Thay vì quy định giá đất bồi thường phải “sát với giá thị trường”, Dự thảo Luật Đất đai mới được sửa đổi thành “phù hợp với giá thị trường”.
Tại hội nghị đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai sáng 9/10, các chuyên gia nhận định với thay đổi này thì người sử dụng đất cũng không thể nghĩ tới chuyện công bằng khi bị thu hồi đất.
Đền bù cần có sự thỏa thuận
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đặt câu hỏi: Thế nào là giá đất phù hợp với giá thị trường? “Sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người theo vị trí, lợi ích của mình mà có cách hiểu khác nhau. Khái niệm này không không rõ ràng, không minh bạch và không thống nhất” ông Tuấn nhận định.
|
Người dân bị mất đất cắm lều phản đối dự án ngay trên dự án đường cáo tốc Nội Bài –Lào Cai |
Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, giá đất đền bù thấp là nguyên nhân chính dẫn tới việc gia tăng người dân khiếu kiện tố cáo. “Mọi người cứ tranh luận có nên bỏ hay không bỏ giá khung của Chính phủ quy định đối với từng địa phương. Tuy nhiên tôi cho rằng có hay không có khung giá của Chính phủ không quan trọng mà điều người dân quan tâm nhất giá đất đền bù phù hợp với thị trường hay không”- ông Võ nhận định.
Theo kinh nghiệm quốc tế, tại các nước bao giờ bảng giá của nhà nước đưa ra cũng thấp hơn thị trường. “Việc quy định mức giá sát với thị trường theo đúng thời gian, không gian là điều không thể. Chính vì vậy trong những trường hợp liên quan tới lợi ích người sử dụng đất, các nước họ đều áp dụng cơ chế thỏa thuận để đi tới sự đồng thuận trong cộng đồng. Nói đồng thuận ở đây không có nghĩa là phải đạt tới mức 100% ý kiến tán thành mà theo quy định của từng nước có mức đồng thuận cao hay đồng thuận thấp. Tôi cho rằng chúng ta nên quy định 2/3 ý kiến đồng thuận là ổn”- ông Võ nói.
Về lo ngại quyền lợi của người dân không được đảm bảo công bằng, ông Võ khẳng định: “Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện công bằng đối với người sử dụng đất. Thực tế cho thấy, đại đa số khiếu kiện tố cáo xuất hiện nhiều khi giá bồi thường thấp để nhà đầu tư bán lại với giá cao. Còn những trường hợp thu hồi đất để làm bệnh viện, trường học, công trình công cộng thì lại hầu như không có người dân khiếu kiện” ông Võ cho biết.
Thất vọng với Luật mới
Về vấn đề phân cấp trong quản lý đất đai, Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng Luật cần khắc phục tình trạng có quá nhiều người “đại diện chủ sở hữu” trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất như hiện nay.
Ông Tiền kiến nghị việc giao đất, cho thuê đất, quyết định trưng mua quyền sử dụng đất chỉ phân cấp với Chủ tịch UBND cấp huyện. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất chỉ phân cấp tới Chủ tịch UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc TƯ.
“Giới hạn sự phân cấp như trên nhằm đảm bảo tính pháp lý cao hơn của những quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, sự kiểm soát tốt hơn của cơ quan quản lý nhà nước đối với những vấn đề liên quan tới đất đai, ngăn ngừa sự “tái xuất” lớp “lý trưởng, xã trưởng” trong thời đại ngày nay và tập trung chỉ đạo để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong từng địa phương”.
Cho rằng Dự thảo Luật Đất đai mới không những không góp phần giảm tham nhũng mà còn tạo điều kiện cho tệ nạn này gia tăng, Luật sư Trần Vũ Hải dẫn chứng cụ thể: Trong dự thảo có nội dung quy định chính quyền địa phương sẽ có quyền thu hồi dự án nếu sau 24 tháng ký hợp đồng thuê đất mà doanh nghiệp vẫn không triển khai.
“Chuyện dự án chậm triển khai là hết sức bình thường nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Với quy định này vô hình chung tạo tiền lệ cho doanh nghiệp muốn xin gia hạn sẽ phải chi cho cấp thẩm quyền để xin hoãn thời gian thu hồi dự án. Dự án càng lớn thì chắc chắn khoản chi càng phải nhiều”.- ông Hải nói.
Cảm thấy thất vọng khi dự thảo luật mới ra đời vẫn dẫm chân tại chỗ, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng ban soạn thảo chỉ chú trọng việc nhỏ, thiếu tầm nhìn.
Theo TS Liêm, một trong những hạn chế lớn nhất của dự thảo Luật Đất đai lần này là chế độ thu hồi đất thiếu minh bạch và công bằng, tạo điều kiện cho lạm quyền và tham nhũng, gây bất bình trong dân. “Biểu hiện rõ nhất là Dự thảo đã cố gắng quy định thêm nhiều quyền hạn quản lý cho Bộ TN-MT một cách không cần thiết”.
Nguồn: Khám Phá
[links()]