Trong một dịp quay lại Sài Gòn cách đây vài năm, người viết tìm đến khách sạn nơi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chơi piano hàng đêm. Ở đó, vài người khách nước ngoài ngồi nhâm nhi cà phê và cocktails nghe ông chơi đàn. Cũng có những người khách Việt và đa số họ đều ở độ tuổi trung niên.
Tới giờ giải lao, ông xuống chào hỏi một cặp vợ chồng lớn tuổi có vẻ thân thiết, tôi lại gần bắt quen mới biết họ là khán giả trung thành của ông đã nhiều năm.
"Tuần nào chúng tôi cũng tới đây uống trà và nghe anh ấy chơi đàn. Ngoài kia biết bao nhiêu bài hát của anh ấy đang được rất nhiều người đang hát trên những sân khấu lớn lắm. Mà anh ấy thì cứ chỉ ở đây, lặng lẽ chơi đàn vậy thôi. Chúng tôi quý anh ấy vì vậy...", bà Lan Hương tâm sự.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gắn bó với cây đàn piano suốt sự nghiệp của mình. |
Dấu ấn tiếng dương cầm
Nguyễn Ánh 9 là như thế. Con người ông, từ khi sinh ra, bỏ hết mọi thứ theo đuổi cây đàn rồi trở thành tác giả của hàng chục ca khúc vừa "ăn khách" vừa sống vững trong lòng nhiều thế hệ công chúng, chưa bao giờ Nguyễn Ánh 9 không "trong veo" trong cách sống.
Cho tới những năm cuối đời, ông vẫn khẳng định mình muốn mọi người biết đến như một nghệ sĩ dương cầm hơn là một nhạc sĩ sáng tác. Nhưng cuộc đời thì lúc nào cũng trớ trêu. Người ta mê và biết tới các ca khúc của Nguyễn Ánh 9 nhiều hơn là ngón đàn của ông.
Tuy nhiên, dấu ấn của cây đàn dương cầm trong các tác phẩm của Nguyễn Ánh 9 rất rõ. Nghe Không, Buồn ơi ta xin chào mi hay Mùa thu cánh nâu là thấy lối hòa âm dựa trên đàn phím, mềm mại nhưng rất chặt chẽ về cấu tứ ca khúc.
Nhạc của Nguyễn Ánh 9 mang nhiều âm hưởng phương Tây nhưng chất Việt thì không thể trộn lẫn trong từng câu từng chữ ca từ.
Âm nhạc là con người. Nhạc của Nguyễn Ánh 9 dịu dàng, trữ tình như thế nào thì con người ông cũng vậy. Điển hình chính là tình yêu ông dành cho người vợ gần 50 năm cuộc đời.
Các con ông kể rằng chưa bao giờ ông bà to tiếng với nhau. Kể cả khi về già, họ vẫn luôn giữ cái nếp sống, nếp nói năng, xưng hô của cách đây vài thập niên, nhẹ nhàng và đầy trân trọng.
Đối với ông, bà Ngọc Hân là một điều may mắn lớn trong cuộc đời. Ông gọi bà là người mẹ, người chị, người vợ và người tình mà ông dành trọn yêu thương. Thậm chí, bà còn là "biên tập viên" khó tính nhất với mỗi ca khúc ông viết.
|
Nguyễn Ánh 9 và Khánh Ly trong một dịp hội ngộ gần đây. |
Bậc tiền bối đáng kính
Có một ca sĩ rất "hữu duyên" với Nguyễn Ánh 9. Đó là Khánh Ly. Ông đã đệm đàn cho bà trong một số chuyến du diễn nước ngoài. Và đặc biệt, chính nhạc sĩ từng kể lại ca khúc Không ra đời cũng từ một kỷ niệm với Khánh Ly.
Đó là chuyến lưu diễn ở Pháp khoảng năm 1969-1970, khi hai người bạn nghệ thuật đang tản bộ thì ý tưởng ca khúc lóe lên trong đầu Nguyễn Ánh 9. Ông ngân nga thử giai điệu và Khánh Ly đã khuyến khích ông hoàn thiện ca khúc để sau này thành công với nhiều tên tuổi ca sĩ.
Khánh Ly gọi Nguyễn Ánh 9 là người bạn đặc biệt. Không chỉ bởi ông chơi với cả 3 đời chồng của bà mà bà luôn yêu quý người đệm piano mình ưng ý nhất.
Khánh Ly kể rằng Nguyễn Ánh 9 là người sống rất chân tình. Và có lẽ cái chân tình đó chính là lý do khiến cả sự nghiệp của mình, ông luôn nhận được sự quý trong của đồng nghiệp.
Hồi cuối tháng 3, khi Nguyễn Ánh 9 ốm nặng, rất nhiều nghệ sĩ hậu bối đã đến thăm ống, đặc biệt là các nghệ sĩ ngoài Bắc. Đối với họ, ông là một bậc tiền bối, một người cha.
Nguyễn Ánh 9 thẳng thắn nhưng chân tình. Bởi vậy mới nảy sinh chuyện lùm xùm hồi năm 2013 giữa ông và Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng cái kết của câu chuyện cũng giải thích vì sao ông được đồng nghiệp hậu bối yêu mến. Cái tình ấm áp ông truyền tới họ thật trong sáng.
Người viết nhớ dáng đi của Nguyễn Ánh 9 sau một ca làm việc thường ngày tại khách sạn. Nhỏ nhắn, chậm nhưng nhẹ nhàng. Ông ra bãi lấy chiếc honda cũ nổ máy chạy xe về nhà trong đêm khuya.
Cái dáng người đó có lẽ cũng là phong thái cuộc sống không thể trộn lẫn vào đâu của Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh. Ông sinh năm 1939 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Năm 18 tuổi ông bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc. Ông khởi đầu sự nghiệp viết nhạc rất tình cờ, trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly.
Những năm 1980 ông cho ra mắt một số ca khúc như Tình yêu đến không giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa, Cô đơn, Buồn ơi chào mi... Vài năm gần đây, nhạc sĩ không còn sáng tác nhưng ông vẫn chơi dương cầm tại một số khách sạn ở TP HCM.
Ngày 20/3, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được đưa đến bệnh viện Hoàn Mỹ TP HCM để cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Tuy nhiên, sau gần một tháng nằm viện, nhạc sĩ hôn mê trở lại và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã qua đời vào trưa ngày 14/4.
>>> Xem clip Lê Hiếu hát "Buồn ơi chào mi" (Nguồn: Youtube):