Có lẽ chỉ Tây Nguyên mới có mùa lễ tết kéo dài hằng tháng gọi là mùa Ăn năm uống tháng, mùa con người sống hết mình, nồng nàn, đắm đuối với nhau, với thần linh và bao la đất trời. Đêm dường như bất tận, ngày cứ dài miên man với sinh hoạt cộng đồng tưng bừng, độc đáo.
|
Ăn cơm mới. Ảnh: KP. |
Tết mừng cơm mới
Già làng Krajan Plin (buôn Đăng Ja, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) cho biết Tết của người Tây Nguyên không theo ngày tháng nhất định mà phụ thuộc vào vòng đời của mùa rẫy, bắt đầu ngay sau khi thu hoạch lúa đến khi chuẩn bị vụ mùa mới.
Ngày bắt đầu thu hoạch thường là 27 tháng Chạp âm lịch bởi đó là ngày tốt nhất, ngày của thần linh. Ban đêm trời tối om, sâu mọt bị che mắt không nhìn thấy gì nên không đục phá lúa.
Trước đó bà con dùng nghệ vẽ hình chiêng, ché, xà gạc và những hoa văn lạ mắt lên bồ lúa như một thủ tục gặp gỡ thần linh, ma quỷ để gửi đi bức thông điệp cầu xin sự an lành, no ấm.
“Nếu như con trâu là động vật hiến tế linh thiêng nhất thì nghệ là loài cây cỏ đứng đầu bảng để dâng cúng thần linh. Chất lỏng từ củ nghệ được xem như máu của các loài cây” - già Plin giải thích.
Bà con phát quang, làm lễ để dọn đường rước Mẹ lúa từ rẫy về kho, sau đó tiếp tục làm lễ đóng cửa bồ lúa. Trước khi mở cửa bồ để ăn hạt lúa đầu tiên lại phải làm lễ ăn cơm mới. Đây là lễ hội lớn bậc nhất ở Tây Nguyên nên làng tổ chức đâm trâu và dĩ nhiên không thể thiếu món cốm. Lúa còn non được tuốt về, luộc sơ rồi cho vào chảo rang.
Các sơn nữ mắt đen láy, lúng liếng bên bếp lửa hồng, tay trần đảo như múa trong cái chảo thơm phưng phức mùi đòng đòng. Các cô còn trổ tài nấu cơm lam, loại cơm dẻo thơm với hương vị lạ vì nấu trong ống nứa.
“Cơm này ăn kèm với những món chỉ Tây Nguyên mới có như cà xóc, muối kiến... thì no căng bụng vẫn chưa muốn dừng”- sơn nữ Cil Mup K’Hoa vui vẻ nói rồi giải thích thêm muối kiến là những con kiến vàng béo ngậy được giã cùng với một số loại lá rừng như lá é, teng neng... Cà xóc là dạ dày và sách bò được luộc, thái nhỏ rồi bóp với dịch trong ruột non cùng ớt xanh, cà đắng, lá giang...
|
Đêm hội cồng chiêng. Ảnh: HH. |
Xuất phát từ nhà già làng, đoàn cồng chiêng đến từng nhà khác trong buôn để mừng cơm mới. Đoàn đến đâu, gia chủ đặt lễ vật, cắt tiết vật hiến sinh bôi vào cây nêu bên cạnh kho lúa.
“Ơ Yang, lúa đã suốt về, heo đã mổ, rượu đầy ché. Mời các Yang cầm cần rượu, ăn miếng thịt heo và bát cơm mới đầu mùa. Mong Yang cho mùa sau lúa lại sai bông, mẩy hạt, thu hoạch đầy gùi, ngập kho” - già làng khấn rồi vẩy rượu lên kho lúa, bếp lửa, dàn chiêng để chúc phúc.
Nữ chủ nhà là người đầu tiên vít cần rượu rồi mời khách thưởng thức, lần lượt từ già đến trẻ, người trong họ trước, người ngoài họ sau. Mọi người thoải mái ăn uống, nhảy múa trong tiếng cồng, chiêng huyễn hoặc.
Khi tiễn khách, gia chủ trao cho mỗi người một gói thức ăn ngụ ý chia đều sự may mắn cho mọi bếp. Thông thường phải mất từ 7 - 10 ngày đoàn mới dự xong lễ ăn cơm mới của tất cả các gia đình trong buôn.
Theo già Plin, dịp này người Lạch còn làm lễ xin thần linh cho phép ông Pơ nôh được mãn kiêng để tự do ăn uống, nhảy múa, hưởng lạc thú như những người bình thường.
Pơ nôh là người có uy tín, tâm đức cao vời, được cộng đồng giao chức trách giữ mối quan hệ giữa dân làng với thần linh trong suốt vòng đời của mùa rẫy. Hơn chín tháng ròng, ông phải hoàn toàn chay tịnh, không uống rượu, không ăn cua, lươn, cá lóc...
|
Cồng chiêng Tây Nguyên. |
Ăn Tết ở nhà mồ
Đi chơi Tết ở Lạc Dương, tôi tình cờ được dự lễ Pơ thi, lễ tiễn người chết vĩnh viễn rời khỏi thế gian. Gọi là đám tang nhưng thực tế lại là lễ hội tưng bừng. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, già Plin mỉm cười giải thích: Với người Tây Nguyên, rừng là tất cả, là mẹ của muôn loài. Con người do rừng tạo ra. Đến khi chết được làm lễ Pơ thi tiễn về với rừng - mẹ vĩnh hằng, còn gì hạnh phúc hơn? Bởi thế những người tiễn biệt cũng không buồn khổ, đớn đau.
Già kể, với người vừa chết, bà con chôn trong ngôi mộ tạm, chôn cạn lắm, chừng 1m trở lại để người chết dễ thở. Dẫu đã tiến hành chôn cất nhưng vì tin rằng hồn người chết chưa rời khỏi trần thế nên hằng ngày gia đình vẫn mang cơm nước ra mộ để nuôi. Vài ba năm sau đắp cho mộ cao thêm 1 - 2m, dựng nhà mồ ở trên, rồi tổ chức lễ Pơ thi. Sau lễ này, người chết mãi mãi trở về rừng - cội nguồn của mình, không vương vấn gì với thế gian; ngôi mộ cũng bị bỏ hoang, không ai chăm sóc, viếng thăm gì nữa.
Các già làng kể, cách đây vài thập niên, người Xê Đăng còn giữ phong tục tắm gội trong cội nguồn nguyên thủy giữa mùa Ăn năm uống tháng. Dân làng cởi bỏ quần áo, để lại tất cả những gì của thế giới văn minh rồi kéo nhau vào rừng theo già làng sống đời sống nguyên thủy chừng mươi ngày, nửa tháng.
Vì là lần gặp gỡ cuối cùng nên Pơ thi được tổ chức linh đình vào mùa Tết khi mà thóc lúa đầy bồ, trâu được vỗ béo, ché rượu xếp hàng dãy quanh sàn nhà. Gia đình người chết mổ con trâu lớn, vài ba con bò, dê, lợn… để mời cả làng ăn uống linh đình trong nhiều ngày.
Các con vật đã mang ra hiến tế là giết thịt ăn hết, thịt dư không mang về nhà. Những gia đình giàu có, gia thế còn mời các làng lân cận sang dự và cùng ăn uống, nhảy múa, đánh chiêng suốt 7 ngày 7 đêm.
Trong ánh lửa bập bùng, những chàng trai ngực nở, bụng thon, da nâu chắc lẳn khom lưng đeo chiêng lên vai. “Bing beng! Bing beng!”… chiêng lên rồi. Sau vài bản dạo đầu để thăm dò, bắt nhịp, các chàng trai điệu nghệ hào hứng đọ chiêng, nói chuyện bằng chiêng, đối đáp bằng chiêng. Càng về khuya tiếng chiêng càng hư ảo, mê hoặc như kích thích hết bản năng sống.
Các đôi trai gái dìu nhau vào vòng xoang. Sơn nữ mắt sáng long lanh, áo ló vai trần, ngực căng tràn trề nhún nhảy nhịp nhàng theo tiếng chiêng. Những cú ra chân nhẹ nhàng, lắc hông uyển chuyển, những vòng tay mềm mại đung đưa.... Sau vài tuần rượu, nhiều cặp đôi lâng lâng, rạo rực, ánh mắt nhìn nhau đã tỏa men, núi rừng như nghiêng ngả.
Ở những góc khác, các cụ già người thì kể khan, người thì chok (tâm sự với hồn người chết). Dù kể hay nói đều vần có điệu, lên bổng xuống trầm, lúc nghẹn ngào như khóc, lúc lại ngân nga như hát. Một số cụ có thể nói nhớ nói thương, tỉ tê với hồn người chết cả ngày; nhiều người khác ngồi hàng giờ để thưởng thức, khen người này khóc hay, người kia hát dở.
|
Dựng tượng nhà mồ. Ảnh: TL. |
Già Plin còn cho biết ngay trước lễ Pơ thi, bà con họ hàng tạc nhiều bức tượng đặt xung quanh mồ để người chết khỏi cô đơn, hiu quạnh. Khi chọn gỗ để đẽo tượng phải kiêng kỵ nhiều thứ. Nếu đêm trước ngủ mơ thấy nhà cháy, bến nước cạn kiệt thì sáng hôm sau phải hoãn việc lấy gỗ; khi vào rừng lấy gỗ mà gặp rắn bò ngang đường thì phải quay về vì đó là điềm gở.
Trước kia, tượng nhà mồ thường được làm bằng loại gỗ tốt như hương, cà chít…nên dù phải hứng chịu nắng mưa, gió bão hàng chục năm, tượng vẫn vẹn nguyên. Nay, gỗ quý ngày càng hiếm nên phần lớn tượng nhà mồ được làm bằng các loại gỗ tạp.
Nghĩa địa thì hoang vắng nhưng thế giới tượng nhà mồ phong phú, sống động đến mức có lúc chúng tôi cảm giác như đang chứng kiến cảnh sinh hoạt của buôn làng. Hầu hết các bức tượng đều diễn tả trạng thái động với nhiều sắc thái biểu cảm buồn, vui, đau khổ, hạnh phúc và hoan lạc. Này đây là tượng chim cất cánh bay, hổ vồ mồi, ngực trần sơn nữ, giã gạo chày đôi, còn kia là thanh niên thổi kèn, phóng lao và cả những bức tượng nam nữ khỏa thân, ân ái…