Ngoài các máy bay chiến đấu phản lực, sau 1975 bộ đội ta còn thu giữ được một số máy bay cường kích AC-119K và biên chế cho Trung đoàn 918 sử dụng.
Đây là kiểu máy bay gunships (cải tiến lắp vũ khí lên máy bay vận tải) biến nó thành máy bay cường kích hạng nặng. AC-119K Stinger được phát triển dựa trên mẫu máy bay vận tải 2 động cơ C-119 Flying Boxcar được công ty Fairchild Aircraft sản xuất từ năm 1949. AC-119 được Mỹ thiết kế, sản xuất ngay cuộc chiến tranh Việt Nam nhằm mục địch ngăn chặn tuyến đường vận tải của bộ đội Việt Nam trên dãy Trường Sơn.
|
Máy bay cường kích AC-119. |
Có hai phiên bản AC-119 được phát triển gồm: AC-119G (thế hệ đầu) và AC-119K (thế hệ hai) được phát triển cho Không quân Mỹ sử dụng. Sau này, khi Mỹ rút quân, chúng được chuyển về cho không quân quân đội Sài Gòn sử dụng.
Máy bay cường kích AC-119K Stinger được trang bị một số hệ thống điện tử như radar xung định vị AN/APN-147, hệ thống trinh sát hồng ngoại nhìn trước AN/AAD-4, hệ thống radar theo dõi cảnh báo AN/APQ-133 và radar tìm kiếm AN/APQ-136. Về hỏa lực, AC-119K được trang bị 2 khẩu pháo 6 nòng cỡ 20mm M61 Vulcan và 4 khẩu súng máy 6 nòng cỡ 7,62mm GAU-2/A.
|
Hỏa lực nguyên bản của AC-119K. |
Giai đoạn 1977-1978, trước tình hình phức tạp trên biên giới Tây Nam - Khmer Đỏ gây hấn, thực hiện hành động tàn bạo với người dân Việt Nam. Quân đội ta đã quyết định cải tiến một số máy bay Mỹ để làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực chuẩn bị cho cuộc chiến tranh bắt buộc. Và máy bay AC-119K nằm trong số các đề tài cải tiến của không quân để đáp ứng tình hình mới.
Theo tài liệu Không quân Nhân dân Việt Nam, nhà máy A-41 và Trung đoàn Không vận 918 được giao nhiệu vụ này. Theo đó, hướng cải tiến sẽ là lắp đạn cối lên máy bay AC-119K.
Đầu tiên, cải tiến được áp dụng với đạn cối C705 (cỡ 106,7mm, 12kg). Chủ nhiệm đề tài được giao cho kỹ sư hàng không Nguyễn Hữu Sửu, ông được đào tạo ở Họ viện Kỹ thuật Không quân Giukovsky. Quả đạn cối Mỹ vốn có ngòi nổ ly tâm, nay để thả từ khoang hàng máy bay cần thay bằng ngòi nổ va chạm. Đồng thời, thiết kế thêm đuôi cho đạn để trong suốt quá trình rơi, đầu đạn luôn hướng xuống dưới cho tới khi chạm mục tiêu. Mỗi ngòi nổ cũng được tính toán nhồi thêm 50g thuốc nổ dẻo C4 nhằm tăng cường khả năng kích nổ. Thử nghiệm bước đầu tại sân bay Tân Sơn Nhất đã diễn ra suôn sẻ.
|
Máy bay AC-119K tại Cam Ranh thời Mỹ còn xâm lược Việt Nam. |
Phần cải tiến tiếp theo là nghiên cứu lắp giàn thả đạn cối lên khoang chở hàng của máy bay cường kích AC-119K sao cho không ảnh hưởng tới kết cấu của máy bay, không thay đổi trọng tâm khi thả đạn, dù phải theo yêu cầu chiến thuật thả từng loạt một, thả nhiều loạt hay thả toàn bộ. Để ngắm thả trúng mục tiêu từ trên không, phải tính toán góc ngắm cung cấp cho phi công sử dụng.
Về tính toán trọng tâm và khôi phục cửa thả hàng dưới bụng AC-119K do Trưởng Ban kỹ thuật Nguyễn Thanh Lâm của A-41 đảm nhiệm. Kỹ sư Thái Văn Bổn, Phân xưởng trưởng cơ khí làm đuôi đạn và ống gắn kíp nổ. Thời gian thực hiện chỉ trong 3 tháng cho kịp chiến dịch.
Sau thành công của hai thử nghiệm thả đạn thật từ AC-119K, cuối tháng 10 năm 1978, Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân quyết định lắp giàn thử đạn cối lên hai máy bay AC-119K số hiệu 850 và 145 của Trung đoàn 918 và đưa vào trực chiến. Trong chiến dịch Tây Nam, đội bay này đã thực hiện 7 chuyến oanh tạc với hơn hơn 1.000 quả đạn xuống mục tiêu.