Ngay sau khi xảy ra vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên,
Hà Nội, khiến dư luận bức xúc và mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố và quận Long Biên đã hoàn tất báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề.
|
Báo cảo của UBND quận Long Biên.
|
Cụ thể là đoàn liên ngành chia làm 4 tổ đã tiến hành kiểm tra tại chùa Bồ Đề với các nội dung: thực trạng chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi (gọi chung là đối tượng bảo trợ xã hội); công tác tiếp nhận, quản lý đối tượng bảo trợ xã hội; và việc thực hiện các quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội.
Từ 6-7/8, đoàn đã kiểm tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội. Kết quả đã làm rõ, tổng số người có mặt tại chùa Bồ Đề vào thời điểm kiểm tra là 194 người. Trong đó có 135 trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi thuộc nhóm bảo trợ xã hội; 59 đối tượng là người giúp việc và trẻ em là con, cháu người giúp việc.
Ngày 8/8 đã làm rõ địa chỉ hiện đang sinh sống của 3 người già và 3 trẻ em đã được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố; 13 trẻ em hiện đang được gia đình nuôi dưỡng; 1 trẻ em được nhận làm con nuôi (có quyết định của UBND phường Bồ Đè) và 2 trẻ em hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại chùa khác.
Tiến hành đối chiếu tổng số người có mặt tại thời điểm kiểm tra với hồ sơ do trụ trì chùa cung cấp và qua hồ sơ quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước cho thấy có 24 người (gồm 21 trẻ em và 3 người già) có tên trong hồ sơ nhưng không có mặt tại thời điểm kiểm tra. CA quận Long Biên đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và CA phường Bồ Đề trực tiếp cử người đi xác minh các địa chỉ do trụ trì cung cấp.
|
Qua kiểm tra, cho thấy trẻ được nuôi dưỡng tại chùa trong tình trạng sơ sài, thiếu thốn.
|
Cụ thể, các tồn tại trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề như khu nhà ở tại chùa có 3 phòng diện tích 45m2, 1 phòng diện tích 35m2, các phòng còn lại diện tích từ 15,7m2 - 29m2. Mỗi phòng được bố trí từ 3-5 giường loại từ 1,2m-1,6m. Một số phòng dành cho người lớn có sử dụng giường tầng; tủ để quần áo, quạt. Một số phòng có tivi, điều hoà nhiệt độ. Và tuỳ theo diện tích, mỗi phòng được bố trí từ 6-19 người ở.
Khu bếp là một khoảng sân giữa nhà G và khu nhà tôn, được cải tạo tạm thời, lợp mái tôn, có diện tích 30m2, có trang thiết bị nấu ăn, tuy nhiên còn sơ sài. Khu nhà vệ sinh có diện tích tương tự, có một số thiết bị hỏng không sử dụng được.
Chùa có phòng y tế, nhưng không có cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực y tế để chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng. Phòng y tế không được lắp đặt các thiết bị bảo quản thuốc như điều hoà, tủ lạnh, nhiệt kế, ẩm kế để bảo quản thuốc theo yêu cầu.
Chùa có bố trí người phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em. Trung bình mỗi người nuôi trẻ được giao chăm sóc từ 4-6 trẻ. Tuy nhiên, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em là những người cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, không có kỹ năng nghiệp vụ chăm sóc đối tượng theo tiêu chuẩn quy định.
Trẻ em dưới 6 tháng tuổi được uống sữa theo nhu cầu do người chăm tự pha; trẻ ăn bột do người chăm tự nấu; trẻ ăn cháo do bếp ăn của cơ sở nuôi dưỡng nấu mang đến các phòng 3 lần/tuần; trẻ từ 24 tháng đến 16 tuổi ăn cơm 2 bữa chính và 1 bữa phụ/ngày.
Vào thời điểm kiểm tra, có 18 trẻ được đi học và đi học thường xuyên. 7 trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non và có tới 80 trẻ chưa được đăng ký khai sinh.
Kết luận kiểm tra cho rằng, do số lượng đến nương nhờ tại chùa ngày càng lớn nên cơ sở vật chất không bảo đảm, người chăm nuôi các đối tượng không có kỹ năng nghiệp vụ, chùa không có kinh nghiệm quản lý, chưa nắm bắt rõ các quy định của pháp luật, bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước chưa hướng dẫn sâu sát, chưa kiên quyết đối với một số nội dung chưa bảo đảm trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa nên đã tạo ra sơ hở trong việc quản lý, bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi cá nhân.
Cụ thể là đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang, người nương nhờ trong chùa Bồ Đề, hiện đã bị khởi tố về tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120, Bộ luật Hình sự.
UBND quận đã làm việc trực tiếp với trụ trì chùa, thông báo kết quả, phân tích các nội dung chùa chưa thực hiện theo quy định, đồng thời hướng dẫn cách thức và biện pháp để khắc phục các tồn tại.
Tại buổi làm việc, trụ trì chùa đã thống nhất với kết quả kiểm tra, cam kết phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ; đồng thời gửi danh sách 32 đối tượng đề nghị đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.
Đến 17h ngày 18/8, UBND quận nhận được văn bản của chùa đề nghị đưa toàn bộ số đối tượng đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.
UBND phường Bồ Đề và các phòng chuyên môn thuộc Quận đang thiết lập, hoàn thiện hồ sơ đưa các đối tượng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội theo lộ trình.
Dự kiến, tại buổi họp giao ban báo chí Thành uỷ diễn ra chiều nay (19/8), các cơ quan chức năng của TP sẽ chính thức cung cấp những thông tin liên quan đến vụ mua bán trẻ em, nghi án 11 trẻ em bị mất tích và những sự việc "lùm xùm" xảy ra trong thời gian vừa qua liên quan đến chùa Bồ Đề, trong đó, ni sư Đàm Lan, trụ trì chùa cũng là một đối tượng điều tra của cơ quan CA.