Xóm Chùa, làng Phú Gia chỉ vẻn vẹn 22 hộ dân nhưng lại có tới 8 hộ với trên 23 người mắc bệnh tâm thần.
Khi trao đổi với chúng tôi, những người dân xóm Chùa, làng Phú Gia người thì bảo là do nguồn nước ô nhiễm, người thì cho rằng đó là do chất độc màu da cam để lại, những người duy tâm thì tin rằng đó là thần linh báo oán... Thế nhưng, những giả thuyết và giải pháp khắc phục đưa ra đều không làm bớt đi số người bị bệnh tâm thần ở ngôi làng nghèo khổ, người điên vẫn cứ điên, người trẻ tiếp nối người già khiến ngôi làng vẫn mãi bị bao phủ bởi bóng đen ma quái, rùng rợn.
|
Làng Phú Gia đìu hiu. |
8/22 hộ có người điên
Xóm Chùa, làng Phú Gia nằm khép mình dưới chân đèo Phú Gia, nơi có những ngôi nhà tranh xiêu vẹo, ẩn dật ven Quốc lộ 1A. Hiện những ngôi nhà liêu xiêu đó đang dần được thay thế bằng những ngôi nhà tình nghĩa khang trang mà Nhà nước xây tặng, nhưng niềm vui về những ngôi nhà mới không thể xóa nhòa sự đau khổ, ám ảnh, kinh sợ về bệnh tâm thần đeo bám người dân nơi đây suốt mấy chục năm ròng.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng nằm giữa làng Phú Gia, ông Tôn Thất Tuấn, Trưởng thôn Phú Gia bấm đầu ngón tay thống kê những những người bị điên từ trước đến nay: "Nhà Nguyễn Quyền, Nguyễn Mãi, Phan Tường, Phan Hưng, Đoàn Thị... Nếu tính từ trước đến nay thì không thể thống kê chi tiết hết được.
Hiện tại, cả xóm Chùa, làng Phú Gia có 22 hộ thì 8 hộ trong số đó có người mắc bệnh tâm thần, đặc biệt có gia đình có tới 3 người bị bệnh như nhà Phan Tường. Đứa con gái lớn bị điên bỏ nhà đi lông nhông ở đâu không ai rõ, đứa con trai 25 tuổi đang khoẻ mạnh bỗng nhiên hóa rồ, hắn hết đi ra vườn chặt cây, nhổ cỏ vứt lung tung, đập bát đập đũa rồi lại đến la hét om sòm... khiến gia đình phải dùng xích sắt xiềng chân vào cột nhà.
|
Anh Phan Hưng, con trai ông Phan Tường bị xiềng một chân vào góc nhà. |
Đáng nói hơn nữa là ông Phan Tường, 66 tuổi là trụ cột trong gia đình nhưng thời gian gần đây cũng đổ bệnh tâm thần, lúc lên cơn điên thì người cứ tưng tửng, cười cười nói nói toàn những thứ linh tinh, không ai hiểu nổi. Lúc hết cơn điên, trở lại trạng thái bình thường nghe người thân kể lại tình hình bệnh tật ông lại nghẹn ngào, nước mắt nhạt nhòa...".
Theo ông Tuấn thì số lượng người bị bệnh tâm thần trước đây chỉ tập trung giới hạn trong một số dòng họ nhất định, như trường hợp của Nguyễn Mãi. Trước đây, dòng họ này có người bị bệnh tâm thần nên đời sau cũng bị có lẽ là do gen di truyền. Nhưng điều khiến nhiều người lo âu hơn là cách đây vài năm, bệnh tâm thần lan ra cả những dòng họ khác vốn không có tiền sử về bệnh này, như trường hợp của gia đình ông Phan Tường, Hứa Thị Yến...
Dẫn chúng tôi đến nhà ông Phan Tường để chứng kiến số phận lay lắt của những người dân bị bệnh tâm thần xóm Chùa. Gặp chúng tôi trong lúc tỉnh táo, ông Phan Tường rưng rưng nước mắt kể rằng: "Cả nhà được 3 sào ruộng, nhưng mà đất đai cằn cỗi, cả năm thu được 3 - 4 tạ lúa, chỉ đủ ăn trong vài tháng. Mỗi năm, ruộng chỉ cấy được một vụ, ngoài ra không thể canh tác thêm loại cây nào khác. Việc đồng áng từ trước đến giờ hai vợ chồng tôi làm cả, bây chừ tôi lại mắc bệnh ni nữa, chỉ còn mình vợ tôi lăn lộn kiếm sống nuôi cả nhà, chắc không chịu nổi".
|
Ông Phan Tường bên "rổ" khoai hà cuối cùng. |
Bữa ăn chính khoai lang trộn sắn
Căn nhà của gia đình ông Tường được Nhà nước xây dựng cho cách đây vài năm, bề ngoài thì khang trang nhưng bên trong thì trống rỗng, ở giữa nhà chỉ độc có cái nồi cơm điện nằm chỏng chơ, một gian phía trái nhà dùng để lương thực. Khi chúng tôi đến, gia đình ông Tường đã không còn gạo ăn, ông cho biết là gia đình ông đã chịu cảnh thiếu ăn, đứt bữa từ nhiều năm nay.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện trong nhà ông Tường chỉ còn khoảng 2kg sắn khô, mỗi nhát sắn chỉ bé bằng ngón tay, cạnh bao tải sắn khô này có gần 10 củ khoai lang hà đựng trong lồng quạt. Để duy trì cuộc sống, mỗi ngày, gia đình ông Tường phải nấu cơm trộn khoai, sắn ăn như hồi bao cấp. Phần cơm trắng ở dưới đáy nồi thì để dành cho đứa con trai bị tâm thần đang xiềng ở góc nhà, còn ông, bà chỉ dám ăn sắn và khoai. Hết cái ăn, cả ông, bà đều đi làm thuê kiếm tiền đong gạo, ăn hết lại ra quán đi mua chịu, khi nào có tiền thì trả.
Nỗi đau vì trong nhà có hai đứa con bị bệnh tâm thần chưa dứt thì nay, chính ông Tường lại cũng mắc phải căn bệnh quái ác này. Gặp chúng tôi trong lúc tỉnh táo, mặt ông lúc nào cũng buồn rầu, khổ sở, nước mắt người đàn ông đã ngoài lục tuần cứ rơm rớm vì thương cho 4 mạng người đang từng ngày quay quắt. Ông bảo: "Bây chừ vợ chồng tôi đi làm thuê cũng không được, nhiều chủ thấy già yếu sợ không làm được việc nên chưa muốn thuê, nhiều hôm chúng tôi phải nói khó thì họ mới chấp nhận cho làm. Nếu cứ đà này thì chắc cả nhà tôi chết mất".
|
Ông Hồ Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến. |
Ông Tuấn bảo: "Lúc bình thường thì hắn (ông Phan Tường - PV) biết thế này, nhưng khi lên cơn thì cứ tưng tưng giống thằng con vậy, chẳng làm được gì cả, vợ ổng thì đang đi làm thuê, ngày được vài đồng không đủ tiền trả nợ cho mấy quán tạp hóa gần đây chứ nói gì đến mua gạo mà ăn".
Cạnh nhà ông Tường không xa là nhà chị Hứa Thị Yến. Chị Yến không cưới chồng, nhưng có một đứa con trai, những tưởng đứa con sẽ là chỗ dựa cho chị lúc về già, nhưng con chị đã 12 tuổi mà chỉ nặng vẻn vẹn chưa đến 6kg, cái tay bé như ngón chân người lớn, cái đầu thì bằng nắm tay, suốt ngày chỉ múc nước giếng lên cái chậu rồi lại đổ xuống, thấy người lạ thì cổ họng phát ra tiếng kêu như khỉ trên rừng rồi nhảy bổ vào ôm chân người lạ...
Theo ông Tôn Thất Tuấn thì nhà ông Phan Tường và Hứa Thị Yến đều nằm trong diện dòng họ mới phát bệnh tâm thần, trước đây hai dòng họ này không ai bị, điều này khiến nhiều người lo sợ rằng, con ma mang tên "tâm thần" sẽ dần dần hủy diệt làng Phú Gia.
(còn tiếp)
"Hiện tại, làng Phú Gia có 23 người mắc bệnh tâm thần. Hằng năm, xã đều tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân. Trong số 23 bệnh nhân thì có 4 người bị bệnh nặng, xã đã thường xuyên cấp thuốc và điều trị, nhưng rất lạ là đem lên viện điều trị thì bệnh đỡ, như khi cho về điều trị thì bệnh lại tái phát".
Ông Hồ Hữu Phúc (Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến)