Người gác rừng 20 năm với những suy tư không mỏi

Google News

Người ta nói “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Nhưng đấy chỉ dành cho những ai còn lương tâm. Còn với những kẻ phá rừng thì điều đó không là gì cả. 


Những đêm tuần tra xuyên rừng rậm, những hành trình lầy lội, sình dính tận thắt lưng và trên hết là những hiểm nguy khi phải đối phó với lâm tặc … đó chỉ là vài nét trong vô vàn những điều mà một người giữ rừng phải trải qua.

Dưới tán rừng xanh đại ngàn của Vườn Quốc gia Cát Tiên có những con người nguyện gắn mình với màu xanh của rừng. Có biết bao niềm vui, nỗi buồn, trăn trở không phải ai cũng thấu hiểu, để rồi những câu chuyện của họ kể ra cứ phảng phất những nét suy tư.
 


“Đường rừng”

Người đàn ông da đen rám nắng, chừng 45 tuổi, bắt tay chúng tôi rồi “phán” một câu: “Ai có xe tay ga thì để lại trạm, còn mang dép lê thì tôi cho mượn giày”. Sở dĩ anh Hùng, đội trưởng, người vừa nói câu trên là vì đêm hôm trước trời vừa đổ cơn mưa to khiến con đường chẳng khác gì ao sình khổng lồ.

Anh Hùng tên đầy đủ là Lê Bá Hùng, năm nay anh tròn 20 năm công tác trong ngành kiểm lâm. Về vườn quốc gia này được 10 năm, rừng có bao nhiêu lối mòn, bao nhiêu tảng đá, anh thuộc như lòng bàn tay. Ấy vậy mà những tay đi rừng lão luyện như anh cũng phải khiêm tốn: “Rừng bạt ngàn, có đi đến cuối đời cũng khó mà biết hết. Mỗi lần tuần tra là một lần phát hiện được cái mới, cái đẹp của tự nhiên”. Vốn yêu rừng từ bé, nghe thêm lời giới thiệu mùi tai của mấy “hướng dẫn viên” của rừng, tôi càng khấp khởi mừng vì họa hoằn lắm mới có một chuyến vào tận “tâm“ rừng. Thế nhưng đường còn dài...

Mười cây số đầu tiên, qua một lần phà ở bến đò số 18 thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai, chiếc xe máy bon bon trên đường tráng nhựa. Hai bên là rừng giá tỵ, lá vàng vàng cái sắc của đầu đông. Thi thoảng cơn gió ào qua khiến đoàn xe máy 5 chiếc cứ như đi giữa mùa thu lãng mạn nào đấy. Qua hết khúc này, đường bắt đầu khó đi. Trả xe về số 2, anh Thắng, tay lái “lụa” chở tôi, có kinh nghiệm xương máu với những đoạn đường này vẫn kịp nở nụ cười kể: “Hôm nay là đường dễ đi, sướng gấp 10 lần”. Con đường đất đỏ au, lượn sóng trâu ba bốn tầng bởi những chiếc xe tải tạo nên những vết trũng kéo dài hàng chục cây số. Có đoạn men theo phần đường do xe tải để lại, tôi chột dạ khi thấy chỉ cần đưa tay ra là chạm mặt đường vì cả xe lẫn người lúc này cứ như đang ”độn thổ”. “Sao không về số 1 chạy cho mạnh?”, anh Thắng cười khì khì trả lời: “Phải từ từ mà tiến, vội là xe nằm ngang liền à”. Quả thật khi nhìn lại những xe phía sau, lần lượt 1, 2 rồi 3 chiếc cứ đi được vài mét lại quay ngang ra đường, có người ngồi phía sau đã nhảy xuống đi bộ cho bớt run tim.

Một giờ đồng hồ cho 12 cây số, thế mà chúng tôi đã “đạt chuẩn về thời gian”, nghe anh Hùng tuyên bố mà ai miệng cũng méo xệch. Tất nhiên, chỉ có những người “tay ngang“ mới vậy, chứ các anh kiểm lâm vẫn đang vui vẻ vừa trò chuyện vừa dùng cây gạt đống đất đỏ đang dính chặt trong lốp xe.
 
Câu chuyện của người giữ rừng 2

Những người giữ rừng xót lòng khi mỗi một cây xanh ngã xuống, một con vật qua đời...

“Của rừng sao nỡ…”

Người ta nói “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Nhưng đấy chỉ dành cho những ai còn lương tâm. Còn với những kẻ phá rừng thì điều đó không là gì cả. Bởi vâ%3ḅy mà những người kiểm lâm cứ phải rưng rưng nước mắt cho những cảnh tượng đau lòng nơi chốn rừng xanh sâu thẳm này.

Những thân cây đa, cây bằng lăng to đến ba bốn người ôm khiến chúng tôi ngước nhìn đến mỏi cổ vẫn chưa thấy được ngọn. “Mình thấy cây rừng đẹp và quý bao nhiêu thì bọn lâm tặc lại coi đây là món tiền lớn nên chúng cứ rình rập, dùng nhiều thủ đoạn để mà chiếm đoạt”. Giọng trầm trầm, anh Thắng kể thêm: “Cây cao hàng mấy chục mét, mỗi lần đổ xuống là phá nát cả một vạt rừng. Bao nhiêu cây to, cây nhỏ phía dưới đều tan tành, chim chóc, thảm thực vật, lan rừng... tan hoang theo. Vậy mà người ta vẫn cứ phá hết rừng này tới rừng nọ”.

Không chỉ vậy, trong chuyến đi này, chúng tôi cũng khó khăn lắm mới phát hiện dấu chân thú hoặc bóng dáng một con sóc, con khỉ. Bởi theo các anh kiểm lâm, động vật cỡ lớn bây giờ bị săn bắn quá mức khiến chúng giảm số lượng hoặc trốn tận rừng sâu, khó mà thấy được nếu không phục kích cả ngày, thậm chí cả tuần, cả tháng.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, trong năm 2010, tình hình săn bắn thú xảy ra trên diện rộng, đặc biệt tại những khu vực giáp ranh với các đơn vị lâm nghiệp và khu dân cư.  Trong năm 2011, phát hiện 174 vụ săn bắt với 126 người tham gia. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2012, tổng số vụ vi phạm được phát hiện là 69 vụ với 64 đương sự, tịch thu 6 súng tự chế”.

Gian nan chiến đấu với lâm tặc, thợ săn

Trái ngược với diện tích khổng lồ của Vườn Quốc gia Cát Tiên là lực lượng kiểm lâm quá nhỏ bé. Anh Hùng tâm sự: “Mỗi đợt đi tuần, chúng tôi có khoảng 3-5 người, dù có trang bị súng ống nhưng đa phần chỉ sử dụng khi thực sự nguy cấp, không ai được phép dùng súng tấn công người khác, kể cả lâm tặc. Bắt được điểm này, nhiều nhóm thợ săn, lâm tặc thường tập trung thành nhóm 7-8 người để chơi chiêu áp đảo số lượng. Vì thế nhiều lúc phải chịu thua bọn chúng hoặc không thể bắt hết cả nhóm”.

Cách đây 4 tháng, trong một buổi chiều tuần tra ở lâm trường 3, anh Hùng nghe thấy tiếng sột soạt bên bụi rậm. Lại gần thì phát hiện một chú gấu ngựa đang mắc kẹt một chân vào cái bẫy do thợ săn cài. Chân bị thương đã sưng vù, máu không còn chảy được, phần thịt đã nhầy nhụa. Chú gấu chừng 10 tuần tuổi này chỉ còn rên ư ử và dù các anh kiểm lâm đã cố gắng cứu chữa, nhưng vẫn không sống nổi vì bị đói và vết thương quá nặng.

Mỗi đợt tuần tra, đội của anh Hùng gom được hàng trăm chiếc bẫy lớn nhỏ. Nhiều cái bẫy rất nguy hiểm, đụng vào là mũi tên đâm xuyên qua chân. Đã có người trong đội từng dính phải những chiếc bẫy này và phải nằm nhà cả nửa năm trời mới khỏi.

Còn với bọn lâm tặc, những lần truy bắt chúng mới thật sự nguy hiểm. Bọn này dùng mọi thứ có trong tay như dao, rìu, cây và cả súng để bảo vệ tới cùng khối lượng gỗ vừa xẻ được. Nếu lực lượng kiểm lâm mỏng sẽ phải chịu thua hoặc gọi thêm lực lượng tới, lúc này thì chúng đã tẩu tán bớt gỗ đi. “Bọn này không thua gì cướp. Sẵn sàng hạ sát anh em kiểm lâm nếu ai yếu vía hoặc cô độc. Chính vì vậy, chúng tôi luôn đi theo đội để có bề gì yểm trợ cho nhau”, một kiểm lâm nói.
 
Câu chuyện của người giữ rừng 3

Với số lượng người ít, các anh kiểm lâm vừa phải canh không cho bọn lâm tặc đốn cây, thợ săn hại thú lại còn phải bảo vệ những người dân không bị thú dữ, đặc biệt là voi tấn công.

Và kiêm luôn việc dẫn voi về lại rừng

Không chỉ đi tuần, đội kiểm lâm còn phải nhiều đêm thức trắng để đuổi voi khi chúng về rẫy, vườn của người dân. Nghe danh ”ông bồ”, người nào cũng sợ, nhưng các kiểm lâm vừa hướng dẫn người dân dùng đuốc, gõ xoong nồi, còn phần mình thì dùng đèn pin công suất lớn rọi vào voi để chúng sợ. Ấy thế nhưng lắm khi mấy ”ông bồ” này cũng quay đầu đuổi người và nhiều lần đến tận trạm kiểm lâm mà phá tung cửa tìm gạo, muối...

Anh Hùng cho biết: “Voi bây giờ dạn dĩ lắm, chúng đến ăn, phá các vườn mía, chuối, bắp... rồi về khu bìa rừng gần đó nghỉ lại. Đêm sau, chúng lại ra phá. Bà con bức xúc, muốn dùng vũ lực nhưng chúng tôi phải ra sức tuyên truyền chứ không xung đột giữa người và voi sẽ xảy ra”.

Rừng vốn âm u, huyền bí và nhiều mối nguy. Với những người giữ rừng, chuyện bị rắn cắn, vắt hút máu hay bị gai đâm là điều bình thường. Những ngày mưa xẻ rừng đi tuần, những đêm dựng lán trại ngủ bên dòng suối, đối mặt với bao loài thú dữ... tất cả những người kiểm lâm, nếu không vì tình yêu với thiên nhiên và lòng mong mỏi được giữ lại mảng xanh cho quê  hương thì hẳn đã không làm nghề này.
 
Bạn có biết
 
Vườn Quốc gia Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước với tổng diện tích 71.920 ha. Nơi này, rừng cây xanh chiếm tới 50% diện tích, 40% là tre và còn lại là nông trại của người dân.

Hiện nay, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Tê giác, hổ, báo, trâu rừng, gấu… tất cả đều về đây cư ngụ. Và tất nhiên, nơi này còn có những loài thực vật quý hiếm, đa dạng, nằm trong sách Đỏ. Vườn Quốc gia đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” vào tháng 7-2011.

 Theo Văn Danh - Xuân Trường (Gia đình)

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Bình luận(0)