Lời Bác dặn về đề án 6.500 tỷ “vực” thể lực người Việt

Google News

Hơn ai hết, Bác hiểu được giá trị của việc rèn luyện sức khỏe. Sẽ mất khoảng 6.500 tỷ để "vực" thể lực người Việt trong vòng 20 năm. 

70 năm trước, Bác Hồ viết: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Vào thời điểm hiện tại, trước thực trạng thể lực người Việt và tầm vóc của chúng ta ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và Châu Á, chúng ta đã phải dùng một khoản tiền khổng lồ cho đề án “Nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt”...
Loi Bac dan ve de an 6.500 ty “vuc” the luc nguoi Viet
 Bác Hồ với phong trào bơi lội. Ảnh: T.L
Người giáo viên thể dục trường Dục Thanh...
Năm 1946, sau khi ký sắc lệnh thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên - tiền thân của ngành TDTT ngày nay, Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Bác viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe. Bộ Giáo dục có nhà thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe. Dân cường nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục - tự tôi ngày nào tôi cũng tập thể dục”.
Hội thảo “Nghiên cứu, xác minh giá trị di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành sống và dạy học ở Phan Thiết” do Bộ VHTTDL và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cách đây bốn năm đã cho biết những tháng ngày ở trường Dục Thanh, Bác dạy môn gì. Theo các tài liệu, tại đây Bác dạy thể dục là chính, ngoài ra Bác còn dạy Hán văn, Quốc ngữ.
Hơn ai hết, Bác Hồ hiểu được giá trị của việc rèn luyện thể lực, đúng như câu nói “Một tinh thần minh mẫn có trong một cơ thể tráng kiện”. Những ngày ở Dục Thanh, theo tài liệu của Viện Lịch sử Đảng thì “sáng nào, thầy Thành cũng dậy sớm và gọi mọi người ra sân tập thể dục”.
Hầu hết trong các tài liệu đều ghi: Xuân 1941, từ nước ngoài về đến Cao Bằng, hoạt động bí mật trong điều kiện cực kỳ ngặt nghèo, Bác không những duy trì việc tập luyện cho riêng mình, mà còn nung nấu làm sao cho mọi người cùng được tập luyện, đặng giữ gìn tăng cường sức khỏe. Trong cương lĩnh lịch sử của Mặt trận Việt Minh do Bác khởi thảo xác định rõ mục đích của thể dục thể thao là hướng tới phục vụ con người. Bản cương lĩnh viết “Cần phải khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục thể thao quốc dân làm cho nòi giống thêm khỏe mạnh”.
Bản đề án 6.500 tỉ đồng
Bác Hồ dạy: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”.
70 năm sau lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác, có một thực tế là tầm vóc và thể lực của người Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực. Số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) mới công bố: Trong 3 thập niên gần đây, chiều cao của người Việt đang nhích dần, nhưng tốc độ rất chậm, cứ 10 năm tăng thêm được khoảng 1cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện mới đạt 164cm, thua 8cm so với chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản và 10cm so với nam thanh niên Hàn Quốc. Chiều cao trung bình của nữ còn khiêm tốn hơn với 153cm.
Theo tiến sĩ Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam - việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Thực trạng này buộc chúng ta đưa ra đề án tầm cỡ quốc gia, đó là đề án 641- Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người VN giai đoạn 2011-2030. Những người làm đề án cũng chỉ ra các nguyên nhân, ngoài gene di truyền, dinh dưỡng thì việc người Việt thấp bé, và yếu một phần là do lười tập, vận động thể dục, thể thao. Kinh phí cho đề án này, dự kiến lên đến 6.500 tỉ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 3.000 tỉ. Điều đáng nói, cho đến thời điểm này, bản đề án vẫn chưa được triển khai rõ nét bởi sự chồng chéo của các bộ ngành, cũng như chưa thể huy động được những nguồn lực.
Ngành thể thao có trách nhiệm không nhỏ trong việc để thể chất người Việt tụt hậu so với các nước trong khu vực! Chúng ta chưa có phong trào thể dục rộng khắp, có chiều sâu. Thể thao học đường được quan tâm, nhưng còn khoảng cách quá xa so với yêu cầu của xã hội. Sẽ mất khoảng 6.500 tỉ để thanh niên Việt Nam khỏe hơn, cao hơn 4cm trong vòng 20 năm. Lẽ ra chúng ta đã có thể yên tâm hơn về thể chất người Việt nếu như các bộ ngành, mỗi người dân thực hiện đúng lời kêu gọi của Bác Hồ!
Theo Đắc Lâm/ Lao Động

Bình luận(0)