Thật khó có thể tin, ở một xã, mà mỗi hộ gia đình đều có tiền tỷ, có những đại gia nông dân sở hữu những vườn sâm trị giá hàng trăm tỷ đồng, mà đường sá không có, hoàn toàn cuốc bộ. Trụ sở UBND xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam), vùng đất trồng nhiều sâm nhất và sâm ở đây có giá trị cao nhất, là ngôi nhà cấp 4 bằng gỗ xộc xệch, có tuổi đời 30 năm.
Con đường vào trung tâm xã cũng là đường mòn cuốc bộ. Có đoạn phải bước chân trên những hòn đá lội qua ruộng. Điều lạ nữa, là hàng năm, nhà nước vẫn phải chuyển gạo lên cứu đói. Đường sá quá xa xôi, nên dù sâm nhiều, mà vẫn đói, bởi trẻ con chẳng thể bẻ sâm ăn thay gạo.
Nai nịt gọn gàng, chúng tôi bắt đầu hành trình cuốc bộ từ UBND xã Trà Linh, đi sâu vào rừng Ngọc Linh, với khát vọng được nhìn thấy cây sâm mọc ở khu rừng ngàn tỷ. Đứng giữa những thửa ruộng bậc thang, Phó bí thư Đảng ủy Hồ Văn Bút chỉ tay bốn phía núi, chỉ những túm nhà như chuồng chim câu treo trên vách đá xanh thẫm, lảng bảng mây mù. Mỗi khóm dân cư túm tụm trên trời đó là một làng Xê Đăng.
|
Vườn sâm trồng trên núi Ngọc Linh. |
Vào đến cửa rừng, thì đoàn chúng tôi dừng lại. Lương y Phạm Văn Thanh, thầy lang nổi tiếng chữa bệnh dạ dày, vốn tính cẩn thận, nên thắp nhang ở lối vào rừng, bên tảng đá lớn chặn giữa đường.
Lương y Phạm Văn Thanh bảo, chẳng phải ngẫu nhiên mà núi Ngọc Linh cho ra đời loài sâm quý hiếm nhất thế giới. Sâm tiết trúc, cùng loài với sâm Ngọc Linh, giống hệt về hình thái, nhưng mọc ở dãy Hoàng Liên Sơn, thì không có nhiều giá trị. Trong nhà anh, có cả trăm bình sâm tiết trúc, nhưng anh chẳng dùng bao giờ.
Lương y Thanh tin rằng, núi Ngọc Linh ngoài khí hậu, chất đất, thì có lẽ còn có nhiều linh khí, và thứ linh khí, năng lượng đó bồi bổ cho loài sâm này, biến chúng thành thần dược. Vậy nên, trước khi vào rừng Ngọc Linh, anh thắp nhanh khấn vái thần núi, rồi vãi bát gạo trắng ra rừng.
Chúng tôi ngồi chờ ở ngã ba đường vào rừng, thì đột nhiên có hai người đàn ông nhỏ thó, khuôn mặt đầy vẻ nghi hoặc đi ra từ rừng. Với khuôn mặt lạnh, hai người đàn ông này đặt cho chúng tôi vô số những câu hỏi. Thậm chí, anh ta còn đòi giấy giới thiệu, chứng minh thư…
Mặc kệ Phó Bí thư Hồ Văn Bút giải thích, hai người đàn ông này vẫn phỏng vấn một hồi, rồi mới cho chúng tôi lên núi. Anh Bút giải thích rằng, từ đầu đường mòn đến các bản, có vô số "trạm kiểm soát" như thế. Từ bản vào rừng sâu, còn nhiều trạm kiểm soát nữa. Không những các trạm kiểm soát được phân công, mà tất cả người Xê Đăng sống ở núi Ngọc Linh đều là những "trạm kiểm soát" di động.
Quả thực, đi rừng nhiều, từng vào hầu hết các rừng quốc gia, khu bảo tồn, thậm chí rừng cấm linh thiêng của đồng bào miền núi phía Bắc, song tôi chưa từng thấy khu rừng nào được bảo vệ nghiêm ngặt như núi Ngọc Linh.
Hôm ở huyện, tôi được nghe các cán bộ huyện kể rằng, vào tháng 4, huyện Nam Trà My đã tổ chức cuộc chinh phục đỉnh Ngọc Linh. Mục đích của cuộc chinh phục, ngoài việc khám phá đỉnh núi, còn khảo sát địa hình, thu thập thông tin cho dự án ngàn tỷ trồng sâm Ngọc Linh. 40 năm qua, kể từ khi đất nước thống nhất, chưa từng có ai đặt chân được lên đỉnh Ngọc Linh.
>Người Xê Đăng vẫn vào rừng hàng ngày, sống như người rừng để trồng sâm, nhưng không ai dám lên ngọn núi này, bởi họ sợ thần rừng, thần núi linh thiêng.
Theo lời kể, để chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh, cán bộ xã Trà Linh đã phải mất mấy tháng trời tuyên truyền, thuyết phục bà con Xê Đăng ủng hộ, tạo điều kiện cho đoàn leo núi.
Đoàn chinh phục đỉnh Ngọc Linh gồm 30 người, gồm các cán bộ chủ chốt của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cán bộ xã, cùng với 30 người địa phương dẫn đường, phục vụ chuyến đi. Trong đoàn có cả công an, bộ đội để bảo vệ.
Thế nhưng, cuộc chinh phục đỉnh Ngọc Linh lẽ ra chỉ mất 5 ngày, thì phải mất trọn 10 ngày. Lý do không phải đường quá xa, quá khó đi, mà vì trong hành trình lên núi, đoàn công tác phải đi vòng nhiều đoạn.
Trong các cánh rừng đều có vườn sâm của đồng bào, mà đồng bào nhất định không cho cán bộ vào khu rừng có vườn sâm. Dù trong đoàn đều là cán bộ, với sự hộ tống của chính quyền địa phương, của cả người địa phương, cũng không qua được những khu rừng mà các hộ gia đình trồng sâm và nhận là của mình.
Trước khi lên núi Ngọc Linh, tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Văn Tùng, chủ quán tạp hóa kiêm quán ăn ở trước UBND xã Trà Linh và quá trình lang thang suốt mấy ngày trên núi, mới công nhận những điều anh kể là thật. Việc đồng bào Xê Đăng bảo vệ rừng sâm không khác gì lực lượng bảo vệ lãnh tụ.
Theo anh Tùng, có mấy đoàn Hàn Quốc tìm vào tận xã Trà Linh rất nhiều lần, chỉ mong được nhìn thấy cây sâm đang sống, được bốc một nắm đất ở vườn sâm mang về nước nghiên cứu, nhưng họ đều thất vọng quay về. Dù họ có trả bao nhiêu tiền, cũng không lên núi được. Họ sẵn sàng đầu tư rất nhiều tiền cho bà con trồng, rồi thu mua toàn bộ, nhưng họ cũng không làm nổi khi họ không được nhìn thấy cây sâm mọc trong rừng thế nào.
Điều khó tin hơn nữa, là dù đã sống ở Trà Linh hơn 10 năm, quen biết tất cả đồng bào Xê Đăng ở đây, anh Tùng vẫn chưa từng được nhìn thấy cây sâm mọc trong rừng. Anh Tùng là đầu nậu buôn sâm, buôn lá, cho bà con vay nợ bằng tiền, trả nợ bằng sâm, mà cũng không biết cây sâm mọc ở chỗ nào thì cũng thật buồn cười.
Theo anh Tùng, kỳ quặc hơn nữa, là bản thân anh hiện đang sở hữu 5.000 cây sâm, nhưng anh cũng không biết chúng mọc ở đâu (!?). Chuyện này kể ra, thật khó tin, nhưng có vào với đồng bào, thì mới tin đó là thật.
Anh Tùng sống ở Trà Linh đã lâu, thích mua đất rừng bao nhiêu cũng có, nhưng anh không trồng nổi, vì chẳng có ai ở rừng mà trông nom cho. Vậy nên, để có được vườn sâm, anh đã đầu tư mua 5.000 cây giống, và mua một "khu rừng hơi". Vài năm sau, cứ 5.000 cây giống, thì anh sẽ được đồng bào trả cho 5.000 củ sâm. Bán được bao nhiêu tiền, thì chia nhau theo tỷ lệ đã thỏa thuận trước. Coi như, anh Tùng đầu tư vốn liếng, bà con đầu tư công sức và cả hai bên đều hưởng lợi.
Để trồng được sâm, thì các nhóm phải lập thành các tổ, đội. Mỗi tổ, đội gồm vài thành viên đến 10, thậm chí 15 thành viên, là những người cùng làng, anh em ruột thịt, cực kỳ thân thiết, tin tưởng nhau. Những vườn sâm của nhóm phải nằm cạnh nhau để dễ bề bảo vệ, trông nom.
Mỗi ngày thường có 2-3 người thay ca nhau trông nom vườn sâm. Đêm thì số người trông nom tăng lên gấp đôi, gấp ba. Mỗi nhóm quản lý một khu rừng độc lập và các nhóm cũng không biết khu vực trồng sâm của nhau. Ở mỗi vườn sâm đều có lều, chòi canh gác. Có cả tivi, các thiết bị phục vụ thiết yếu cho cuộc sống. Điện được kéo từ máy phát lắp ở suối.
Một số người trong một nhóm đã trồng sâm thuê cho anh Tùng, tuy nhiên, anh Tùng lại không phải là người của nhóm, nên không được vào khu vực trồng sâm, dù "vườn sâm" của anh đã được 5 năm tuổi, đã thu hoạch hạt và sắp thu hoạch được củ.
Theo anh Tùng, sở dĩ, anh bỏ tiền tỷ để trồng sâm, mà không biết sâm của mình ở đâu, là bởi vì anh tin tưởng đồng bào Xê Đăng, những người sống bao đời sống trong rừng thẳm và rất thật thà, trọng nghĩa khí.