Huyền thoại chết
Con sông đục ngàu vắt ngang qua những đỉnh núi, cheo leo như những máng nước nơi rẻo cao. Và có một thứ nghề cổ xưa vẫn còn tồn tại - nghề lái đò với bao nhiêu huyền thoại sinh tử của những chuyến ngược dòng, vượt thác.
Cứ ngỡ Đà giang hiểm trở đã đi vào thi ca trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà" của cố nhà văn Nguyễn Tuân với những miêu tả tỉ mỉ khiến sông Đà không chỉ đẹp, chẳng thua kém một thiếu nữ nhưng cũng đáng sợ và rùng rợn bởi hiểm nguy thác ghềnh. "Nào ai ngờ ở miền Tây xứ Nghệ, dòng Nậm Nơm không chỉ là dòng sông treo ngọn núi mà còn là huyền thoại chết với những dân tộc nghìn đời cư trú ở vùng biên giới Việt - Lào", ông Vi Tốn Thục - người dân tộc Thái đã gần cả cuộc đời sống trên dòng Nậm Nơm giới thiệu một cách văn hoa để khách tưởng tượng về dòng sông đang xoáy nước đục ngàu gào thét dưới thung lũng kia.
Trong trí nhớ của ông Thục, sông Nậm Mộ không lớn, nhưng dài chẳng kém những Đà giang hay sông Lam. Dòng bắt nước từ Lào, chảy xuyên núi đá, có những đoạn chảy ngược như sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn, sông vắt ngang qua núi mà nếu ai tinh ý, đứng phóng tầm mắt thấy Nậm Nơm không khác gì một cái máng nước được trẻ đôi từ luồng lứa dẫn nước. Dòng sông cứ vắt vẻo hết đỉnh núi cao sang ngọn núi thấp rồi tung mình xuống thung lũng sâu cả trăm mét tạo thành dòng thác bất tận.
|
Hai bên sông Nậm Nơm trùng điệp bởi núi. |
Ông Thục bảo: "Không tự nhiên mà người ta nói đây là huyền thoại chết, tất cả đều có cái nguyên nhân sâu xa của nó. Dòng sông này từ xa xưa đã nhấn chìm không biết bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu quân thù. Những trận lũ quét đầu nguồn như đuổi nước xuống xuôi làm cho những tảng đá giữa dòng cũng phăng phăng trôi theo. Chúng tàn phá bản làng, nhấn chìm chim muông muôn thú theo dòng nước và đập nát tất cả ở cuối ngọn tháp hung dữ".
Quả thật, những con sông hiền hoà ở đồng bằng một khi lũ lên đã đáng sợ nhưng khi Nậm Nơm nổi giận thì đá cũng phải tan. Ông Thục giải thích: "Mưa rừng bão biển, dòng Nậm Nơm chịu trách nhiệm đưa nước từ nguồn lại phải địa hình dốc lên dốc xuống nên chúng ầm ào suốt ngày đêm. Có những bận lũ lên dân bản ven sông cứ ôm nhau khóc chờ chết chứ chẳng ai chiến thắng được nước. Có những vùng, người ta coi dòng Nậm Nơm như một vị thần, họ lập đàn cúng tế vào ngày rằm hoặc lễ tết mong thần sông phù hộ".
|
Những người làm nghề lái đò gia truyền vẫn dùng thuyền độc mộc. |
Những tay đua tử thần
Chẳng ai chiến thắng được nước - lời ông Thục thổ lộ nghe có vẻ rất mâu thuẫn với thứ nghề cổ xưa mà tổ tiên, rồi đến đời ông, con cháu ông đang mưu sinh trên dòng Nậm Nơm. Khi ông kể rằng, chẳng ai chiến thắng được nước nhưng nhiều người lại sống được với dòng sông này bằng nghề lái đò đưa khách hay chở hàng ngược dòng lên biên giới. Thì ra, đó là những "tay đua tử thần" trên dòng sông huyền thoại, họ đã sống và có người đã chết vì sinh nghề tử nghiệp.
Những người lái đò trên dòng Nậm Nơm được ví là những "tay đua tử thần" vì họ phải từng giây từng phút với thần kinh thép vượt thác ghềnh trong dòng nước xoáy. "Hiện nay, quốc lộ 7 được mở thông suốt sang Lào nên nghề lái đò không còn sôi nổi nữa, chứ trước đây nó là thứ nghề gia truyền của người Thái chúng tôi. Bây giờ, chủ yếu là chở hàng thuê cho khách hàng vùng biên chứ không còn ai dám ngồi lên chiếc thuyền độc mộc để một sống một còn với dòng sông nữa", ông Thục cho hay.
Nhớ lại những năm tháng chinh chiến khổ nhọc với dòng Nậm Nơm, ông Thục cho hay gia tộc ông có hai người bỏ mạng trên dòng sông này. Anh trai ông Thục, một người lái đò điêu luyện nhất dòng Nậm Nơm sau khi thay cha huấn luyện em trai kế nghiệp lái đò đã bị dòng xoáy cuốn đi. Từ đó đến nay đã mấy chục năm, nhưng ông Thục vẫn không tìm được xác anh trai. Rồi con trai ông Thục cũng ra đi từ dòng sông này sau một chuyến đò vượt thác.
Ông Thục nhẩm tính, cho đến nay không biết có bao nhiêu người lái đò đã chết nhưng họ vẫn trung thành với nghề này. Tuy vất vả, nguy hiểm nhưng là thứ nghề cha truyền con nối nên phải giữ. Hơn nữa, họ sống với sông nước đã quen nên chẳng làm được gì khác. Cái nguy hiểm bây giờ với người lái đò là chẳng may gặp phải kẻ xấu, thuê chở ma tuý, hàng lậu. Chính ông Thục cũng từng bị lợi dụng nên giờ đây mỗi lần chở hàng, ông đều phải yêu cầu khách mở đồ ra kiểm tra đề phòng bất trắc.
|
Hồ Bản Vẽ, nơi xuất phát ngược dòng Nậm Nơm. |
Bám sông mà sống
Hiểm nguy và cái chết không thể làm những người lái đò chùn bước. Không chỉ vậy, người dân ven dòng Nậm Nơm cũng không từ bỏ dòng sông, họ bám sông mà sống. Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, khi một trong những thuỷ điện lớn nhất miền Trung là Khe Bố xây dựng ở thượng nguồn Nậm Nơm vốn là nơi cư trú của các dân tộc Ơ Đu, Thái, Khơ Mú, một vùng đất rộng lớn thành lòng hồ thuỷ điện và họ chuyển nghề đánh bắt thuỷ sản hoặc làm nghề lái đò đưa khách du lịch tham quan.
Nơi tụ nước cho Nậm Nơm bây giờ là lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ, cũng là nơi xuất phát cho những ai muốn khám phá miền Tây xứ Nghệ. Những người lái đò ngược dòng Nậm Nơm bây giờ không hiếm nữa. Có hàng chục, thậm chí hàng trăm người hành nghề. Anh Lô Văn Chuẩn, người lái đò trên hồ Bản Vẽ thổ lộ: "Có chuyến chở khách lên biên giới, cả đi cả về mất nửa tháng. Được khách bao ăn, thu nhập còn lại cũng vài triệu đồng chứ không ít đâu. Nếu cứ có khách thì việc chúng tôi bám sông mà sống kể ra cũng không vô nghĩa".
Chúng tôi quan sát, những đoạn sông cạn, người dân ven sông không làm nghề lái đò thì lại đánh bắt tôm cá để sống. Cá Nậm Nơm không nhiều nhưng toàn đặc sản. Những ngư dân cho hay, có loại cá dầm xanh anh vũ bán cả triệu đồng một cân. Loại cá này hiếm nhưng vào mùa, tất cả bơi ra những bãi đá mồ côi giữa dòng Nậm Nơm, một chân buộc dây thừng cho nước không cuốn đi rồi trầm mình xuống nước dùng lưới hoặc vợt để bắt cá.
Vừa ngược dòng, ông Thục vừa than thở: "Dòng Nậm Nơm cho dân cá mú tiền bạc nhưng cũng lấy của chúng tôi bao nhiêu nước mắt".
"Nghề lái đò trên dòng Nậm Nơm, Nậm Mộ đã có từ rất lâu đời ở miền Tây tỉnh Nghệ An. Hiện nay, ở những lòng hồ thủy điện, nơi chứa nước từ những dòng sông này cũng xuất hiện những người lái đò phục vụ khách du lịch. Cũng có nhiều người quay lại lòng hồ làm ăn bằng nhiều thứ nghề vì không có đất".
Ông Vi Tân Hợi (Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An)