chuốt gốm còn lại trong vườn nhà dân. |
"Khai tử" lò gốm
"Ấy thế mà tháng 3 vừa rồi, lò gốm cuối cùng của làng tôi đã phải phá bỏ rồi. Từ nay Hiển Lễ không còn là làng gốm nữa. Ai cũng tiếc cho làng nghề lâu đời nhất Việt Nam, nhưng không ai làm gì được mà chỉ có thể đổ lỗi cho cơ chế thị trường", ông Đào Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Cao Minh chia sẻ.
Theo thống kê của ông Bộ, chỉ cách đây 2 chục năm cả Hiển Lễ tràn ngập gốm. Nhà ai cũng tham gia làm nghề, và ngay cả đứa trẻ 3 tuổi cũng đã biết chuốt gốm rất thành thục. Nhưng mấy năm nay, nghề gốm cứ lụi dần, từ một nhà, rồi mười nhà lan đến cả làng chán gốm.
Nhà ông Dương Văn Thịnh là người giữ lại được lò gốm cuối cùng. Ông từng nghĩ sống chết gì cũng phải giữ lại nghề cha ông. Nhưng rồi đống gốm trong kho cả chục năm tồn ế không bán được, lại ngó thấy cả làng đã bỏ nghề nên nghĩ mình lạc lõng quá. Tu xong cốc rượu trắng, ông Thịnh ra lò cầm cái vồ gỗ to bằng cột nhà cứ nhè lò gốm mà đập.
Chủ tịch xã biết tin, đang ở trụ sở phải bỏ việc chạy về làng để can ngăn. Nhưng đến nơi, lò gốm đã nát bươm. Ông Thịnh còn đang lấm lem cười mà như mếu. Nhưng chủ tịch không trách ông Thịnh, vì chính chủ tịch cũng có giữ được nghề cha ông đâu.
|
Người dân vứt gốm ra đống rác. |
"Tiếc đấy, nhưng làm gì được"
Được biết, làng nghề gốm Hiển Lễ là một trong những làng nghề trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc. Chính quyền địa phương cũng đã từng có chủ trương khôi phục và bảo tồn làng nghề nhưng dường như câu chuyện đã tới hồi kết, không thể cứu vãn.
"Thử tính thế này, hàng công nghiệp tràn lan khắp nơi với giá rẻ, dại gì mà phải dùng đồ gốm. Người Hiển Lễ muốn bỏ nghề từ lâu rồi, nhưng giờ mới có cơ hội khi người Đồng Kỵ thuê họ làm "vệ tinh" kinh doanh gỗ. Nghề gốm mất đi, tiếc đấy, nhưng làm gì được", ông Bộ cho biết.
|
Một chiếc vung bằng gốm do thợ Hiển Lễ làm ra. |
Theo ông Bộ, Chủ tịch thị xã trước đây là Vũ Việt Văn cũng rất tâm huyết với nghề gốm Hiển Lễ. Ông Văn đã quy hoạch và xây dựng gần như hoàn chỉnh trục du lịch làng nghề vừa để bảo tồn, vừa để phát huy nghề cổ. Tuy nhiên, khi dự án vừa mới tiến hành thì chủ trương tách Mê Linh khỏi Vĩnh Phúc đã phá vỡ kế hoạch phát triển gốm Hiển Lễ.
Cho đến nay, ở Hiển Lễ không còn một lò gốm nào. Chỉ còn lại những người đã chán nghề và cơ số những sản phẩm gốm tồn ế trong kho hoặc đã vứt ra bãi rác. Thay thế vào đó là hơn 50 xưởng gỗ to nhỏ khác nhau. Tôi cứ tự hỏi, vì lẽ gì mà những người dân nơi đây đang tâm vứt bỏ nghề cha ông?
Có lẽ, đáp án cho thắc mắc này không khó. Bởi chúng ta không thể bắt ép những người thợ phải làm ra thứ hàng mà không ai mua. Chúng ta càng không có quyền để ai đó chết đói khi họ có nghề kiếm ra tiền.
"Chẳng giấu gì đâu, đề án khôi phục làng nghề gốm Hiển Lễ đang nằm trong tủ kia kìa. Nhưng khôi phục để làm gì? Để nay còn, mai mất và tốn thêm tiền nhà nước hay sao. Tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương phát triển gốm nhưng Hiển Lễ của chúng tôi thiếu một thứ. Không phải tiền, không phải nhân lực mà thiếu những con người có trái tim yêu nghề".
Ông Đào Văn Bộ (Chủ tịch UBND xã Cao Minh)