Nhiều cụ 80, 90 tuổi bị con cái hắt hủi hoặc không muốn làm khổ con, 1 mình bắt xe từ các tỉnh xa xôi đến đăng ký. Hoặc có những bạn trẻ mới sinh năm 1996, 1997 cũng xin hiến thi hài.
23.650 lá đơn đăng ký hiến xác
Tiếp phóng viên tại phòng tiếp nhận thi hài là cô Sao Mai, giảng viên bộ môn Giải phẫu học – người đã 32 năm gắn bó với các tử thi. Hôm nay đến phiên cô trực để ghi chép và hướng dẫn những người đến đăng ký hiến thi hài. Vừa ghi chép, cô vừa kể, những người tự nguyện hiến thi hài đủ mọi thành phần, từ công an, bộ đội, công nhân cho đến cán bộ về hưu, học sinh, sinh viên… Có những người ở các tỉnh xa như Cà Mau, Bạc Liêu, Khánh Hòa... cũng lặn lội đến tận nơi để đăng ký.
|
Nhiều người cùng lúc đến đăng ký hiến thi hài, có những người còn rất trẻ. |
Đến nay, trường Đại học Y dược TP HCM đã tiếp nhận 23.650 hồ sơ đăng ký, trong đó có 635 thi hài đã nhận về và phục vụ công tác dạy học, nghiên cứu. Theo lời cô Mai, lá đơn tự nguyện đầu tiên hiến thi hài được bộ môn Giải phẫu tiếp nhận vào năm 1993, đến năm 1996 nhận về thi hài đầu tiên.
“Lúc mới bắt đầu tổ chức việc đăng ký hiến thi hài, mọi người có thể đăng ký qua điện thoại mà không phải đến trực tiếp. Nhưng cũng từ đó mà xuất phát bao nhiêu chuyện oái ăm. Có lần, tôi mới nhấc điện thoại lên nghe lập tức bị chửi tới tấp mà không hiểu chuyện gì. Sau cùng mới biết chuyện bắt đầu từ việc hai gia đình hàng xóm chơi khăm nhau. Gia đình này tự tiện lấy tên và địa chỉ một thành viên gia đình hàng xóm bên cạnh để đăng kíý. Đến khi trường gửi hồ sơ về nhà “đăng ký hộ”, họ tưởng nhà trường cố ý trù ẻo nên đã gọi điện chửi xối xả và đòi kiện cáo”, cô Mai nhớ lại.
Cuối cùng, nhà trường phải tổ chức lại bằng cách những người đăng ký hiến thi hài phải đến trực tiếp để làm thủ tục, mang theo chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu. Trường hợp gửi qua đường bưu điện phải có thị thực của địa phương hoặc đơn tình nguyện hiến thi hài kèm theo bản sao giấy CMND có công chứng. Sau đó, nhà trường sẽ cấp một giấy chứng nhận đã đăng kí hiến thi hài.
Khi người làm hồ sơ hiến thi hài qua đời, thân nhân gọi điện đến Đại học Y dược TP HCM (trong vòng 8 tiếng), nhà trường sẽ điều xe và cử đại diện đến nhận. Thi hài sau khi được đưa về trường sẽ được ướp hóa chất và bảo quản để có thể giữ được lâu dài (vài chục năm trở lên). Mỗi thi hài được đưa ra phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu trong vòng 1 - 2 năm. Sau đó, nếu gia đình có yêu cầu muốn nhận lại, thi hài sẽ được hỏa thiêu và chuyển giao tro cốt cho gia đình.
Những chuyện kể ra nước mắt
Cô Kha, người làm ở phòng tiếp nhận hiến thi hài cho biết , riêng chuyện đến đăng ký hiến thi hài cũng đủ chuyện dở khóc dở cười. Nhiều người sau khi đăng ký xong, đòi nhà trường phải lập tượng mình đặt ngay giữa trường hoặc có trường hợp khác yêu cầu trường tổ chức lễ tang hoành tráng và rình rang khi mình chết đi. Nhiều người khác không hiểu rõ về việc đăng ký hiến thi hài là tự nguyện nên đòi hỏi chế độ bồi dưỡng khiến nhà trường rất khó xử.
“Tôi làm ở phòng này hơn 4 năm rồi, chứng kiến biết bao câu chuyện kể ra nước mắt của những người đến đăng ký hiến thi hài. Nhiều cụ 80, 90 tuổi bị con cái hắt hủi hoặc không muốn làm khổ con cháu sau khi chết đã một mình bắt xe từ các tỉnh xa xôi đến đăng ký. Hoặc có những bạn trẻ mới sinh năm 1996, 1997 cũng đến xin tự nguyện hiến thi hài", cô Khá nói.
Cô Kha nói thêm, có trường hợp về một ông cụ đến đăng ký hiến xác, 9 người con đều đồng ý. Nhưng khi ông mất, người con thứ 10 ở nước ngoài về không đồng ý, thế là nhà trường phải cho xe đưa trả lại cho gia đình. Việc đăng ký ở đây là tự nguyện, không chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý, nên nhiều người đến đăng ký hôm nay, một tuần sau gọi điện lại mong nhà trường... thông cảm và xin rút hồ sơ và viện nhiều lý do.
Làm việc trong phòng nhận hiến thi hài hơn 4 năm, chứng kiến biết bao câu chuyện hỉ, nộ, ái, ố trong cuộc sống qua những lời tâm sự mà mỗi người đến đăng ký kể lại, Cô Kha bùi ngùi, có những người chưa kịp điền tên vào đơn đã trào nước mắt, khóc ngay tại phòng. Cô phải động viên rồi lắng nghe tâm sự của họ.
Những người đến đăng ký hiến thi hài có hoàn cảnh khác nhau. Người bị con cái ruồng bỏ, người trốn gia đình đến đăng ký… Có nhiều người họ đọc qua sách báo, tìm hiểu kỹ càng rồi nên làm thủ tục chỉ trong vòng 5 phút là xong. Nhiều người chưa phân biệt được việc khác nhau giữa hiến mô và hiến thi hài nên đến nhầm địa chỉ. Những lúc ấy, cô Kha lại tỉ mỉ giải thích cho họ hiểu.
Tại trường Đại học Y dược TP HCM chỉ nhận hiến thi hài còn nếu muốn hiến mô, hiến tạng thì đến Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (quận 10). Ngày nào tại phòng nhận hiến thi hài cũng đông người vào ra, có những buổi sáng mấy chục người vào đăng ký. Cuốn sổ trên tay cô Kha ghi chép số người đăng ký ngày càng dày hơn.
GS.TS Lê Văn Cường, Trưởng bộ môn Giải phẫu học, Đại học Y dược TP HCM cho biết: “Những thi thể hiến thân cho khoa học được tập thể sinh viên, thầy thuốc, cán bộ giảng dạy kính trọng và yêu mến như một vật báu vô giá, vì họ đã giúp dạy cho biết bao sinh viên nắm vững giải phẫu để trở thành những thầy thuốc có kiến thức, vững tay nghề, giúp các thầy thuốc thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị phục vụ cho y khoa, cứu người, vì vậy chúng tôi luôn tôn vinh những thi hài hiến thân cho khoa học như những người thầy im lặng”.