Trong 12 nạn nhân của vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) nhiều tuổi nhất là ông Phạm Xuân Đăng, quê tỉnh Vĩnh Phúc. Cho đến thời điểm này, ông Đăng đã có 30 kinh nghiệm đào đường hầm.
Đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, ông Đăng chia sẻ với PV Kiến Thức rằng không còn nhớ mình đã tham gia đào bao nhiêu đường hầm của các công trình thủy điện, nhưng ông nhớ rõ nhất lần đầu tiên bước vào cái nghề nhiều may rủi này khi 29 tuổi, và công trình đường hầm thủy điện đầu tiên ông thực hiện là thủy điện Hòa Bình trên sông Đà vào năm 1985.
Trước khi vào Lâm Đồng thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng, ông Đăng đào đường hầm tại công trình thủy điện Nậm Pông (Nghệ An). Khi vào thực hiện đường hầm thủy điện Đạ Dâng được 2 tuần thì xảy ra sự cố sập hầm.
|
Ông Phạm Xuân Đăng tại bệnh viện. |
Ông Đăng tâm sự, đã 30 năm kinh nghiệm trong việc đào hầm, chưa bao giờ ông và đồng nghiệp phải đối mặt giữa sự sống và cái chết mong manh như trong lần này. Trong quá trình thi công các đường hầm thủy điện, đã nhiều lần xảy ra những sự cố, nhưng phần lớn là chỉ sạt lở và hoàn toàn có thể kiếm soát được, phương án khắc phục rất nhanh.
Chia sẻ về góc độ nghề nghiệp, ông Đăng cho biết, xác định bước vào nghề đào hầm thì phải chấp nhận hiểm nguy, trong quá trình đào phải tính đến các phương án an toàn nhất. Tuy nhiên, những sự cố xảy ra trong quá trình làm việc là khó có thể tránh khỏi. Khác với những công nhân trẻ hơn, sau vụ việc này đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề, ông Đăng lại nói: “Khi công trình làm lại tôi tiếp tục vào hầm, sinh nghề tử nghiệp, phải chấp nhận thôi!...Tôi sẽ tiếp tục công việc cho đến khi nào sức khỏe không còn cho phép”.