Chiến tranh Israel - Iran: "Kẻ tám lạng người nửa cân"

Google News

Trước nguy cơ xung đột trực diện giữa Israel và Iran nổ ra, giới quan sát đã đặt câu hỏi bên nào sẽ giành được lợi thế về mặt quân sự khi cả hai quốc gia đều nắm trong tay các quân bài chiến lược đủ sức xóa sổ đối phương.

Trước thực tế, Mỹ và đồng minh tại Trung Đông, trong đó có Israel và Saudi Arabia liên tục gây sức ép đối với Iran, cùng với những cuộc không kích đáp trả giữa Israel và Iran tại phần lãnh thổ Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, các nhà quan sát đang đặt câu hỏi liệu có nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran hay không và trong tình huống đó, bên nào sẽ giành lợi thế. Để hiểu cặn kẽ điều này, cần phải nhìn vào tương quan lực lượng giữa hai quốc gia.
Quân đội và vũ khí
Trang tin Global Firepower dẫn số liệu của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, ngân sách quốc phòng trung bình mỗi năm của Israel là 20 tỉ USD, cao hơn gấp 3 lần so với ngân sách quốc phòng của Iran (khoảng 6,3 tỉ USD). Về mặt quân số, Iran có 534.000 binh sỹ trong khi Israel có 147.000 binh sỹ. Về máy bay quân sự, Iran và Israel có số lượng tương đương nhau hơn 500 chiếc. Tiếp đến, Iran có 1.650 chiếc xe tăng và 398 loại khí tài của lực lượng hải quân, trong khi Israel có 2.760 chiếc xe tăng và 65 loại khí tài của lực lượng hải quân.
Trong trường hợp xảy ra giao tranh, yếu tố chính phụ thuộc vào chất lượng vũ khí và trang thiết bị quân sự. Về mặt này Israel có lợi thế hơn Iran. Các nhà phân tích cho rằng, Israel nhiều khả năng sẽ không phát động cuộc tấn công trên bộ đối với Iran, bởi xét về mặt dân số Israel có 8,3 triệu người, trong khi Iran có 82 triệu người. Vì vậy, Israel có thể sử dụng lực lượng không quân, hoặc hải quân.
Dù không có quân số áp đảo nhưng bù lại Israel lại sở hữu đạo quân hiện đại nhất Trung Đông và chừng đó cũng đủ cho phép họ xóa sổ Iran. Ảnh: NewsClick. 
Về phần mình, Iran cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi dùng bộ binh tấn công Israel. Nhiều khả năng nước này sẽ tiến hành các cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự của Israel và nhờ sự trợ giúp của phong trào Hezbollah, Hamas trên mặt đất.
Không quân
Trải qua nhiều năm bị cấm vận, ngăn cản tiếp xúc và hợp tác khoa học với các quốc gia khác, Iran đã gặp rất nhiều khó khăn trong hiện đại hóa phi đội bay. Trang thiết bị của không quân Iran chủ yếu là các loại máy bay chiến đấu đã lỗi thời. Trong số này phải kể đến máy bay chiến đấu F-4 hay F-5 được sản xuất vào những năm 1950 tại Mỹ và máy bay chiến đấu F-7 do Trung Quốc sản xuất, hay dòng máy bay Su-20, Su-24 và Su-25 được phát triển trong những năm 1970-1980.
Tuy vậy, nhiều tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Iran đã vượt qua khó khăn, thử thách, tìm cách nâng cấp các chiến đấu cơ đã mua từ Nga, Trung Quốc hay Mỹ, đồng thời tự nghiên cứu, phát triển những dòng máy bay chiến đấu nội địa hiện đại, chẳng hạn như Azarakhsh, Saeqeh, Tazarv.
Về phần mình, Israel có các loại máy bay chiến đấu vô cùng tối tân và hiện đại, gồm F-15, F-16, F-35. F-35 là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ có thể qua mặt được lưới phòng không của Iran. Các đợt thử nghiệm cho thấy chúng vẫn là những máy bay đáng sợ có năng lực chiến đấu tuyệt vời, đồng thời cũng là những “quái vật đáng sợ” trên bầu trời. Israel là quốc gia hiếm hoi sau Mỹ được sở hữu loại máy bay này và đưa vào trực chiến. Đã có khoảng gần chục máy bay chiến đấu tàng hình F-35 được Mỹ bàn giao cho không quân Israel.
Phi đội của Israel được xây dựng dựa trên những công nghệ tiên tiến vượt bậc, có sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia quân sự hàng đầu đất nước. Theo giới phân tích, lực lượng không quân Israel là một trong 5 lực lượng không quân hùng mạnh nhất trên thế giới, cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc và Anh.
Hải quân
Iran có 21 tàu ngầm nhỏ lớp Ghadir, được thiết kế chuyên biệt để di chuyển trong vùng nước nông ở Vịnh Ba Tư. Bên cạnh đó, quốc gia này có 3 tàu ngầm điện-diesel lớp Kilomua từ Nga vào năm 1990. Mặc dù có ưu thế về số lượng tàu chiến nhưng hải quân Iran vẫn chưa thể vượt qua Israel về năng lực chiến đấu.
Trong khi đó, hải quân Israel sở hữu 6 tàu ngầm điện diesel lớp Dolphin, do tập đoàn quốc phòng Howaldtswerke-Deutsche Werft AG phát triển. Chúng được trang bị tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Điều này làm tăng đáng kể năng lực chiến đấu của Israel và đảm bảo ưu thế vượt trội trước lực lượng hải quân của các nước láng giềng tại Trung Đông.
Sức mạnh hải quân giữa Iran và Israel gần như tương đồng. Ảnh: PRI.org. 
Vũ khí hạt nhân
Theo tiết lộ của CIA, Israel là một cường quốc hạt nhân ở Trung Đông, sở hữu khoảng 100 đến 500 đầu đạn hạt nhân. Đất nước Do Thái này bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo kể từ năm 1963. Vào năm 1989, Tel Aviv đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Jericho-2 có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách từ 800 đến 1.500 km.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng sở hữu các phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân, bao gồm máy bay F-16 và máy bay cường kích ném bom A-4N Sky Hawk. Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông được cho là có thể tiến hành cuộc tấn công hạt nhân trên đất liền, trên biển hoặc trên bộ. Trước mối đe dọa tên lửa của Iran, Israel có thể chống trả bằng hệ thống phòng thủ Vòm Sắt vô cùng lợi hại, với tính năng ưu việt và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống này đã nhiều lần phát huy hiệu quả khi đánh chặn tên lửa của Hezbollah và Hamas.
Nguy cơ chiến tranh thực sự xảy ra?
Căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang liên quan đến việc Israel lo ngại Tehran mở rộng sự hiện diện quân sự tại Syria. Căng thẳng này được đẩy lên một nấc thang mới khi máy bay chiến đấu của Israel nã hàng chục quả tên lửa vào căn cứ của Iran tại Syria ngày 10/5 nhằm đáp trả cáo buộc Iran phóng 20 quả tên lửa vào các vị trí của quân đội Israel trên Cao nguyên Golan.
Tuy nhiên theo giới quan sát, một cuộc đối đầu quân sự giữa hai quốc gia này sẽ rất khó xảy ra. Phát biểu với hãng tin Sputnik, chuyên gia Rachel Brandenburg, thuộc Hội đồng Atlantic có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Cả Israel và Iran đều nhận thấy họ sẽ phải trả giá đắt như thế nào nếu giao tranh với nhau. Trên thực tế cả hai đều muốn tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Israel và Iran thực sự chỉ muốn kiềm chế vai trò của nhau trong khu vực và không muốn đẩy mọi việc đi quá xa”.
Theo Hồng Anh/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)