Ca sĩ Randy và cuộc kiếm tìm người mẹ Việt

Google News

Năm 1992, trong làng giải trí cộng đồng người Việt ở Mỹ bất ngờ xuất hiện một chàng trai Mỹ đen tên Randy có giọng ca buồn ảo não.

Năm 1992, trong làng giải trí cộng đồng người Việt ở Mỹ bất ngờ xuất hiện một chàng trai Mỹ đen tên Randy có giọng ca buồn ảo não. Giọng ca của anh đã đưa ca khúc "Nó" chu du khắp cộng đồng người Việt trên thế giới, về tận các miệt vườn Việt Nam…

Giọng ca mộc, không trau chuốt như lời tự sự trào ra từ cõi lòng của Randy đã khiến những khán thính giả phải rơi nước mắt. Giai đoạn đó, hầu như đi đâu người ta cũng nghe giọng anh nỉ non: "Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ…".

Từ đầu năm 2012, người ta thấy bóng anh thấp thoáng khắp các đường phố Hà Nội, Quảng Nam, TP HCM để… tìm người mẹ ruột và cội nguồn bí ẩn của mình. Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi gặp được anh tại phòng trà ca nhạc Tiếng Xưa tại TP HCM. Anh đã dành cho chúng tôi một ngày trò chuyện về thân phận của mình.

Nuỗi buồn con lai

Chuyến về Việt Nam lần này là chuyến thứ 4 trong hành trình tìm cội nguồn bí ẩn của Randy - ca sĩ mang hai dòng máu Mỹ - Việt. Chuyến đầu tiên vào năm 2007. Chuyến này, anh đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đúng vào ngày giao thừa tết Dương lịch 2011-2012.

Ca sĩ “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ” tìm người mẹ Việt
 

Từ khi bắt đầu nhận biết mình tồn tại trên cõi đời này, anh đã thấy mình mang tên Trần Quốc Tuấn và đang sống trong một cô nhi viện của nhà thờ. Như bao đứa trẻ mồ côi khác, anh sống những ngày ấu thơ vô ưu trong vòng tay thương yêu của những dì sơ. Mặc dù có cái tên Việt chính thức trong khai sinh là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1971 nhưng anh vẫn lờ mờ nhận ra gốc gác hai dòng máu Mỹ - Việt của mình qua lời nói của những người xung quanh: "Đó là thằng nhóc lai Mỹ đen".

Theo chính sách của Viện mồ côi, các dì sơ tìm cho anh một gia đình nhận làm con nuôi. Cuối năm 1975, một gia đình nông dân ở thôn 3, Cẩm Hà (nay là Thanh Hà), Hội An đã nhận nuôi anh. Người mẹ nuôi tên Nguyễn Thị Nữ và cha nuôi tên Nguyễn Húy. Họ có tất cả 7 người con gồm 5 trai 2 gái nhưng không hiểu sao, tất cả những người con trai trong gia đình này đều chết non. Họ xin nhận anh làm con nuôi để khỏa lấp nỗi đau mất con. Dù mang tiếng là con nuôi nhưng anh chỉ được phép gọi mẹ nuôi bằng "thím" và cha nuôi bằng "chú".

Thời điểm đó, đất nước đang trong giai đoạn phục hồi, nền kinh tế bị khủng hoảng do di chứng chiến tranh, nhiều gia đình khu vực nông thôn thiếu đói. Do cái nghèo cái khó bủa vây, bà mẹ nuôi phải lãnh bò về cho anh chăn thuê để kiếm thêm tiền gạo. Do mặc cảm thân phận con lai, anh mang ý nghĩ mình như một người ngoài hành tinh lạc loài giữa trái đất nên anh tự xa lánh mọi người, chui rúc vào rừng hoang, ruộng vắng, buồn một mình.

Đến năm 1983, khi nghe tin Chính phủ Mỹ có chính sách cho những gia đình nuôi con lai Mỹ ở Việt Nam nhập cư. Một gia đình người Hoa ở Hội An muốn nhập cư Mỹ nên đề nghị mẹ nuôi giao anh cho họ nhận làm con nuôi. Đổi lại, họ trao cho mẹ nuôi anh 3 cây vàng. Đang vật vã với cái nghèo, cái khổ, người mẹ nuôi đồng ý giao anh. Anh nhập hộ khẩu vào gia đình người Hoa này để hợp thức hóa thủ tục xin di trú vào Mỹ. Dù nhận làm con nuôi nhưng gia đình người Hoa này hoàn toàn không có chút thiện cảm nào với anh. Để chứng minh "công nuôi dưỡng", họ cho anh đi học.  Đến năm 1987, lại có nguồn tin cho biết Chính phủ Mỹ bỏ chính sách nhập cư trẻ lai, gia đình người Hoa này cho rằng mình "đầu tư nhầm chỗ" nên không cho anh đi học nữa. Họ hoàn toàn bỏ mặc anh. Mang nỗi mặc cảm, tự ti thân phận anh lang thang đi tìm việc làm thuê để tự nuôi sống mình.

Anh xin vào làm thuê cho một xưởng chế biến xì dầu để có cơm ăn, chỗ ở và nhận chút tiền lương. Năm 1987, cha nuôi anh bị chứng ung thư bộc phát. Lần đầu tiên đem món tiền làm thuê về thăm cha nuôi, anh rất hạnh phúc. Trong cơn đau, cha nuôi muốn được ăn tô bún bò. Anh dùng đồng tiền của chính mình đi mua bún bò cho ông. Ông vừa ăn vừa khóc vì sung sướng. Đang ăn, ông ho ra máu rồi qua đời.

Đến năm 1990, gia đình người Hoa tất tả đi tìm anh về vì có thông báo chính thức từ Đại sứ quán Mỹ. Anh cùng gia đình người Hoa này được sang California định cư. Những tưởng chính phủ của "quê cha" sẽ dang tay chào đón giọt máu của những người "chết vì lá cờ Mỹ", không ngờ, họ chẳng đoái hoài gì đến thân phận của hơn 20.000 đứa trẻ lai ở chiến trường Việt Nam. Anh chỉ nhận được tấm "thẻ xanh" như những người lưu vong khác. Khi gia đình người Hoa đã đạt được mục đích, thì họ cũng chẳng thiết đoái hoài đến anh nữa.

Theo quy chế, hàng tháng Chính phủ Mỹ trợ cấp cho gia đình người Hoa đó một khoản tiền tính theo số đầu người. Họ sòng phẳng trao cho anh 220 USD. Anh phải trả 100 USD cho gia đình này để được ngủ ở phòng khách, 80 USD còn lại cho tiền ăn.

 

Lạ khí hậu, anh đổ bệnh nhưng không ai chăm sóc. Nằm bẹp gí trong căn phòng khách cô đơn, nhớ về quê mẹ Việt Nam, anh khóc tủi thân một mình. Lạc lõng giữa đất Mỹ, anh lại muốn quay về quê mẹ nhưng không thể. Sau 7 tháng làm quen môi trường mới, anh tự mò mẫm đi làm hồ sơ xin nhập học. Nhờ bản tính hòa đồng, thân thiện anh có được nhiều bạn bè ở ngôi trường này.
 
Năm 1992, anh tham gia một cuộc thi karaoke có 80 thí sinh và đạt được giải khuyến khích. Phấn khích, anh tiếp tục tham gia cuộc thi hát karaoke được tổ chức ở quán cà phê Văn - California, lần này anh đã đoạt giải nhất với ca khúc "Lần đầu cũng là lần cuối". Giọng ca lạ, u buồn của anh đã thu hút sự chú ý của một nhạc sĩ (nay đã qua đời). Nhờ sự giới thiệu của nhạc sĩ ấy mà anh được Trung tâm Hải Âu ký hợp đồng mời hát. Trung tâm Hải Âu giao cho anh ca khúc "Nó". Lần đầu tiên thể hiện ca khúc này, anh cảm nhận được "thằng bé" mồ côi trong nhạc phẩm chính là thân phận thật của mình. Đồng cảm với ca khúc, anh đã hát như khóc than cho chính số phận con lai của mình. Những uất ức, buồn tủi ứ đọng từ thuở ấu thơ tràn hết qua giọng ca của anh. Những người lần đầu nghe anh hát đều rơi lệ thổn thức. Có người đã ôm lấy anh khóc òa.

Bìa đĩa CD mới của ca sĩ Randy thực hiện tại quê mẹ.
Bìa đĩa CD mới của ca sĩ Randy thực hiện tại quê mẹ.

Kiểu hát tự sự bằng giọng mộc, tự do phiêu, không cầu kỳ của anh đã khiến làng ca nhạc Việt ở hải ngoại có thêm màu sắc mới. Anh bắt đầu xuất hiện thường xuyên ở các sân khấu ca nhạc Việt ở Mỹ. Ở buổi hát nào anh cũng chọc vào tuyến lệ của người nghe.

Sau đó, anh cùng nữ ca sĩ Mỹ Huyền song ca nhạc phẩm "Ai cho tôi tình yêu". Hai giọng ca buồn gặp nhau đã trở thành một hiện tượng mới. Trung tâm Hải Âu thực hiện độc quyền với anh 6 album đơn ca và 3 album song ca với ca sĩ Mỹ Huyền. Sau này, anh được một số ca sĩ khác như Tuấn Vũ, Phượng Mai, Ngọc Sơn mời hát chung… Thời điểm vàng son, trung bình mỗi tháng anh thu nhập khoảng 20.000 USD. Đời anh rẽ sang trang mới, đầy ánh hào quang.

Không còn vật lộn với miếng ăn, chỗ ở nữa, anh có thời gian để nghĩ đến quá khứ của mình. Câu hỏi "mẹ là ai ở quê nhà" bắt đầu trào dâng trong tâm khảm anh. Những đêm cô đơn quạnh hiu, anh tưởng tượng mẹ ruột của mình là một bà lão mặc áo bà ba, tóc sương, hiền hậu. Cứ mỗi dịp đến ngày Mother’s day, anh thèm được tặng quà cho mẹ như mọi người. Nỗi day dứt ấy xui khiến anh tự sáng tác một ca khúc về mẹ. "Cuộc đời tôi nơi đây, bước chân trên đường xa lạ. Dù là nơi quê cha, vẫn mang nhiều chua xót... Ôi nói sao cho vừa, bao nhớ nhung trong tim tràn dâng...".

Anh đến với nghiệp hát như một sự tình cờ của số phận. Anh không có chút kiến thức nhạc lý khi đã đăng quang trên sân khấu. Vì thế, ca khúc "Mẹ" của anh cũng chỉ nằm trong ý tưởng sáng tác. Anh quyết định đi học một lớp nhạc lý căn bản tại trường Golden West để có thể tự sáng tác. Đến năm 2000, anh mới hoàn chỉnh ca khúc "Mẹ". Ca khúc "Mẹ" của anh lập tức được nhiều người đón nhận. Ca khúc này anh sáng tác bằng tất cả nỗi niềm khát khao của một đứa trẻ mồ côi.

Dù sống trên đất Mỹ, anh chưa bao giờ có ý định tìm cha mình là ai, mặc dù, chuyện đó hoàn toàn không khó. Ở Mỹ, muốn tìm cha, anh chỉ việc đến Trung tâm lưu trữ hồ sơ lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam thử ADN là có kết quả. Nhưng anh không làm. Anh hận cuộc chiến tranh của quê cha đã tạo ra những nghịch cảnh ở quê mẹ. Anh căm ghét cái giả dối, đạo đức giả của chính phủ quê cha lúc bấy giờ, với ý nghĩ: "Họ thực hiện các chính sách đón con lai để kiếm phiếu bầu của cử tri chứ họ không hề đoái hoài đến số phận của những con người này". Trong anh chỉ có duy nhất tình yêu quê mẹ đã cưu mang đùm bọc anh từ thuở lọt lòng. Anh hướng lòng về quê mẹ trong những ca khúc buồn và tự hứa sẽ về Việt Nam tìm mẹ ruột.

Dấu tích ở viện mồ côi

Chân dung mẹ nhà ngoại cảm vẽ giúp Randy.
Chân dung mẹ nhà ngoại cảm vẽ giúp Randy.

Trở thành ca sĩ nổi tiếng, anh đi diễn khắp các cộng đồng người Việt trên thế giới. Sau mỗi lần hát xong, anh luôn nhắn nhủ lời tìm mẹ với khán giả. Nhiều lần anh tự hỏi rồi tự trả lời với lương tâm mình: Điều tôi cần duy nhất trong đời này là chính thức một lần gặp mẹ, được cảm nhận tình cảm máu mủ ruột rà.

Năm 2007, sau nhiều lần thu xếp, anh quyết định về Việt Nam tìm về cội nguồn thật của mình. Nơi đầu tiên anh tìm đến là nhà mẹ nuôi đã hơn 80 tuổi để hỏi thăm một số thông tin về gốc gác của mình.

Lần theo thông tin của mẹ nuôi, anh đến Viện mồ côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Sơ Diệu Thới ở Viện Thánh Tâm đã đặt trước mặt anh một quyển sổ ghi chép khá dày. Anh và sơ dò tìm suốt ngày mới tìm ra cái tên Trần Quốc Tuấn của anh. Theo ghi chép, anh sinh vào ngày 25/1/1971 tại Bệnh viện Hải Châu, Đà Nẵng. Một tháng sau, tức ngày 26/2/1971, chính mẹ ruột của anh mang anh đến gửi vào Viện. Tiếc rằng, tên mẹ ruột của anh không được ghi vào sổ. Bí mật này, có lẽ bà sơ ghi chép nắm giữ, nhưng bà đã qua đời. Cũng theo thông tin trong sổ ghi chép, ngày 15/11/1975, anh được giao cho người mẹ nuôi mà anh biết.

Sơ Diệu Thới phân tích, tất cả những đứa trẻ mồ côi không lai lịch, khi đến Viện đều được mang tên lót là "Bảo" và mang họ của người tiếp nhận. Riêng anh mang tên lót là "Quốc", chứng tỏ, khi vào Viện, anh đã có tên sẵn do chính mẹ ruột đặt cho. Điều đó cho anh chút hy vọng mong manh rằng, mẹ anh đang sống đâu đó trên đất nước Việt Nam và anh vẫn còn có cơ hội tìm gặp mẹ. Nhưng những dòng chữ ít ỏi lưu trong sổ, không hề có chỉ dấu nào để anh lần ra tông tích người mẹ. Anh bật khóc như đứa trẻ bị số phận đời chối bỏ. Anh còn khóc vì lần đầu tiên biết thân phận, gốc gác thật của mình.

Anh đi tìm nhà ngoại cảm Đoàn Việt Tiến với hy vọng mong manh. Nhà ngoại cảm cho biết, mẹ anh đã chết. Qua khả năng của mình, nhà ngoại cảm Đoàn Việt Tiến đã vẽ chân dung mẹ cho anh. Đi đâu anh cũng mang bức ảnh này theo. Nhà ngoại cảm hứa sẽ tìm mộ mẹ cho anh. Trong tâm khảm mình, anh không tin mẹ đã chết mà bà vẫn sống đâu đó trên đất nước Việt Nam này. Chính sự khao khát về mẹ đến vô bờ như vậy nên mỗi lần về Việt Nam anh vẫn mòn mỏi kiếm tìm…

Sau 4 lần về Việt Nam, chuyến này, anh dự định ở lại 2 năm để tìm cho ra tông tích mẹ.

Randy chia sẻ: "Tôi vẫn tin rằng, khi giao tôi cho Viện cô nhi, mẹ tôi rất khổ đau. Có lẽ do áp lực gia đình, áp lực chiến tranh, mẹ tôi buộc lòng phải làm thế. Nếu mẹ nhẫn tâm, có thể mẹ bỏ tôi đâu đó ngoài đường. Mẹ mang tôi đến tận Viện cô nhi, tức là mẹ mong tôi được các sơ chăm sóc tốt, sống nên người".

Anh tự hào về dòng máu Việt trong huyết quản của mình, thế nên trong tất cả các sáng tác của mình, anh đều hướng về quê mẹ. Ca khúc "Ước gì cho quê hương" là nỗi lòng thật của anh dành cho quê mẹ: "Ước mơ ngày trở về quê mẹ hiền tôi thương nhớ. Đường làng cây đa đó có bao giờ tôi quên. Ta cùng nhau ước cho quê hương hết những nhọc nhằn, cho mọi người ta thương ta mến…"

Theo Nông Huyền Sơn
CAND

 

Bình luận(0)