Trên đỉnh Trường Sơn quanh năm ẩm ướt mây mù, có một ngôi làng mà nơi đó cộng đồng Mơ Nâm - một trong những dân tộc ít người nhất nước ta đã chọn lập làng giữa lưng chừng núi. Ở đó, tôi được nghe kể nhiều chuyện lạ, trong đó thú vị nhất là chuyện bắt chồng.
Vừa bỏ bú mẹ đã… lấy vợ
Khi chúng tôi tìm danh sách những người lớn tuổi của xã Đắk Long (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã chỉ cho chúng tôi một cái tên ở làng Kon Rẫy: Bà Y Noang. Y Noang năm nay bước qua tuổi 70, đã trở thành hội viên hội người cao tuổi của xã Đắk Long được 15 năm nhưng điều đặc biệt là A Giỗ - chồng Y Noang thì vẫn còn… trai trẻ.
Câu chuyện “cưới hỏi” của vợ chồng này, cho đến giờ kể lại vẫn khiến người Mơ Nâm ở làng Kon Rẫy không nhịn được cười.
|
Cặp vợ già, chồng trẻ Y Noang và A Giỗ. Mặc dù chênh lệch tuổi nhưng những cặp vợ chồng người Mơ Nâm vẫn sống hạnh phúc. |
Đinh Tố Gỗ - người chú của A Giỗ ngồi bệt giữa nền nhà giơ bàn tay lên quá đầu mình để tả lại dáng vóc người của cháu mình lúc bị Y Noang bắt về làm chồng: “Hồi đó nó 15 tuổi, nhỏ xíu, đứng ngang cỡ vai của mình thôi mà đã “bị” bắt rồi. Nó đang theo một chương trình xóa mù chữ nhưng cứ đi học về là vạch áo mẹ ra bú, tối đến thì bị Y Noang qua bắt về làm chồng”.
Nghe người chú kể lại chuyện của mình, A Giỗ ngồi bên cạnh cũng cười hồn nhiên: “Hồi đó khổ quá mà, làng này còn tăm tối lắm, cơm làm gì có mà ăn, lại chiến tranh nữa. Việc bú mẹ là do thói quen thôi, chứ mẹ làm gì còn sữa”.
Ngoài tập tục bắt chồng, ở Mơ Nâm còn có nhiều chuyện lạ khác như: Quan niệm trâu bò nuôi lớn lên là để mổ ăn thịt, cày ruộng dẫm đất là việc của con người. Hạt lúa làm ra phải trải qua bốn năm lần cúng, hạt lúa cũng có linh hồn. Công dân của làng sống bằng hạt cơm rẫy, uống rượu cần, sống một cuộc đời nghèo khó, nhẹ bâng như hồn cây ngọn cỏ mà sống thọ trăm tuổi là chuyện bình thường.
Chuyện của Y Noang và A Giỗ lấy nhau được cả hai vợ chồng kể lại do cha mẹ sắp đặt. Cùng làng với nhau, khi đó Y Noang đã gần 40 tuổi. Nhà nghèo, chiến tranh đói khổ liên miên. Trai làng đi bộ đội hết nên Y Noang sống qua tuổi đẹp nhất của người con gái mà không “bắt” được chồng, phải dựng lều ở một mình ngoài bìa rẫy. Thế rồi “một ngày đẹp trời”, bố mẹ cùng “cô gái xuân xanh” Y Noang mang heo, gà, kéo bà mai đến nhà đặt vấn đề: “A Giỗ phải nghỉ học, tách vú mẹ để theo Y Noang về làm chồng”. Có vợ một cách “choáng váng”, chàng trai Mơ Nâm phải cúi đầu nuốt nước mắt lẳng lặng về làm rể.
A Giỗ và Y Noang không phải là cặp vợ chồng thua tuổi duy nhất trong làng. Ở Kon Rẫy, có hàng chục cặp vợ chồng cũng chung hoàn cảnh như thế. Như A Ẻo, năm lên 14 tuổi cũng bị Y Xeng - lúc đó đã 33 tuổi đến bắt về làm chồng. Lạ lùng hơn nữa, lúc đến bắt A Ẻo, Y Xeng đã qua một đời chồng, có hai đứa con bồng bế trên tay. “Con trai mình phải theo vợ về làm chồng thôi, không chống lại được đâu. Lúc đó, mình cũng còn nhỏ quá, chưa biết yêu là gì, thấy người ta bảo về làm lễ cúng để thành vợ chồng thì cũng làm theo vậy thôi chứ có biết gì đâu”, A Ẻo gãi đầu khi nhớ về ngày bị vợ bắt.
Chồng gọi vợ là… chị
A Ẻo cho biết, như bao cặp vợ chồng khác, do thua vợ nhiều tuổi nên không gọi vợ là em mà là… chị. Chênh lệch tuổi tác, đến với nhau theo luật tục của buôn làng nhưng mấy chục năm chung sống, Ẻo và Y Xeng vẫn bên nhau, sinh con đẻ cái. Hai vợ chồng vẫn nuôi đứa con riêng của Y Xeng như chính giọt máu của mình, chẳng nặng lời với nhau bao giờ.
A Giỗ nhớ lại, khi bị Y Noang bắt làm chồng, ông còn rất dại. Nhưng cũng vì vậy mà Giỗ được Noang rất cưng chiều. “Noang giặt áo cho mình, giặt quần cho mình, nấu cơm cho mình, đi làm rẫy cùng mình rồi sinh con đẻ cái. Giờ hai vợ chồng có 6 đứa con rồi nhưng ít khi cãi nhau lắm”, A Giỗ khoe. “Thế khi cãi nhau, ai là người phải nhường nhịn?” - chúng tôi hỏi. A Giỗ hồn nhiên: “Tất nhiên là mình rồi, mình ít tuổi hơn mà, Y Noang là… chị mà, mình phải nhịn chứ!”. Y Noang ngồi bên nghe chồng kể chuyện bảo: “Ông bà chọn mình là vì sợ, nếu lấy vợ trẻ, đến lúc Giỗ sẽ già đi, vợ sẽ chê”.
Quả thật, ông Đinh Tố Gỗ xác nhận, đàn ông Mơ Nâm rất sợ mình già trước vợ và thật xui xẻo nếu bị vợ chê, rồi vợ sẽ sinh ra rượu chè bê tha, thậm chí bị… vợ bỏ. Theo ông Gỗ, việc chồng thua kém vợ về tuổi tác này bắt nguồn từ một quan niệm xưa cũ của người Mơ Nâm là theo chế độ mẫu hệ, con gái được xem trọng hơn con trai. Vì thế, khi lập gia đình, người phụ nữ cũng có quyền lợi và nhiều đòi hỏi hơn người đàn ông.
Giống A Ẻo - Y Xeng, cũng như nhiều cặp vợ chồng khác ở Mơ Nâm, A Giỗ và Y Noang luôn xưng hô một cách… rất có trật tự là “chị - em”, trong suốt mấy chục năm lấy nhau. Cách xa nhau hàng chục tuổi, nhưng cuộc sống lam lũ, vất vả đã khiến A Giỗ sớm già đi. Ngồi bên nhau trước ngôi nhà gỗ, cũng như bao cặp vợ chồng khác, nhìn bề ngoài thật khó để thấy độ chênh lệch tuổi tác giữa A Giỗ và Y Noang, dù cho Y Noang lưng đã còng và tóc bắt đầu bạc, nhiều cái răng đã rụng xuống đất rồi trong khi A Giỗ vẫn đi rẫy và mạnh bạo như một chàng trai.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn Youtube):