Nhân 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015), nhà báo Đinh Hiền, Báo Công an nhân dân đã tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời của một nữ phóng viên nội chính, thường xuyên phải gặp gỡ, đối mặt với những tên tội phạm khét tiếng như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa...với PV Kiến Thức.
- Là một phóng viên chuyên mảng nội chính, thường xuyên phải giáp mặt với những tên tội phạm khét tiếng, làm cách nào để chị có thể vượt qua nỗi sợ hãi và khai thác tâm lý những nhân vật này một cách rõ nét, mang lại những tác phẩm báo chí hàm chứa thông tin đắt để độc giả có thể nhìn nhận thấu đáo tâm lý những kẻ phạm tội?
- Công việc của tôi là một phóng viên nội chính, vì thế đối tượng mà tôi tiếp xúc nhiều nhất là tội phạm. Hầu hết những kẻ "gớm mặt" như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa hay cô nữ sinh sát thủ Kim Anh... đều đã "qua tay" tôi. Nói chuyện với họ, tôi thấy cũng không khó lắm, nói đúng hơn là tôi luôn dùng bản năng của một người phụ nữ, dịu dàng và chân thành để tiếp xúc.
Tôi đã thấy những giọt nước mắt của Nghĩa, của Kim Anh và nhất là của Luyện - một kẻ máu lạnh tưởng chừng như không còn một chút cảm xúc nào. Nhiều đồng nghiệp trẻ thường hỏi tôi: "Gặp họ, chị có ghê không?". Tôi nói luôn là tôi chưa từng thấy họ ghê. Có thể họ độc ác ở thời điểm phạm tội, đó là lúc phần con trong họ trỗi dậy, nhưng tôi luôn nhìn thấy ở họ, ngay cả những kẻ tử tù bị cùm chân trong buồng biệt giam, đều còn một ánh sáng le lói của sự tử tế hiếm hoi còn sót lại. Đó là khi tôi nhắc về gia đình, về vợ con họ bằng những câu chuyện, những lời hỏi thăm giản dị nhất. Không một kẻ tội phạm nào tôi đã từng tiếp xúc mà không rơi nước mắt khi nhắc tới người thân. Có thể nói đó chính là "điểm yếu" của họ giúp nhà báo khai thác tâm lý nhân vật một cách rõ nét nhất.
|
Nữ nhà báo Đinh Hiền. |
Có bạn phóng viên mới vào nghề hỏi tôi: Nói chuyện với " bọn giang hồ" hay "thủ phạm giết người" có khó không, tôi trả lời ngay rằng không hề khó chút nào, nếu ngay từ ban đầu tạo cho họ được sự thiện cảm. Đừng đối xử với họ như một kẻ tội lỗi không còn khả năng giáo dục. Kể cả với một tử tù đợi chết thì họ vẫn mong chờ nhận được sự tha thứ từ gia đình nạn nhân, từ gia đình họ. Nói đơn giản là họ cầu mong được một tòa án lương tâm tha thứ, để khi chết, họ sẽ thanh thản hơn. Bởi thế, họ sẽ trải lòng, như là một nhu cầu chính đáng, quan trọng là phóng viên có biết "điểm huyệt" họ hay không.
Cách đây 2 năm, tôi lên trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ và gặp một tử tù (tôi không tiện nêu tên). Anh ta bị kết án tử hình về tội giết người. Thời gian còn lại của anh ta chỉ tính được theo tháng. Vì lâu lắm không có người thân lên thăm nên anh ta bức xúc, lầm lì, có tư tưởng chống đối. Trước khi đưa tôi vào buồng biệt giam gặp anh ta, một anh công an có vẻ rất e ngại vì nhận định anh ta sẽ không hợp tác. Tôi thì không nghĩ thế, nhu cầu giao tiếp của con người là một nhu cầu có thể nói lớn nhất trong các nhu cầu. Bạn có thể một ngày chỉ ăn 3 bữa cơm nhưng một ngày bạn không thể không nói 3 câu. Nhất là được tiếp xúc với nhà báo, tôi nghĩ họ sẽ cảm thấy cuộc đời còn lại đỡ buồn chán hơn rất nhiều.
Và tôi đã ngồi xuống mép chiếc giường xi măng dành cho tử tù để nói chuyện với anh ta. Tôi hỏi anh ta ăn sáng chưa, hôm nay đọc mấy tờ báo rồi. Ban đầu, anh ta còn rụt rè, nhưng sau thấy tôi cũng vui chuyện nên anh ta nổ như pháo ran, khác hẳn vẻ bề ngoài lầm lì tiêu cực vốn có. Và cuộc đời anh ta, được bổ sung rất nhiều tình tiết không bao giờ có trong hồ sơ, rất đời và rất tình.
Sau cuộc phỏng vấn đó, anh Công an đi cùng bảo tôi: "Chị dũng cảm thật. Nhiều cô Cảnh sát xịn hẳn hoi còn chưa chắc dám ngồi ở giường tử tù". Tôi thì thấy mình không giỏi chút nào, mà chỉ nghĩ đơn giản, mọi sự chân thành và tử tế đều chạm được đến trái tim kẻ tội đồ dù kẻ đó đang bị cả xã hội nguyền rủa.
- Bí quyết nào để nhà báo có thể lấy được nước mắt của tội phạm khét tiếng máu lạnh?
- Nếu bạn hỏi bí quyết của tôi là gì khi lấy được bao nhiêu nước mắt của tội phạm, tôi sẽ trả lời rằng: bí quyết của tôi là sự tử tế.
- Với phóng viên nội chính không nhận được nhiều thiện cảm vì quan điểm: ở đâu có chết chóc là phải có mặt, thậm chí nhiều người còn gọi đùa là "phóng viên kền kền". Chị nghĩ sao?
- “Kền kền” hay không là do cách tiếp cận thông tin và cách truyền tải thông tin đến bạn đọc. Nếu bạn đưa chi tiết nhất là những vụ án giết người rùng rợn hoặc giật những cái tít vô cảm thì người ta nói bạn kền kền không sai. Nhưng nếu cũng là vụ án đấy, bạn có cách tiếp cận thông tin và truyền tải thông tin nhân văn, không đào sâu những chi tiết dã man rùng rợn, thì khi đọc bài, độc giả không cảm thấy phản cảm.
Ngay cả một tên tử tù, nếu phóng viên biết nhìn họ với con mắt nhân văn, thì vẫn có thể tìm thấy những góc khuất tốt đẹp cuối cùng trong con người họ. Bản thân tôi thì tôi thường chọn một đường riêng khi viết vụ án. Tôi chọn cách trò chuyện với đối tượng, để họ tự kể về mình, về tội lỗi của mình. Khi họ được thoải mái chia sẻ những gì khó nói nhất, nghĩa là lúc họ đã biết sống thật với chính mình. Và khai thác tâm lý của họ ở những lúc thật nhất ấy sẽ tìm được nhiều chi tiết thú vị.
|
Sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện cũng phải rơi nước mắt khi đối mặt với nhà báo Đinh Hiền. |
Phóng viên nội chính, công việc thường xuyên phải đi công tác đột xuất, chị sẽ chăm lo cho gia đình như thế nào?
- Vợ chồng tôi có thuận lợi là làm cùng nhau, ăn cùng nhau và cũng chơi cùng nhau. Vì công việc "va" nhau suốt ngày nên có thể nói là chúng tôi như bạn bè. Và vì là đồng nghiệp nên đôi khi chúng tôi có thể chia sẻ thông tin cho nhau, cảm thông cho nhau. Tôi nghĩ mình biết sắp xếp nên chưa khi nào thấy bị áp lực về công việc, có chăng là bị áp lực với chính mình khi luôn muốn được chuyển đến độc giả những bài báo hay. Còn việc chăm sóc gia đình, tôi chỉ làm tất cả những gì một người đàn bà của gia đình cần phải làm. Không cần phải gồng mình lên. Nếu mệt quá, tôi tắt bếp để cả nhà có thể ra ngoài ăn, còn hôm nào thấy thừa năng lượng, tôi trồng cây, trồng rau. Nhà tôi có hẳn một vườn rau sạch trồng trên tầng 2.
- Xin cảm ơn nhà báo Đinh Hiền!