Theo ông Giàng Seo Chúng, hồi mới lấy bà hai thì cả ba vợ chồng ngủ chung một giường. Vui lắm, nhưng bây giờ thì tách ra hai giường...
Thương nhau thì ở với nhau
Ngồi ở một quán nước ven đường ở Phố Lu (Bảo Thắng), người ta cứ kháo nhau về người đàn ông này. Rằng, ông ấy đa tình lắm, bất chấp pháp luật nữa nên rước bà vợ hai về ở chung. Bà cả nhu nhược nên cho sống cùng. Câu chuyện cứ thế kéo dài, có lẽ không trừ những hư cấu lẫn những thêm thắt tầm phào.
Để tận mắt thấy, chúng tôi ngược Phố Lu lên xã Cốc Ly của huyện Bắc Hà để tìm cho ra sự thật. Con đường nhỏ dẫn lên cao nguyên trắng mùa này sương phủ kín hết bản làng. Hỏi, ai cũng biết về người đàn ông hai vợ, nhưng thái độ không như những lời kể dưới núi. Họ coi người đàn ông hai vợ này như “điển hình” lạ giữa cái nghèo sơn cước.
Một em nhỏ người Mông chỉ tay bảo, cứ đổ dốc xuống dưới thung lũng, thấy nhà nào đông vui nhất thì là nhà ông hai vợ. Quả thật, ngôi nhà nhỏ duy nhất dưới thung lũng là nơi mà ba vợ chồng người Mông đã ủ ấm, giúp nhau qua những mùa giá lạnh.
|
Ông Chúng và hai bà vợ. |
Người đàn ông cũng là chủ già đình có tên là Giàng Seo Chúng. Ông Chúng đã 60 tuổi nhưng vẫn còn săn chắc, khoẻ khoắn lắm. Ông chỉ tay sang người đàn bà thứ nhất, giới thiệu đó là vợ cả Sùng Thị Do rồi lại chỉ tay sang người vợ thứ hai là bà Thào Thị Gió.
Lúc này, hai bà đang ngồi cạnh nhau thêu chiếc váy. Ông Chúng nói lơ lớ tiếng Kinh nên tôi nghe câu được câu mất. Hai bà vợ cặm cụi thêu thêu dệt dệt, thi thoảng lại phá lên cười khi nghe chồng nói về mình, mặc cho ngoài kia tiếng gió rít luồn qua khe cửa rét lạnh.
Ông Chúng bảo: “Tao lấy vợ năm 1968 rồi sau đó đi lính, giải phóng xong tao về và có liền với bà cả 4 đứa con trai. Đến năm 2004, tao đi uống rượu ở chợ Cán Cấu, gặp bà Gió, thấy hoàn cảnh đáng thương nên đưa về làm vợ hai”.
Đưa bà hai về thì bà cả có cho không? Tôi hỏi – ông Chúng trợn mắt bảo: “Có chứ sao không. Tao bảo, cái Gió nó đáng thương lắm. Mình không cưu mang thì nó chết, thế là bà cả cười khì khì cho phép. Lại làm mâm cơm gọi là ra mắt bà lẽ với bản làng. Thương nhau thì về ở với nhau thôi chứ không tính toán gì đâu”.
|
Ông Giàng Seo Chúng. |
Ngày chẵn – ngày lẻ
Chuyện vì sao ông Chúng lại thương bà Gió và lý do gì để bà cả và các con không phản đối ông Chúng đưa bà hai về ở chung, tôi xin được kể sau. Xin kể trước một số riêng tư mà ông Chúng hồ hởi nói với khách:
“Hồi mới lấy bà hai thì cả ba vợ chồng ngủ chung một giường. Vui lắm, nhưng bây giờ thì tách ra hai giường rồi. Thứ hai, tư, sáu thì tao ngủ với bà cả. Thứ ba, năm, bảy thì ngủ với bà hai. Chủ nhật thì tao nghỉ, ngủ một mình cho nó lành”, nói rồi ông Chúng liếc mắt sang hai bà vợ cười ha hả. Hai bà cùng nguýt ông theo cách rất đáng yêu.
Ông Chúng kể một chuyện thật như đùa: “Hồi ba đứa tao ngủ chung, tao đè lên bụng bà này thì bà kia kéo xuống không cho. Tao bảo, cái ấy là của tao, tao cho ai thì người ấy được chứ. Thế là hai bà vợ phải chịu, vì tao nói có lý. Người ta hỏi tao dùng thuốc gì? Tao trả lời là chẳng có thuốc gì. Chỉ có tình yêu mới đem lại sức khoẻ mà thôi”, hai bà vợ nghe chồng nói thế thì lại lườm một cái, tủm tỉm cười.
Ông Chúng khoe: “Từ ngày có bà hai về, kinh tế gia đình phát triển mạnh lắm. Tao nuôi gà, nuôi lợn, nuôi trâu bò và mở một cửa hàng tạp hoá nữa. Nương đồi nhiều nên ngô sắn cũng không thiếu. Hai bà vợ lúc nhàn hạ thì thêu thùa, mùa vụ thì cùng nhau lên rẫy. Chúng tao sống chung với nhau từ năm 2004 cùng 4 đứa con và hơn 20 đứa cháu mà chưa một lần cãi nhau”.
|
Bữa cơm gia đình ông Chúng |
“Cú nhả ao tô ihoả”
Ông Chúng bảo: “Tao không phải là người lăng nhăng nhưng hoàn cảnh bà hai thương quá nên tao đưa về làm vợ. Bà Gió đã có một đời chồng tên là Ma Lẹo Phù. Vì hay bị chồng đánh đập nên bà Gió phải bỏ đi. Bà ấy cũng có 3 đứa con, một đứa đã vào tù vì tội buôn bán người. Nếu tao không đưa bà ấy về làm vợ, chắc chắn bà ấy sẽ tìm đến lá ngón”.
Năm 2004, sau khi ông Chúng đưa bà Gió về làm vợ hai, chồng cũ của bà là ông Phù đến tận nơi đòi 10 triệu tiền cưới trước đây. Ông Chúng dù nghèo, cũng phải chạy vạy đủ số tiền để đưa cho Phù theo đúng luật tục. Từ ấy, bà Gió coi mình như trâu như bò trong nhà ông Chúng. Nhưng ông Chúng bảo bà Gió: “Mình không được làm thế, vì mình là người chứ không phải là trâu bò”.
Ông Chúng nói tiếp: “Biết là việc đưa bà ấy về làm vợ hai là trái pháp luật. Nhưng nếu để bà ấy chết thì không đành cái bụng. Nếu người ta bắt phạt thì tôi cũng chịu vậy thôi, “cú nhả ao tô ihoả” mà (tôi yêu cả gia đình – tiếng Mông)”.
Trưởng bản Thẩm Phúc, ông Sùng Seo Sành nói rằng: “Gia đình nhà Chúng rất hoà thuận, không bao giờ cãi nhau. Biết là việc ông Chúng có hai vợ là vi phạm pháp luật nhưng nếu đem ra xử phạt thì bà Gió sẽ chết chứ không để ông Chúng liên luỵ đâu”.
Hôm đó, cao nguyên trắng vào đợt rét đậm, ngoài trời mưa phùn gió bấc khiến bản làng rúm ró trong sương. Tôi ở lại dùng bữa cơm trưa cùng gia đình ông Chúng. Hai bà vợ ngồi bên nhau, thỉnh thoảng lại gắp thức ăn cho nhau xem chừng rất quý mến. Bốn người con của ông Chúng cũng gọi bà Gió là mẹ và tất thảy hơn 20 đứa cháu cũng gọi bà Gió là bà.
Tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết chúc gia đình ông Chúng ấm no, hạnh phúc theo tiếng của người Mông: “Nhả tri xu sào nàu năng su”.
“Chuyện ông Chúng có hai vợ đã nổi tiếng khắp đất Bắc Hà này rồi. Người Mông vốn rất chung thuỷ nên chuyện ông Chúng có hai vợ cũng có lý do riêng, rất khó xử. Chính quyền xã không bao giờ cổ suý đa thê nhưng gia đình ông Chúng rất hoà thuận, vợ chồng con cái yêu thương nhau lắm”.
Ông Hoàng Đình Kính (Chủ tịch UBND xã Cốc Ly)