Sau vụ đại gia Tuấn Hùng và người dân thị trấn Thái Hòa sập bẫy của cặp “sư phụ - sư nương” từ trên trời rơi xuống, vùng Quỳ Châu ngày nay còn lưu truyền một câu chuyện về đại gia khác cũng ăn phải cú lừa tinh vi hơn.
Cả gia tài bỗng nhiên “bốc hơi” vì một chiếc còng số 8. Sau lần đó, các tay giang hồ khét tiếng như: Vi Văn Phong, Nguyễn Văn Đường... lần lượt sa lưới. “Đế chế đá đỏ” chính thức sụp đổ. Bình yên đã trở lại “thủ phủ máu”.
Khẩu K59 và chiếc còng số 8 oan nghiệt
Những năm cuối thập niên đá đỏ, Tú “khàn” làm nghề buôn bán gỗ từ Nghệ An ra Hà Nội. Trên đường về, sau khi giao lô hàng trót lọt, gã sơn lâm gặp một người con gái ăn mặc ra dáng thị thành, ngọt ngào xin đi nhờ xe về vùng đất đá đỏ Quỳ Châu (Nghệ An). Vốn có chút ga lăng, cộng với bản tính thật thà của gã dân quê, gặp gái trẻ thị thành, Tú vui vẻ nhận lời. Trên đường về, biết Tú là người địa phương, người con gái bèn nhờ lo chỗ ăn, chỗ nghỉ ở vùng đất mới.
Một kẻ sơn lâm quanh năm quanh quẩn đèo mây hút gió, nghe chuyện đá đỏ ở vùng đất quê mình hắn cũng tò mò liền nhiệt tình giúp đỡ nữ khách lạ lỡ đường. Sau vài câu chuyện đi vào lòng người, nữ khách chẳng nề hà nhờ Tú giúp luôn việc làm xe ôm, hằng ngày bỏ tiền thuê anh chàng buôn gỗ thật thà chở lên vùng bãi đá Châu Bình mua bán, kiêm luôn nhiệm vụ vệ sỹ.
Thời gian cứ thế trôi đi, tình cảm giữa hai người cũng bắt đầu nảy nở, nhưng... “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Họ trân trọng thứ tình cảm mà hai bên đều hiểu và bắt đầu đặt niềm tin vào nhau. Cô chủ trẻ sau những đêm ngồi sau xe đi mua đá đã sẵn sàng giao luôn túi tiền hàng trăm triệu đồng tiền vốn cho chàng sơn lâm thật thà giữ hộ mà không hề bận tâm.
|
Câu chuyện về chiếc còng số 8 và cú lừa tinh vi vẫn còn được nhiều dân buôn đá kể lại. |
Cầm số tiền lớn trong tay, Tú run rẩy. Đó là cả một gia sản đối với một kẻ làm thuê, thi thoảng "đánh dậm" ít quả lẻ như Tú “khàn”. Nhiều chuyến tháp tùng bà chị đi buôn, nhìn thấy sự lọc lõi của ả khi mua đá, "ra tiền". Thậm chí, nhiều chuyến hàng lớn, Tú còn trực tiếp dùng chiếc Atech (xe máy Thái Lan, thịnh hành lúc bấy giờ, giống chiếc Dream lùn ngày nay) chở bà chị xuống TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) bán hàng. Những chuyến hàng “đánh” xuống Vinh như vậy, bà chị rất rộng rãi chia chác cho thằng em siêng năng vài triệu đồng hoa hồng.
Nhìn thấy lợi nhuận của việc buôn đá đỏ cao gấp mấy lần những lần đánh gỗ thuê ra Bắc lấy công làm lãi, Tú bắt đầu thèm muốn. Đến lúc bà chị chỉ hơn mình vài tuổi đề nghị “chung vốn”, Tú về nhà góp sạch vốn liếng được 130 triệu đồng. Đôn đáo vay người thân bạn bè thêm 45 triệu đồng nữa, “hùn” cổ phần 50-50%. Tổng vốn hai người tròn 350 triệu đồng, quyết định đánh chuyến lớn.
Trước khi rời nhà, bà chị lịch thiệp giao toàn bộ vốn liếng hai người góp lại cho Tú giữ, vì Tú là đàn ông, lại quen thuộc đường sá. Cẩn thận khi ngồi lên xe, bà chị còn dúi vào thắt lưng Tú khẩu K59, kèm một băng đạn, gọi là để phòng thân. Vốn trải qua quân ngũ, Tú nhìn qua biết ngay là "đồ" dùng được và nhét vào thắt lưng. Trên đường đi, bà chị gái thủ thỉ: “Chị vẫn mang súng theo để phòng thân. Giờ hai chị em “chung xuồng”, chị giao cho em để còn phòng thân, lẫn bảo đảm an toàn cho số vốn”.
Trên đường từ Nghĩa Đàn lên vùng Châu Bình, quá trưa tới gần khu vực bãi đá, bỗng nhiên hai người mặc sắc phục ngành công an chặn đường yêu cầu kiểm tra hành chính với lý do, vừa có một vụ cướp xảy ra. Khi khám xét người Tú, phát hiện có một khẩu K59 trong người. Một chiếc còng số 8 bập vào tay, khóa nghiến Tú lại vào hàng rào ven đường, vì hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Khám xét bà chị đi cùng, không có tang vật gì khác, hai người chặn xe thả chị của Tú ra. Cầm 350 triệu đồng trong túi xách, một khẩu K59 tang vật, hai người “thi hành công vụ” dùng luôn chiếc Atech của Tú làm phương tiện đi tìm người bị hại vừa bị cướp để về đối chứng.
Từ trưa tới chiều muộn, Tú đành chịu đói, chịu khát bên hàng rào ven đường 48 chờ đợi. Cứ nghĩ rằng với hành vi tàng trữ vũ khí trái phép, sớm muộn những người đó cũng quay trở lại bắt giữ mình. Trời nhá nhem tối, những người đi nương về mới thấy tình cảnh tội nghiệp, chặt cành cây hàng rào giải thoát cho Tú. Mang theo chiếc còng số 8, Tú “khàn” tìm về Công an huyện Quỳ Hợp lẫn Công an huyện Nghĩa Đàn để tự xưng tội, tìm người bắt và thu vũ khí, cùng giữ tiền vốn của mình. Lúc này Tú “khàn” mới vỡ lẽ, chẳng có ai như Tú mô tả. Hỏi thăm về bà chị chẳng ai biết mặt đặt tên. Lúc đó, Tú mới ngã ngửa, toàn bộ số tiền tích cóp sau bao năm làm gỗ đã tan theo mây khói.
“Đế chế đá đỏ” sụp đổ
Những câu chuyện lừa đảo, cướp giết... ở “thủ phủ máu” vẫn tiếp diễn nhiều tháng ngày sau. Chỉ đến khi chuyên án vây bắt những ông trùm giang hồ đất Quỳ Châu (Nghệ An) được thành lập, “đế chế đá đỏ” mới bắt đầu suy tàn.
|
Bên cạnh các loại máy, dụng cụ khai thác, sự sống đã nảy mầm. |
Ngay khi Nguyễn Văn Đường – đệ nhị của băng cướp rừng xanh, tay súng thiện chiến và khát máu nhất dưới trướng Vi Văn Phong lẩn vào rừng, lực lượng công an bấy giờ mới gấp rút vào cuộc. Người trực tiếp bắt Đường ngày ấy là Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh. Hôm đó, sau khi nhận được lệnh từ trạm Cảnh sát kinh tế đặc biệt (trạm 34), ông một mình khăn gói cắt rừng tìm tung tích của tên tướng cướp. Sau khi cải trang lên đường, Thượng tá Chanh gửi lại nhà dân bản bộ sắc phục với lời nhắn: “Nếu chiều tối, tôi không về, thì có nghĩa là tôi đã thiệt mạng”. Gần một ngày cắt rừng, cuối cùng, ông cũng tìm ra tung tích của tên Đường khi hắn đang tìm đường tẩu thoát.
Trong vai một tay anh chị từ Quế Phong vừa lỡ giết người để cướp đá đỏ, cuối cùng, ông cũng lân la hỏi chuyện, tiếp cận được với Đường. Ngẫm tưởng người bạn cùng cảnh ngộ, Đường khoác tay ông Chanh (đang cải trang) tìm đường chạy trốn, kiếm nơi mới để tiếp tục dựng nghiệp. Trên đường lẩn trốn, lừa cho Đường sơ hở, ông Chanh một tay rút súng khống chế, tay kia đưa chiếc còng số 8 vào đôi tay lạnh lẽo của Đường. Hắn đã bị bắt cùng khẩu súng K54 lên sẵn đạn, hai quả lựu đạn gắn liền vào cạp quần.
Cánh tay phải của mình bị bắt, Vi Văn Phong trở nên cảnh giác hơn. Y thoắt ẩn, thoắt hiện như một bóng ma trên các khu rừng thuộc Quỳ Châu. Khi thì y trốn sâu trong rừng xanh, chỉ huy đàn em, lúc lại chui ra giữa bè nứa giữa sông để trốn. Không ít lần lực lượng công an tiếp cận được hắn, nhưng hắn liều lĩnh nổ lựu đạn và chĩa súng bóp cò liên tục, tìm cách tẩu thoát. Thế nhưng, rốt cục số phận của tên tướng cướp cũng kết thúc.
Khi đang ngất ngây khói thuốc phiện trong lán trại của Hiệp “ngất”, lực lượng công an ập đến, bắt sống y giải về trạm cảnh sát gần đó. Hai con sói già của giang hồ đá đỏ Quỳ Châu bị bắt, kết thúc chuỗi ngày làm mưa, làm gió ở “lãnh địa máu” Châu Bình. Cũng từ ngày đó, “đế chế đá đỏ” sụp đổ. Mảnh đất Quỳ Châu đã tìm lại vẻ yên bình vốn có của nó.
Dường như, sau một thời gian dài ngủ mê trong giấc mơ đá đỏ, nay sáng sáng, chiều chiều, người dân lên rẫy làm nương. Đêm đêm, họ không còn giật mình bởi những tiếng đạn khô khốc khạc ra từ những con “chó lửa”. Không còn cảnh sập hầm, chém giết tang thương. Ven đồi Tỷ, đồi Triệu, đồi Mồ Côi... dòng nước đỏ quạch, y như màu máu ngày nào, nay đã chuyển sang xanh. Khi được hỏi về thời đá đỏ, không ai quên, nhưng với họ mãi mãi chỉ còn trong hoài niệm.
Màu xanh bên những "giọt máu" của quá khứ
Chúng tôi rời ngọn đồi Tỷ trên con đường mòn dẫn ra QL48. Họa hoằn lắm mới gặp một người dân nơi đây đi chăn trâu hay lấy củi trong rừng ngang qua. Vẫn còn đó những chiếc gầu múc, máy sàng lọc đất đá ngổn ngang, nằm “đắp chiếu”, hoen ố cùng thời gian, như minh chứng cho một “đại công trường” đá quý vang bóng một thời. Xa xa, những ngọn đồi trọc đã được bao phủ bởi một màu xanh biếc. Bên cạnh các loại máy, dụng cụ khai thác nằm im một chỗ hơn 20 năm nay, chồi non đua nhau nảy mầm...