Những câu chuyện trái ngược về một con người
Khi chúng tôi ghé vào chiếc thuyền vào nhà ông Thành, ông đang nằm nghỉ trên sàn và nghe nhạc. Thấy khách tới chơi, ông bật dậy pha trà. Khó có thể hình dung nổi người đàn ông trước mặt chúng tôi là trùm giang hồ một thưở như nhiều người nói về ông.
|
Ông Thành "sói" đang điều chỉnh âm thanh để nghe những bản nhạc ông yêu thích. |
Trên bức vách với nhiều mảnh giấy dán, có một bức ảnh chân dung ông Thành tuyệt đẹp đang uống trà, dáng vẻ nho nhã, trầm tư. Thấy chúng tôi khen bức ảnh, ông bảo: “Một nhiếp ảnh gia người Đức ghé thăm và chụp tặng tôi đấy!”
Khi hỏi về quê hương, ông kể ông sinh ra ở dốc Cầu Gỗ - Phường Vệ An - TP.Bắc Ninh, vợ con ông vẫn đang sống ở quê. Hỏi sao ông không về với vợ con thì giọng ông rủ rỉ xa xăm: “Sở dĩ vẫn bám vào bãi giữa mưu sinh là vì còn phải lo một số việc riêng. Trước đây tôi từng đi chiến đấu ở chiến trường từng tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 68 nhưng mất hết giấy tờ nên phải ở đây để thưa kiện và nhặt rác kiếm sống.”
Giọng ông Thành rủ rỉ liêu trai trong màn mưa và chòng chành sóng nước Sông Hồng chen lẫn những bản nhạc tình của Đức Huy, chẳng biết nên tin hay không tin, nhưng điều đó gần như cũng chẳng quan trọng với người đàn ông này.
Chỉ biết rằng ở bãi giữa này, ông Thành “sói” nổi tiếng với giai thoại: Sau năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được giới thiệu vào làm kiểm lâm ở một huyện miền núi của Nghệ An, vì cuộc sống khó khăn mà ông đã tham gia vào một số đường dây lâm tặc, chặt trộm gỗ quý tuồn ra thị trường. Bị phát hiện, người ta buộc ông thôi việc.
|
Bức ảnh đẹp được người nước ngoài chụp tặng ông Thành. |
Từ đó ông Thành rơi vào trạng thái chán nản, bất mãn nên ông câu kết, gia nhập với những nhóm lâm tặc khét tiếng một thời, ngang dọc khu vực miền Trung những năm 80 của thế kỷ trước. Dần dà, Nguyễn Văn Thành trở thành trùm lâm tặc khét tiếng với những "chiến tích" mà đến giờ nhiều người vẫn không thể quên.
Cho đến năm 1989, đường dây lâm tặc xuyên tỉnh do Thành "sói" cầm đầu bị Công an triệt phá. Nguyễn Quyết Thành bị tuyên phạt 20 năm tù, bị giam giữ tại Thanh Hóa sau chuyển sang Yên Khánh (Ninh Bình).
Năm 2001, do cải tạo tốt Thành “sói” được đặc xá ra tù trước thời hạn rồi phiêu bạt ra bãi giữa sông Hồng này để ẩn cư.
Mỗi lần kể chuyện, tuỳ theo tâm trạng mà ông Thành nói về những giai đoạn cuộc đời mình. Những câu chuyện của ông khó có thể kiểm chứng nhưng phải thừa nhận rằng, ông Thành “sói” là một người đặc biệt.
Đào hoa nên lâu lâu lại có vợ?
Khác với ông Thành (Thuỷ), hỏi đến ông Thành “sói”, những người trong xóm ngụ cư nơi bảo giữa ai cũng nhìn nhau cười đấy ý nhị. Họ bảo ông Thành có vợ trẻ và đào hoa lắm, lâu lâu lại thấy ông có “vợ”.
|
Ông Thành sống một mình trên thuyền. |
Người ta kể về chuyện ông nhặt được vợ trẻ cũng như li kỳ như… phim. Đó là có hôm ông Thành đi đánh cá thì thấy một người con gái nhảy xuống sông tự tử. Ông đã lao mình xuống cứu cô gái, sau khi vớt cô gái mới biết cô còn rất trẻ (mới 20 tuổi) và đang mang thai 4 tháng với một gã trai bội bạc. Ông Thành cho cô gái về sống chung và nhận làm cha đứa bé.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ ở xóm bãi giữa cho biết: “Người ta cứ trêu ông ấy nhiều vợ. Nhưng lâu nay chỉ thấy cái T với đứa con trai ở với ông là lâu lâu một chút. Nhưng hiện nay hai mẹ con nó cũng đi nơi khác rồi. Ông này tính hiền lành, phóng khoáng nên cũng có nhiều cô gái tìm đến ông tâm sự, hàn huyên. Đi nhặt rác được bao nhiêu tiền tích cóp lại, thấy cô nào khó khăn phàn nàn lại giúp người ta. Nhưng các cô cũng chỉ làm bạn chuyện trò vậy thôi cứ không có sự gắn bó gì, chắc cái số ông này phải thế, biết đâu.”
|
Nhà ông Thành "sói". |
Nhìn gia cảnh ông Thành, những đồ đạc trong nhà giản đơn, bừa bộn biểu hiện của một cuộc sống độc thân. Hỏi về vợ con, gia đình ông nói: “Tôi có 2 con giai, 1 con gái, chúng nó có gia đình ở quê hết rồi. Con trai tôi đã 50 tuổi rồi đấy, tôi còn có cháu nội, ngoại rồi. Thi thoảng chúng bắt tôi về nhưng tôi không thích, ở đây quen rồi”.
Chuyện ông Thành "sói" từng là một người lính hay chuyện ông Thành "sói" là một trùm giang hồ bây giờ trở nên không còn quan trọng nữa. Chỉ biết rằng người đàn ông trước mặt chúng tôi có vẻ mặt lương thiện, trong veo, ông tiếp chúng tôi bằng những tách trà nóng và tiếng nhạc du dương. Gặp ông để thêm một niềm tin rằng, cuộc sống dù truân chuyên khốn khó nhưng chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng về tình yêu, tình người.
Đĩa nhạc nhà ông Thành lại phát ra bài hát “Người tình trăm năm”, ông Thành “sói” trầm ngâm lấy điếu cày ra hút, lời bài hát vang lên.
Chúng tôi lên thuyền tiếp tục cuộc hành trình, còn ông Thành “sói” lại đội mưa đi họp tổ dân phố. Dáng ông nhỏ bé trong mưa khuất dần trên lối đi về phía bãi sông…