Vào rừng già săn “chúa tể bầu trời“

Google News

(Kiến Thức) - Đại bàng - loài chim được mệnh danh là chúa tể bầu trời tưởng chừng rất khó bắt. Vậy mà dưới bàn tay của những người thợ săn chim ở Đình Lập, Lạng Sơn thì chuyện ấy dễ như lấy đồ trong túi.

Để khuất phục những chú chim đại bàng, người thợ săn chim phải mất hằng tháng trời vượt qua núi non hiểm trở để theo dõi dấu vết của chim, sau khi định vị được chỗ ở của đại bàng, thợ săn bắt đầu "dàn trận".

 Theo ông Giáp thì đại bàng thường chọn những cây cao nhất khu rừng
để làm tổ.

Xuyên màn đêm... săn chúa tể bầu trời

Người đi săn đại bàng ở khu vực Đình Lập, Lạng Sơn và huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh không nhiều. Khó khăn lắm tôi mới tìm được một hoặc hai người thợ thỉnh thoảng xuyên đêm, độc hành hàng chục cây số vào những cánh rừng giáp ranh giữa Lạng Sơn và Quảng Ninh để săn đại bàng - loài chim uy vũ được mệnh danh là chúa tể bầu trời.

Mặc dù tuổi đã ngoài 60, đã bỏ nghề săn đại bàng, nhưng khi được chúng tôi hỏi về cái công việc nặng nhọc, nguy hiểm đó thì ông Hoàng Văn Giáp ở xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn lại sục sôi lên như cái thời cách đây hơn 20 năm khi ông còn trẻ, một mình cầm dao băng rừng, lội suối, ăn sương nằm gió theo dấu vết đại bàng. Ông bảo: "Tao dẫn chúng mày vào rừng một hôm đi theo cánh chim đại bàng, lâu lắm rồi tao không vào rừng nên cũng muốn thay đổi chút không khí cho thoải mái". 

 Đại bàng sống trong những cánh rừng già và trên những ngọn núi cao
ngút trời.

Vậy là 3 giờ sáng ngày hôm sau, khi những làng bản giáp ranh giữa huyện Đình Lập, Lạng Sơn và huyện Tiên Yên, Quảng Ninh còn chìm sâu trong giấc ngủ thì chúng tôi cùng với ông Hoàng Văn Giáp, thợ săn chim lão luyện cơm đùm, cơm nắm cùng với nước uống chuẩn bị vượt cung đường hơn 60 cây số đến rừng Kiên Mộc huyện Đình Lập đi tìm dấu vết của chúa tể bầu trời.

Cái lạnh căm căm của nơi rừng thiêng nước độc và bóng tối tràn ngập chốn thâm sơn cùng cốc không cản nổi sự tò mò của tôi, của cái mong ước được chinh phục cánh chim đại bàng. Chúng tôi theo chân ông Giáp cưỡi trên chiếc xe máy hỏng ca - pô với thứ tiếng nổ phát ra xé toạc màn đêm, trườn qua con đường trúc trắc dài chừng 40km toàn những ổ gà, ổ voi để đến rừng Kiên Mộc.

Theo lời những thợ săn ở Lạng Sơn thì Kiên Mộc là khu rừng còn nhiều chim đại bàng nhất hiện nay. Tuy nhiên, ở đây chỉ còn đại bàng đất, sải cánh chim trưởng thành dài hơn 1m, trọng lượng khoảng từ 3 - 4kg/con trưởng thành, lông khoang như lông chim diều hâu, mắt vàng, mỏ quặp, móng vuốt chân sắc, nhọn. Loại đại bàng này còn rất nhiều và có thể tìm thấy chúng ở bất cứ cánh rừng hoang vu nào, hoặc là những dãy rừng núi đá cao, hiểm trở.

Trước đây, trong rừng Kiên Mộc còn có cả đại bàng lửa - loại đại bàng được dân chơi thành thị ưa chuộng nhất hiện nay. Đại bàng lửa có trọng lượng rất lớn, khoảng  7 - 8kg/con, thậm chí có con nặng đến 10kg. Sải cánh của đại bàng lửa có thể tới trên 2m, mắt đỏ, lông khoang, ức có chỏm lông màu đen, trên đầu có mào... Loại đại bàng này rất ít người bắt được. Thậm chí chỉ được nhìn thấy chúng đã là hạnh phúc cho người thợ săn.

Qua hơn hai tiếng đồng hồ vượt những cung đường trúc trắc, lúc này trời đã tảng sáng, tôi nhìn đồng hồ đã là 6 giờ sáng. Ông Giáp bẻ lái sang một con đường mòn, vì lâu ngày không có người đi lại nên con đường rậm rạp toàn cây gai mọc kín đường. Đi được một quãng chừng 2km, ông Giáp hô chúng tôi dừng xe rồi tấp xe vào một lùm cây ngay cạnh đường mòn. 

Anh bạn đồng nghiệp của tôi bảo: "Để xe thế này lỡ có thằng nào thuổng mất thì biết kêu ai?", ông Giáp tỉnh bơ đáp: "Mày có vứt xe cả tháng thì cũng không ai thèm lấy, ở đây không có trộm cắp gì đâu". Nói rồi, ông Giáp lôi đùm cơm nắm, chai nước và cái điếu cày ra cùng chúng tôi ăn sáng, nghỉ ngơi đợi khi ánh mặt trời le lói rồi mới cuốc bộ xuyên rừng.

Một chiếc bẫy sắt bé bằng bàn tay cũng đủ để tóm gọn một chú đại bàng dù đó là đại bàng đất hay đại bàng lửa mà không làm cho chúng bị thương

"Trinh sát" đại bàng

Sau bữa sáng, ông Giáp dẫn chúng tôi cuốc bộ gần 3 tiếng đồng hồ để đến một ngọn núi cao nhất rồi ngồi uống nước, hút thuốc. Trong khi chúng tôi thì sốt ruột vì đi gần nửa ngày trời mà chẳng thấy bóng dáng con đại bàng nào bay trên đầu và mặc dù trời đang lạnh nhưng đoàn người thì mồ hôi nhễ nhại, ông Giáp cởi phăng chiếc áo ấm vắt lên một gốc cây rồi đi tiếp (lúc quay về ông mới lấy áo).

Thấy chúng tôi sốt ruột và thắc mắc chẳng thấy đại bàng đâu, ông Giáp đang uống dở ngụm nước bỗng dừng lại rồi cười sằng sặc: "Săn đại bàng phải kiên trì, hôm nay chưa thấy chúng thì mai đi tiếp, đi cho đến khi nào thấy được đại bàng mới thôi. Cái trò này cũng giống như là lính trinh sát trong quân đội, phải kiên trì tìm kiếm mục tiêu, bám sát rồi mới tiêu diệt".

 Một con đại bàng đất được nuôi ở xã Bắc Lãng.

Ông Giáp cho biết: "Người săn đại bàng phải theo dõi chúng cả năm trời và có thể bắt chúng trong nháy mắt. Đại bàng thường làm tổ ở những ngọn cây cổ thụ cao nhất rừng, vì thế người thợ săn chỉ cần quanh năm ngày tháng cứ bám riết mấy cây cổ thụ đó kiểu gì cũng tìm ra. Khi quan sát, thợ săn phải để ý xem đại bàng làm tổ chỗ nào, khi thấy chúng công rác về làm tổ thì cũng có nghĩa là đợt sinh sản sắp đến và thợ săn phải theo dõi được chính xác con đại bàng đó làm tổ ở gốc cây nào. Vậy là yên tâm, thợ săn chỉ việc ngày ngày đến gần gốc cây đó... ngồi nhìn, đợi khi nào đại bàng sinh nở xong, đến khi con non tập bay rồi thì thợ săn mới đặt bẫy ở gần tổ của chúng để tóm gọn con trống và mái, chỉ để lại lũ con non cho rừng thiêng núi thẳm, đợi khi nào chúng lớn lại bắt tiếp. Tuy nhiên, người nào tham lam thì sau khi bắt được con mẹ họ sẽ trèo lên cây bắt luôn cả tổ con non về để nuôi".

Lôi trong túi những chiếc bẫy sắt có những chiếc răng cưa nhọn hoắt đan xen vào nhau, chiếc bẫy chỉ bé bằng lòng bàn tay nhưng ông Giáp phải dùng một chân đạp cần, còn hai tay kéo mạnh gọng bẫy mới xong. Trước khi đặt bẫy ông Giáp lấy giẻ cuốn quanh gọng bẫy để che những chiếc răng cưa lại, đến khi đại bàng dính bẫy chúng không bị gãy chân... Ông Giáp đặt ba chiếc bẫy quanh một mô đất nhỏ rồi lấy lá cây rừng đặt trùm lên những chiếc bẫy sau đó lại tiếp tục phủ lên bên trên lớp lá một lớp đất mỏng dùng để ngụy trang. Bên cạnh những chiếc bẫy ông buộc vào một con ếch để làm mồi nhử. Khi đại bàng lao xuống chúng sẽ sa vào bẫy được đặt sẵn dưới đất.

Vừa đặt bẫy xong, ông Giáp cùng chúng tôi lánh qua chỗ khác nghỉ ngơi và theo dõi, một lát sau trên không trung nhìn thấy hai con chim chao liệng tìm kiếm mồi. Ông Giáp bảo: "Đấy! Chim đã phát hiện ra mồi rồi đấy". Nói rồi ông đi ra chỗ vừa đặt những chiếc bẫy rồi gỡ chúng lên khỏi mặt đất tránh không cho đại bàng sập bẫy vì theo ông Giáp thì hai con đại bàng trên trời còn bé, để nó bình yên nơi rừng sâu, núi thẳm.
"Tôi đã bỏ cái nghề săn đại bàng hao tâm tốn sức được mấy chục năm nay, nhưng nó là đam mê và là thú vui khó bỏ, cũng giống như người chơi cây cảnh, đá cảnh, chim cảnh... Nhưng Nhà nước đã cấm vào rừng săn bắt nên thỉnh thoảng tôi mới đến bìa rừng dạo chơi và đứng ngắm những cánh chim đại bàng. Có người cho đó là dở người, nhưng tôi lại thấy thoải mái vì được thư thái và thả mình theo những cánh đại bàng".
Ông Hoàng Văn Giáp


(còn tiếp)

Quách Dương

Bình luận(0)