Chúng tôi tìm đến ngôi nhà mà “hoa hậu xứ Mường” Đinh Thị Nụ từng sinh sống ở Mường Cời. Hiện ngôi nhà đang được người cháu gái là bà Đinh Thị Nhung trông coi, thừa kế. Với nụ cười móm mém của cụ già 80 tuổi nhưng còn khá khỏe mạnh và minh mẫn, bà chào chúng tôi và nói: “Lại có nhà báo đến à? Nhiều người hỏi về cô tôi lắm!”. Khi được hỏi về hoa hậu Đinh Thị Nụ, bằng giọng Kinh pha lẫn tiếng Mường, hai vợ chồng bà kể cho chúng tôi như thuộc lòng bàn tay.
Theo lời kể của người cháu gái, hoa hậu Đinh Thị Nụ (SN 1925) là con gái dòng họ Đinh Công có nhiều đời làm quan lang ở xứ Mường. Thân sinh ra hoa hậu Mường Cời là ông Đinh Công Chung, vốn là em trai của tuần phủ Hòa Bình - Đinh Công Thịnh, chú ruột quan án sát Đinh Công Huy và tri châu Lương Sơn Đinh Công Nhiếp. Mẹ là Bạch Thị Chuổi, người vùng Kim Bôi. Hai ông bà sinh được 3 người con, 1 trai, 2 gái.
|
Di ảnh bà Đinh Thị Nụ. |
Người chị gái đầu cũng là một đóa hoa rừng từng tham gia đội xòe của quan án sát Đinh Công Huy về Hà Nội biểu diễn nhân dịp vua Bảo Đại vi hành ra Bắc. Sau đó, người chị gái lấy chồng và sinh con đẻ cái ở Mường Cời. Người anh thứ hai không may chết yểu. Đinh Thi Nụ được học hành tử tế. Bà từng học 3 năm ở trường huyện (gọi là Elemantes). Năm 17 tuổi, vì đẹp nức tiếng nên bà được tri châu Đàm Quang Vinh chọn đi thi hoa hậu xứ Mường năm 1942. Đây là cuộc thi cuối cùng của thực dân Pháp tổ chức dành cho những bông hoa núi rừng của người Mường. Việc tổ chức cuộc thi nằm trong mưu đồ thống trị của thực dân nhằm thành lập “xứ Mường tự trị” và cũng nhằm xoa dịu làn sóng chống Pháp đang diễn ra khắp nơi từ miền xuôi đến miền ngược.
Cuộc thi được tổ chức tại châu Lương Sơn, hàng ngàn người đã kéo nhau đi xem để được tận mắt chiêm ngưỡng những bông hoa rực rỡ của người Mường. Tại cuộc thi này có 3 người đẹp vượt qua hàng chục ứng viên khác lọt vào đến vòng cuối cùng. Đinh Thị Nụ giành được giải hoa hậu, bà được quan chánh sứ người Pháp mời đi xuống Hà Nội thăm thú danh lam thắng cảnh và làm quen với văn hóa phương Tây.
Vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc
Thuở con gái, bà đi đến đâu hương thơm hoa quế bà tắm bay đến đó. Làn tóc óng mượt được gội bằng bồ kết và những cây lá rừng của bà luôn được búi một cách khéo léo trên đầu. Nhóm thanh niên bản Mường thường quanh quẩn những chỗ bà lui tới để được ngắm vẻ đẹp mê hồn của bà.
Sắc đẹp của bà càng nức tiếng hơn khi bà giành ngôi hoa hậu xứ Mường. Nhiều vị chức sắc rồi công tử con nhà giàu thời bấy giờ tìm đến cầu hôn. Nhà Ông Đinh Công Chung lúc nào cũng có xe hơi đỗ cổng, dù lúc đó xe hơi rất hiếm, chỉ có quan chức cao cấp và con nhà giàu danh giá mới có. Còn có cả những kẻ ăn ngủ hàng năm trời ở gần đó để chinh phục được bông hoa Mường Cời này.
Trong đó, có câu chuyện về ông Lục sứ của tỉnh Hòa Bình (giống như thư kí bây giờ) tên là Huyền, thường gọi là ông Lục Huyền, người Chương Mỹ (Hà Tây cũ) đã yêu bà Nụ đến mức si mê. Tuy nhiên, tình cảm của ông không được người đẹp đoái hoài, chỉ là tình yêu đơn phương. Để theo đuổi người đẹp, mấy năm liền, ông này không tiếc công sức, ngày trên tỉnh, tối về Mường Cời. Sau bao năm không chinh phục được trái tim của người đẹp núi rừng, khi tuổi đã cao, sức khỏe yếu, ông Huyền trở về mở một tiệm bán thuốc tây ở cầu Ba Thá ( thuộc Hà Tây cũ), đến khi mất vẫn không lập gia đình.
|
Ngôi nhà và người cháu gái của bà Nụ. |
Lần lên xe hoa đầu tiên của bà Nụ diễn ra hết sức ngắn ngủi. Bà được gả cho con trai của một nhà lang bên Kim Bôi (quê mẹ của bà) tên là Đẩu, nhưng mối tình duyên này không lâu. Sống chung được khoảng hơn 1 năm, không chịu nổi cảnh cực khổ của vùng đất Kim Bôi, bà đã bỏ về nhà mình.
Lần đò thứ hai của bà là với một người thương nhân ở Hà thành. Nhưng cũng chỉ được khoảng 2 năm thì kết thúc. Lúc đó, bà sinh một cô con gái với người thương nhân này nhưng đứa con chết yểu. Có lẽ, nỗi đau của người mẹ và thành kiến của gia đình nhà chồng thời cũ đã khiến bà lấy lí do về quê chữa bệnh, sau đó ở lại nhà luôn, không trở lại nữa.
Sau cuộc tình thứ hai không thành, sắc đẹp của bà không hề lu mờ, mà càng rực rỡ hơn khi pha chút hiện đại, đằm thắm của người Hà thành, làm biết bao người si mê. Trong chiến tranh chống Pháp, một cán bộ ngân hàng tên là Tình người Nam Định nhưng có nhà ở Hà Nội đã si mê vẻ đẹp của bà và tìm cách chinh phục trái tim người đẹp. Bà tiếp tục lên xe hoa lần thứ ba. Mặc dù đây là cuộc hôn nhân cuối cùng của bà nhưng sau gần 20 năm chung sống hai người vẫn không có con.
Thời gian này, bà làm công nhân tại Công ty May 10 của Bộ Quốc phòng. Khi ông Tình mất, bà nghỉ hưu và quay về cố hương Mường Cời sinh sống với người thân. Những người con của ông Tình vẫn cư xử tốt với bà, nhiều lần lên đón bà về phụng dưỡng nhưng bà quyết không đi, muốn được sống những ngày cuối đời ở nơi sinh ra và lớn lên. Có lẽ bông hoa đại ngàn muốn tận hưởng tuổi già ở nơi khởi nguồn cho sắc đẹp xứ Mường lộng lẫy này. Bà mất vào năm 2006, kết thúc câu chuyện về hoa hậu xứ Mường, về cô sơn nữ đẹp như đóa hoa rừng nhưng cuộc đời truân chuyên, lận đận.
Kể về người cô của mình, bà Đinh Thị Nhung cho biết: “Cô tôi là người sạch sẽ, gọn gàng và khó tính lắm. Tuy nhiên, đối với các cháu và người trong làng thì rất tình cảm, yêu quý. Lần nào lên thăm, tôi cũng mang cho cô những sản vật ở quê, cô tôi thích nhất là những loại lá rừng dùng để đun nước tắm, cô bảo “tao đẹp cũng nhờ những cây ở núi rừng này đấy””.
Không còn bức ảnh nào lưu giữ thời trẻ của hoa hậu Quách Thị Tẻo ở Mường Vang, duy nhất bức di ảnh thờ, ở đó vẫn toát lên môt vẻ đẹp của đồng bào dân tộc Mường nơi núi rừng Tây Bắc.
Ông Lê Thế Vinh - Chủ tịch xã Tâm Vinh - cho biết: “Chúng tôi là thế hệ hậu sinh, chỉ nghe các cụ kể lại về cuộc thi “hoa hậu xứ Mường” ngày xưa. Mường Cời tự hào không chỉ là cái nôi cách mạng với dòng họ Đinh Công được Bác Hồ nhiều lần gửi thư khen ngợi mà còn là nơi xuất thân của hoa hậu xứ Mường Đinh Thị Nụ”.