Với người dân tỉnh Hà Giang, nhiều người coi chàng thanh niên Vũ Mạnh Hà, Trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang là “hiệp sĩ”. Anh đã lặn lội đến từng bản, làng trong tỉnh để khám bệnh, mổ mắt cho hàng ngàn người dân. Với những cố gắng không ngừng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, Hà là người Việt duy nhất được vinh danh trong nhóm 10 nhà nghiên cứu khoa học trẻ xuất sắc nhất trong lĩnh vực nhãn khoa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010.
Đôi chân không mệt mỏi
Đã nhiều người viết về Vũ Mạnh Hà bằng những lời lẽ tốt đẹp cùng sự nể phục người thanh niên 34 tuổi đã dốc cạn tuổi xuân, cuộc đời mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân và nghiên cứu khoa học... Hà thường tự hào: “May mà ông trời ban cho sức khỏe tốt, thân hình to mập, vạm vỡ thế này nên chưa bao giờ tôi chùng bước khi vượt núi cao, ghềnh nhọn để đến với bà con”.
Nghe nói về anh cùng những giải thưởng tầm cỡ châu lục là vậy nhưng khi chứng kiến công việc của anh chúng tôi mới ngả mũ thán phục. Sáng sớm, Hà hẹn tôi đến Khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Mới sớm mai mà bà con dân bản từ khắp các huyện trong tỉnh đã vượt hàng trăm cây số đến đây để khám mắt. Thấy bệnh nhân dồn về đông, Hà buộc phải rời lịch hẹn sang gần trưa. Anh hô hào anh chị em bác sĩ cùng khoa lao vào “cuộc chiến” với bệnh tật như một dây chuyền hoạt động chuyên nghiệp, nhanh chóng, hiệu quả.
Người dân đặt giấy đăng ký khám bệnh lên bàn, một bác sĩ khác trong ca trực vừa khám bệnh vừa phụ trách khâu gọi tên theo thứ tự đăng ký, cứ một lượt khám cho ba bệnh nhân, nếu các bác sĩ khác trong khoa phát triện trường hợp bệnh tình phức tạp thì chuyển cho Hà giải quyết.
Theo lịch hẹn, gần trưa, chúng tôi đến phòng khám khoa Mắt gặp Hà, lúc đó anh đang xoay sở tít mù với công việc khám bệnh. Mặc dù nhiệt độ miền biên viễn xuống dưới 100C nhưng Hà vẫn phải cởi phăng chiếc áo khoác ấm, mồ hôi lấm tấm trên gương mặt của Hà cùng những bác sĩ khoa Mắt. Hà bảo: “Các anh thông cảm, chịu khó đợi tôi một chút, hôm nay bệnh nhân đông quá, mà bà con lại ở xa, mình cố gắng khám xong cho họ về, không nhỡ lại phải ngủ lại đợi chờ thì mệt mỏi lắm”. Nói rồi, Hà khom người, nheo nheo đôi mắt nhìn vào chiếc máy khám mắt cho bệnh nhân.
Sau buổi khám bệnh, Hà cùng đồng nghiệp đã mệt nhoài. Thế nhưng anh bảo: “Thấm tháp gì đâu! Nếu so với việc đi xuống bản khám bệnh cho bà con thì ngồi đây còn sướng gấp bội phần”. Thế rồi chúng tôi chìm đắm trong câu chuyện của anh cùng những bác sĩ chuyên khoa Mắt. Hà bảo: “Cuốc bộ hàng chục cây số, hay trèo núi lội sông để đến với bà con dân bản với chúng tôi là chuyện quá đỗi bình thường. Cái quan trọng là làm thế nào để tạo ra được một sự kết hợp mang tính pháp lí giữa các cơ quan chức năng để người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Mà cái này ở nhiều nước trên thế giới họ cũng bó tay. Điểm mấu chốt khó giải quyết nhất là làm thế nào để vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích cho Nhà nước và người dân”.
Nghe Hà nói, chúng tôi lại nhớ đến những lần đến lần lang thang đến các bản làng xa xôi tít tận đầu sông cuối núi, phải cuốc bộ hoặc đi ngựa suốt cả ngày đường. Ở đó bà con dân bản rất mong chờ những bác sĩ, tận tâm tận lực đến nơi để xua đuổi con ma bệnh tật ra khỏi người, khỏi bản... Rồi những mong ngóng của bà con không chỉ vùng cao nguyên đá mà ở cả nước đã được hóa giải nhờ khối óc, sự tận tụy của Vũ Mạnh Hà. Anh đã nghiên cứu thành công cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, bệnh viện và người dân, trong khi đó vẫn đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. Và cơ chế phối hợp này đã trở thành một trong những điểm quan trọng đưa anh tới giải thưởng danh giá là một trong 10 người được vinh danh về nghiên cứu khoa học trẻ trong lĩnh vực Nhãn khoa khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Với những nỗ lực của mình, Vũ Mạnh Hà đã được vinh danh là một trong mười gương mặt tiêu biểu nhất trong lĩnh vực Nhãn khoa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Chuyện sau giải thưởng
Ít ai biết, để giành được giải thưởng cao, Vũ Mạnh Hà đã phải mất hai năm để vừa nghiên cứu vừa đưa lí thuyết nghiên cứu ứng dụng vào thực tế cuộc sống vừa tự tay đi tìm nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu.
Một trong những ứng dụng đó là phương pháp mổ Phaco cho bà con nhân dân tỉnh Hà Giang. Với phương pháp này, người bệnh được mổ tán nhuyễn thủy tinh thể với vết mổ rất bé nên không phải khâu vá, vết mổ tự lành, thời gian hồi phục nhanh, bệnh nhân chỉ cần lưu lại bệnh viện sau mổ khoảng 6 – 7 giờ. Tuy nhiên, trang thiết bị công nghệ dùng để mổ mắt theo phương pháp Phaco thì chỉ bệnh viện tuyến trên mới có. Điều này gây ra gánh nặng cho tuyến trên, người dân đi lại tốn kém, chi phí cho hoạt động mổ, đi lại rất cao.
Vì phương pháp Phaco chưa được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam nên Vũ Mạnh Hà đã phải tiến hành nghiên cứu trên 200 bệnh nhân và theo dõi trong 3 tuần liên tiếp, để có kinh phí thực hiện, Hà đã phải bỏ tiền túi ra và nhờ sự giúp đỡ không công của đồng nghiệp, thầy giáo, và bệnh viện... Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp mổ Phaco ở cộng đồng đã mang lại hiệu quả cao, chi phí thấp và có thể ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng.
“Sau thời gian nghiên cứu, đến khi ứng dụng vào thực tiễn mình đã gặp nhất nhiều khó khăn. Đó là việc Bảo hiểm Y tế không đồng ý thanh toán tiền cho phương pháp mổ Phaco với lý do rằng, trong các văn bản, qui định của Chính phủ và Bộ Y tế chưa nhắc đến phương pháp này. Thứ hai là mổ bằng phương pháp Phaco tốn kém gấp 3 lần so với cách mổ truyền thống, thứ ba là chi phí quá cao gây gánh nặng cho phía bảo hiểm. Đúng lúc khó khăn đó thì Bộ Y tế trình Chính phủ Đề án 1816 về việc đưa bác sĩ tuyến trên xuống tuyến dưới mổ bàn giao kỹ thuật. Nhân tiện cơ hội này, tôi đã đề xuất phương pháp mổ Phaco tại cộng đồng với chi phí thấp. Với phương pháp này, bệnh nhân, đặc biệt là đối tượng nghèo không tốn tiền đi lại, không phải thuê trọ, giảm gánh nặng cho bệnh viện tuyến trên. Không ngờ đề xuất của tôi được chấp nhận và thành công. Từ đó, phía Bảo hiểm Y tế chấp nhận thanh toán bảo hiểm cho phương pháp mổ Phaco – điều chưa có tiền lệ”, Vũ Mạnh Hà tâm sự.
Khi nghiên cứu của Hà được ứng dụng thành công ngay lập tức đã trở thành mô hình đươc nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong nước. Không những thế, phương pháp kết hợp này còn được nhiều nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương áp dụng nhằm giúp người nghèo tiếp cận với phương pháp mổ mới hiệu quả hơn, trong khi chi phí lại giảm.
Hà lôi trong tủ sách ra cho chúng tôi xem công trình nghiên cứu dày cộp đã đưa anh đến bến bờ vinh quang. Hà bảo: “Những cố gắng của tôi còn nhỏ bé, tôi đang tiến hành những nghiên cứu khác có giá trị ứng dụng cao nhằm phục vụ bà con tốt hơn”.
“Hiện nay, mỗi năm tôi trực tiếp mổ mắt cho trên 3.000 bệnh nhân trong toàn tỉnh. Ngoài ra, tôi còn tổ chức một đội tình nguyện với hàng chục bác sĩ và thanh niên trong tỉnh đến những nơi xa xôi để khám chữa bệnh cho dân nghèo. Hoạt động ngày được duy trì hàng năm và thu hút được nhiều người hưởng ứng”.
Vũ Mạnh Hà
|
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU