Đau ốm, sức khỏe yếu, bản thân không tự đi lại được, nhưng không hiểu sao, ông Nguyễn Đa (SN 1953, ngụ thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vẫn có thể di chuyển đoạn đường gần 2km đường dốc, sỏi đá… để đi vào núi và bị trượt xuống hố nước tử vong.
Vớt rùa, được xác người
Ngày 22/1/2015, anh Lê Thương (SN 1975, ngụ xã Hòa Sơn) cùng một số thanh niên trong xã rủ nhau lên mỏ đá Hố Mùn (thôn Phú Thượng) cõng đá mang về bán.
Mỏ đá vốn có chủ, trước đây người dân ít khi bén mảng tới khu vực này. Từ khoảng cuối năm 2014, doanh nghiệp khai thác hết giấy phép hoạt động phải tạm nghỉ, nhân cơ hội đó, người dân trong xã lén đi lấy đá về bán, kiếm tiền tiêu Tết.
Đang hì hụi làm việc ở đỉnh đồi, một người trong nhóm anh Thương phát hiện ao nước dưới chân đồi có một vật “đen đen” nổi lên. Thời điểm trên, Đà Nẵng đang rộ thông tin rùa trên núi tràn xuống đồng bằng, nhiều người đã đổ xô đi bắt, bán được hàng chục triệu đồng/con.
Từ khoảng cách hàng chục mét, ai nấy đều nghĩ đến chiếc “đầu rùa”. Mừng rỡ ra mặt vì nếu bắt được rùa, anh em có thể thu tiền triệu, cao gấp mấy lần đi lấy đá.
Thế nhưng, khi xuống đến nơi, thay vì bắt rùa, mọi người nhìn thấy đầu một người đàn ông. Anh Thương kể, vì ao nước rất trong nên sau một hồi định thần, nhìn kỹ, các anh thấy thi thể chết đứng dưới nước, riêng phần sau đầu nhô lên trên.
Thông tin lập tức cấp báo về thôn xã và các lực lượng chức năng địa phương. Rất đông người ùn ùn kéo tới Hố Mùn xem sự tình. Phía CQĐT, Công an huyện Hòa Vang đã cử người phối hợp với lực lượng pháp y TP. Đà Nẵng cho vớt xác nạn nhân và tổ chức khám nghiệm hiện trường.
Nạn nhân được xác định ông Nguyễn Đa. Nhà ông Đa cách Hố Mùn khoảng 1km (tính theo đường chim bay - PV) nhưng để đến được đây phải đi đường vòng dài gấp đôi.
Kết quả bước đầu từ cơ quan pháp y, ông Đa tử vong do ngạt nước khoảng 3 ngày trước đó. Cơ quan pháp y cũng chuẩn bị đầy đủ thủ tục cho tiến hành khám nghiệm tử thi, nhưng con cái, vợ và người em trai ruột của ông Đa từ chối.
Gia đình cam kết không khiếu nại, khiếu kiện, nên thi thể nạn nhân sau đó được bàn giao về tổ chức mai tang theo phong tục địa phương.
|
Dư luận đến nay vẫn nghi hoặc về cái chết của ông Đa. |
Trước cái chết có phần kỳ lạ của ông Đa, dư luận đến nay vẫn nghi hoặc. Anh Thương thuật lại, hàng chục năm qua, cả xã ai cũng biết ông Đa nghiện rượu nặng, sức khỏe giảm sút, mang nhiều bệnh tật.
Ông Đa không còn đi lại được, thường nằm một chỗ, họa hoằn những khi cần quá, ông mới chống gậy lê lết mấy bước quanh giường.
Trong khi đó, từ nhà ông Đa đến mỏ đá Hố Mùn đường đồi dốc cao, đá lởm chởm dài hơn hai cây số. Những thanh niên khỏe mạnh đi lấy đá còn “thở ra đằng tai” thì một người như ông Đa lên núi hoàn toàn không thể.
Một số người mê tín cho rằng “ông Đa bị ma đưa đi rồi dìm chết”, “chỉ có ma dẫn, ông Đa mới vượt qua quãng đường dài như vậy” và cái “thế” chết đứng thay vì nằm ngửa hay úp”.
Thời điểm trên, mỏ đá Hố Mùn thường xuyên có cả trăm người lên xuống lấy đá, nhưng ông Đa đi khỏi nhà, đến khi tìm thấy thi thể khoảng hơn 3 ngày, mà sao không ai nhìn thấy?
“Con ma” còn được nêu cụ thể là đứa con riêng của ông Đa. Thời thanh niên, ông Đa bị đồn đại là vẫn qua lại vụng trộm với một phụ nữ ở thôn bên. Kết quả, người này có thai.
Ông Đa bắt nhân tình phá bỏ. Hài nhi mới tượng hình được ông Đa giấu diếm người thân, đưa về chôn gần khu vực dẫn lên Hố Mùn. “Có lẽ do căm hận người cha đã “giết chết” mình, đứa trẻ bắt ông Đa đền tội”, người mê tín rỉ tai nhau.
“Ma dắt”, hay án mạng?
Trưởng thôn lại có cách lý giải khác. “Người mê tín xúm vào bàn tán mà không biết thực hư thế nào, rồi cũng chính họ tự làm mình hoang mang lo sợ.”, ông Võ Văn Kỳ, trưởng thôn Xuân Phú nói.
Những người hiểu biết hơn thì đặt nghi vấn về một án mạng. Theo ông Kỳ, vào sáng mùng 3 tháng Chạp âm lịch (nhằm ngày 22/1/2015), ông đang làm việc thì nhận được điện thoại của người dân báo có xác chết trong mỏ đá Hố Mùn.
|
Trưởng thôn nghi vấn nạn nhân bị ai đó sát hại. |
Có mặt tại hiện trường, quan sát bằng mắt thường, ông thấy đầu tóc của nạn nhân dù nổi trên mặt nước nhưng lại dính nhiều bùn đất thay vì dính ở tay chân; người có dấu hiệu như đang phân hủy.
Lúc đó, do bất ngờ trước tai nạn, người nhà ông Đa lại không yêu cầu khám nghiệm nên dù nghi ngờ, cũng chẳng ai có thể can thiệp. Phải chăng có án mạng xảy ra, rồi hung thủ tung tin “ma dẫn đi” để tạo cái cớ che giấu việc ông Đa bị giết chết?
Có thể gặp vách đồi dựng đứng, ông Đa bệnh tật, ốm yếu nếu bị trượt ngã chắc chắn chết. Nhưng đó là nguyên nhân “té ngã”, còn thực tế ông Đa không thể tự đi tới được khu vực này để “chết đuối”, mà có thể bị người nào đó đưa tới?
Bản thân vị trưởng thôn cũng hoài nghi chi tiết ông Đa bị phát hiện đã chết từ 3 ngày trước. Nếu đúng như vậy, gia đình phải báo chính quyền việc ông Đa “mất tích” hoặc chí ít, người nhà đã có động thái “xôn xao đi tìm”. Đằng này, thôn không nhận được bất kỳ thông tin gì.
Ngoài ra, một nguồn tin giấu tên cho hay, ông Đa có 8 người con (4 trai, 4 gái), hiện tại còn 3 người đang sống chung cùng cha mẹ. Con cái ông Đa rất bất hiếu, trong thời gian mang bệnh, ông thường bị con chửi đánh, bỏ đói.
Vì nằm một chỗ, vợ lo buôn bán ngoài chợ nên chuyện vệ sinh của ông cũng bị “mặc kệ”. Đặc biệt chú ý, ngôi nhà ông Đa nằm lọt thỏm ở khu đồi núi, tách biệt với người dân trong thôn khiến mọi sinh hoạt có thể nói là biệt lập.
Câu trả lời thỏa đáng mà người địa phương mong muốn được biết, xin nhường lại cho các lực lượng chức năng.