Kiều Oanh: Ngậm ngùi sau ánh đèn sân khấu

Google News

Tốt nghiệp ngành cải lương, nhưng lại mưu sinh bằng nghề kịch và nổi danh với vai trò diễn viên truyền hình, số phận dường như đẩy đưa Kiều Oanh qua nhiều ngã rẽ. 

Quê ở Châu Đốc- An Giang, Kiều Oanh mê cải lương từ tấm bé, mê tới mức có bài ca nào ngọt, có vở tuồng nào hay là Kiều Oanh lại tìm và nghe cho thuộc. Nghe riết tới mức chỉ đưa một đoạn lời, Kiều Oanh nhìn qua là có thể ca được liền. Vì thế, dù không được học hành bài bản nhưng khi thi vào trường Nghệ thuật sân khấu 2, Kiều Oanh vẫn trúng tuyển với đoạn trích một lớp vọng cổ.

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng. 

Bốn năm sinh viên, Kiều Oanh đã kịp đem về cho trường tấm huy chương vàng trong liên hoan sân khấu Toàn quốc 1995 cùng danh hiệu Diễn viên trẻ tài sắc. Tốt nghiệp thủ khoa, Kiều Oanh được nhận vào đoàn cải lương Sài Gòn 3. Với một cô đào trẻ xuất thân từ miền quê thì tương lai như thế quả thực là một niềm mơ ước.

Diễn hài tưng tửng, độc và lẳng

Nhưng cải lương vào thời thoái trào, rạp hát đóng cửa, diễn viên thì tản mạn mọi nơi. May mắn là vài đạo diễn đã nhìn thấy tài diễn xuất của Kiều Oanh nên mời cô tham gia một số vở kịch truyền hình. Những vở diễn “Một đời oan nghiệt”, “Khát vọng”… đã giúp tên tuổi Kiều Oanh dần đi vào lòng người yêu kịch.

Khi Kiều Oanh tham gia nhóm hài Hữu Nghĩa, người ta được biết thêm một Kiều Oanh với lối diễn hài tưng tửng, độc và lẳng rất khác biệt. Một cô gái quê mùa chất phác, một cô gái muộn chồng đanh đá…

Dù đi diễn hài khá nhiều, khán giả biết tới Kiều Oanh cũng khá nhưng phải tới khi xuất hiện trong bộ phim truyền hình “Đất Phương Nam”, cái tên Kiều Oanh mới vụt sáng.

Một cô đào hát tài sắc vẹn toàn nhưng đoản mệnh là nét chấm phá cho bộ phim, tạo thêm sự phong phú cho các tuyến nhân vật và phản ánh rõ nét hơn về thân phận của những người cùng khổ.

Kiều Oanh kể: “Tôi không ngờ đạo diễn Vinh Sơn lại chọn vì tôi nghĩ vai diễn đó lẽ ra phải dành cho một diễn viên cải lương đã thành danh. Nhưng đã được tin tưởng thì tôi chỉ biết cố gắng hết mình”.

Thể hiện hình ảnh cô đào hát của cái thời sơ khai cải lương, Kiều Oanh phải tập lại những làn điệu cổ như Tứ Đại oán, Lưu Giang hay những động tác diễn xuất cổ.

May mắn cho cô là có người bạn diễn, nghệ sỹ cải lương cựu trào Thanh Điền (vai thầy giáo Bảy) cùng những thầy giáo trong trường Nghệ thuật sân khấu 2 (vai ông hội đồng, vai quan huyện trong bữa tiệc) đã chỉ dẫn tỉ mỉ Kiều Oanh từng động tác diễn xuất, từng lời ca, cách nhả chữ….

Phân cảnh cô đào tự tử do Kiều Oanh thể hiện được đánh giá là một trong những phân cảnh hay của bộ phim.

Rồi sau đó, Kiều Oanh càng nổi hơn qua nhiều vai diễn của các phim truyền hình khác như “Giã từ dĩ vãng”, “Những nẻo đường phù sa”… Cô càng thêm đắt sô diễn hài, kịch nói…

Thế nhưng, đúng vào thời điểm tài năng đang độ chín thì đột ngột Kiều Oanh rời khỏi Việt Nam. Lý do đơn giản: theo chồng sang Mỹ và vắng bóng từ đó.

Truân chuyên tình trường

 

Nhớ lại những năm đầu sống trên đất Mỹ, Kiều Oanh kể: “Sang bên đó, tôi vẫn tiếp tục nghiệp diễn. Bà con Việt kiều đều biết đến tôi nên việc hoà nhập cuộc sống mới cũng dễ dàng. Nhưng về phần gia đình, tôi lại gặp nhiều trắc trở. Chồng tôi yêu tôi nhưng lại bị áp lực từ gia đình khi tôi nhận kết luận từ bác sỹ là bị bệnh, không thể có con được. Áp lực cứ đè nặng mãi lên vai tôi và cuối cùng tôi đành phải chọn giải pháp chia tay, dù rằng không mong muốn điều đó. Và tôi lại lấy nghiệp diễn làm vui, dù rằng nhiều đêm diễn hài cho khán giả cười, trở về một mình tôi lại nằm khóc vì bơ vơ, vì thương cho thân phận của mình” - Kiều Oanh ứa nước mắt.

Từ những lần đi diễn khắp nước Mỹ, Kiều Oanh đã gặp ca sỹ Lê Huỳnh, cả hai cùng có những nỗi niềm và sự cô đơn nên họ đã đến với nhau và kết cục là một đám cưới. Niềm vui lớn hơn đến với Kiều Oanh khi bác sỹ thông báo cô đã có thai, ba tháng sau ngày cưới.

Kiều Oanh không dám đặt tên con giống chữ lót của mẹ là “Kiều” vì sợ thân phận “nàng Kiều” cũng sẽ vận vào con nên cô con gái của Kiều Oanh có tên là Yến Khang. Được một tháng tuổi, Yến Khang đã được mẹ đưa về Việt Nam để nhờ dì chăm sóc. “Tôi muốn con tôi học tiếng Việt, sống trong môi trường Việt Nam. Hơn nữa ở Mỹ tôi phải đi diễn suốt, cũng đâu có thời gian chăm con” - Kiều Oanh ngậm ngùi.

Nhưng bé may mắn là tình thương của mẹ luôn dạt dào, dù ở xa cả nửa vòng trái đất nhưng Kiều Oanh thường xuyên liên lạc với con và mỗi năm vài lần, cô lại bay về với con.

Dù ở Mỹ, Kiều Oanh là một những những diễn viên đắt khách nhưng cô vẫn mong muốn được diễn ở Việt Nam vì “tôi muốn được sống với những vai lớn, những vở kịch dài hơi. Chỉ ở Việt Nam, tôi mới có thể làm điều đó”. May mắn cho Kiều Oanh là dù xa đất Việt một thời gian nhưng cô vẫn được khán giả nhớ đến.

Nhà hát kịch TPHCM, nơi Kiều Oanh từng làm việc một thời gian vẫn tạo mọi điều kiện cho Kiều Oanh biểu diễn. Các vở diễn “Hạnh phúc bất ngờ”, “Thần tượng”, “Nữ tỷ phú tìm cha”… với vai diễn của Kiều Oanh đều “cháy” vé. Kiều Oanh trở lại vẫn với lối diễn tưng tửng mà duyên dáng ngày nào, thêm sự chín chắn điều đạm của một người phụ nữ từng trải.

Năm 2010, Kiều Oanh còn nhận được danh hiệu Cù nèo vàng - danh hiệu quý giá dành cho diễn viên hài xuất sắc. Thương hiệu Kiều Oanh mạnh nên mùa Tết 2013, đạo diễn Phương Điền mời Kiều Oanh vào vai chính trong bộ phim nhựa “Bay vào cõi mộng” nhằm kéo khách tới rạp. Bộ phim thành công, trở thành một trong những phim ăn khách của mùa Tết.

Kiều Oanh bảo: “Tôi đang tham gia bộ phim truyền hình dài tập mang tên “Khúc Nam Ai”, nói về cuộc đời một cô đào hát trong thời cải lương còn hưng thịnh. Tôi sẽ được hoá thân trong nhiều vai diễn của những vở cải lương nổi tiếng như “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Bên cầu dệt lụa”, “Chiêu Quân cống Hồ”, “Lan và Điệp”, “Quân vương và thiếp”… Sở dĩ tôi chọn phim này vì tôi sẽ được sống và diễn cải lương. Hơn nữa thân phận cô đào trong phim có cuộc đời nhiều trắc trở, mà tôi thì cũng….”

Chuyến về Việt Nam lần này, Kiều Oanh không đi cùng chồng như mọi khi. Có người hỏi thì Kiều Oanh chỉ giải thích là do chồng đang kẹt công việc. Nhưng rồi Kiều Oanh lại tâm sự mung lung, rằng với công việc thì cô còn có thể cố gắng, nhưng với tình duyên hình như không thể. Duyên phận đến hay là đi do mệnh trời, sự quyết tâm níu kéo cũng chẳng đem lại được chút gì mong muốn.

“Tôi là người bao dung, sống vị tha nhưng không biết có thể níu giữ được gì không. Tôi chỉ biết nói vậy thôi!”- Kiều Oanh ngừng lời, khẽ lau nước mắt rồi tất bật nghe điện thoại.

Rồi Kiều Oanh khoe liveshow hài “Cặp đôi hoàn hồn” mà cô chuẩn bị ra mắt. Bối cảnh sẽ lấy từ chương trình “Cặp đôi hoàn hảo” với những tình huống trớ trêu, hài hước. Các diễn viên cựu trào như Bảo Quốc, Hồng Nga, Ngọc Giàu, Hoàng Sơn sẽ làm giám khảo để chấm điểm thí sinh là Kiều Oanh cùng một nam diễn viên.

Hình như đào hát thời nào cũng như thế thì phải, đằng sau những tiếng cười, những hào quang của ánh đèn sân khấu luôn có những giọt nước mắt nuốt vào trong.

Cải lương thoái trào, vẫn gây dựng

 

Dù thành danh với kịch, với phim, nhưng Kiều Oanh vẫn nhớ đến cải lương như là mối tình thâm giao nhất. Cô tâm sự, dù cải lương hiện đang thoái trào nhưng Kiều Oanh vẫn không hối tiếc vì đã theo học cải lương, hiện nay những bạn bè cùng học cải lương với Kiều Oanh đa phần đã bỏ nghề vì mưu sinh và còn những người đang cố trụ lại thì cũng rất vất vả, cơ cực.

“Điều đó không làm tôi nản lòng mà ngược lại, tôi muốn làm gì đó cho sân khấu cải lương. Dù rất bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp để có thêm vai diễn trong các vở cải lương do bạn bè dựng. Nhưng vài vai diễn nhỏ, vài trích đoạn tuồng cũng chỉ giúp tôi đỡ nhớ nghề thôi, chứ tôi vẫn mong được tham gia những vở diễn dài, đóng những vai diễn có tính cách, có số phận. Được vào những vai như đào thương, đào lẳng cùng cách diễn đẩy đến tột cùng của sự bi thương, độc đáo mới thật tuyệt vời, lúc đó mới chính là điều mà tôi mong ước”.

Kiều Oanh dự tính, nếu không có gì thay đổi thì sang năm cô sẽ bắt tay vào dựng các vở cải lương, sẽ quy tụ nhiều diễn viên có tài để dựng lại những vở diễn cải lương kinh điển.

Biết là sẽ rất khó khăn khi làm cải lương trong hoàn cảnh hiện nay nhưng Kiều Oanh vẫn tự tin: “Tôi đi diễn show, nhiều khán giả vẫn yêu cầu tôi hát cải lương, nhiều khán giả vẫn nghe đi nghe lại những vở tuồng rất cũ. Tôi tin cải lương vẫn còn đất để phát triển, chỉ có điều mình phải làm như thế nào cho hay thôi”. 
TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU




Theo Tiền phong

Bình luận(0)