Cuộc chiến tranh bắt buộc
Sau khi giành thắng lợi tháng 4/1975, lực lượng Khmer Đỏ đã lên nắm quyền ở Campuchia. Ngay sau đó, Khmer Đỏ đã thi hành chính sách diệt chủng man rợ trong nước, chỉ trong vài năm hàng triệu người Campuchia đã bị giết hại.
Không chỉ có vậy, quân Khmer Đỏ còn hung hăng gây hấn với Việt Nam. Trong giai đoạn 1975-1978, chúng đã nhiều lần tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết hại vô số dân thường.
Nghiêm trọng nhất, ngày 13/12/1978, Khmer Đỏ đã huy động 10 sư đoàn tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam.
Đứng trước “cuộc chiến không thể tránh khỏi”, quân dân Việt Nam đã đứng lên chống trả quyết liệt. Ngày 23/12/1978, các sư đoàn bộ binh với sự yểm trợ của lực lượng pháo binh, tăng thiết giáp, không quân đã tiến hành phản công trên toàn mặt trận, quét sạch toàn bộ quân Khmer Đỏ khỏi lãnh thổ đất nước.
Bộ đội Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7/1/1979.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, bộ đội ta đã mở cuộc tấn công vào Campuchia đánh đuổi quân Khmer Đỏ. Ngày 7/1/1979, bộ đội ta đã tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh. Chiến thắng này đã đưa đất nước và nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng, khép lại một thời kỳ đen tối mở ra trang sử mới.
Ngay sau khi đánh đuổi quân Khmer Đỏ, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia xây dựng chính quyền mới. Ngày 8/1, Hội đồng Nhân dân Cách mạng nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia do Heng Samrin làm chủ tịch được thành lập. Mùa xuân năm 1981, hiến pháp mới của Campuchia được thông qua, tiếp sau là cuộc bầu cử quốc hội chọn ra 117 đại biểu.
Cùng với việc giúp đỡ xây dựng chính quyền mới cho Campuchia, Việt Nam còn tổ chức huấn luyện đào tạo xây dựng lực lượng vũ trang Campuchia.
Bên cạnh việc tổ chức huấn luyện bộ binh, tăng-thiết giáp, pháo binh…từ giữa những năm 1980 Việt Nam giúp đỡ đào tạo phi công Campuchia để chuẩn bị thành lập trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên.
Trung đoàn mang số hiệu “ngày giải phóng”
Giai đoàn 1984-1985, lực lượng không quân Campuchia được thành lập, trang bị chủ yếu là máy bay vận tải An-24 và trực thăng Mi-8. Nhằm giúp bạn xây dựng lực lượng không quân đủ sức bảo vệ vùng trời, vùng biển đất nước, Việt Nam đã hỗ trợ việc đào tạo huấn luyện phi công để thành lập trung đoàn tiêm kích đầu tiên cho Campuchia.
Cuối năm 1984, đơn vị không quân tiêm kích đầu tiên của Quân đội Campuchia được tổ chức tại sân bay Biên Hòa và biên chế tạm vào Trung đoàn Không quân Tiêm kích 935 (thuộc Sư đoàn 370, Quân chủng Không quân Việt Nam).
Việc xây dựng, củng cố tổ chức, huấn luyện thực hành cho phi công và cán bộ nhân viên kỹ thuật Campuchia được giao cho Sư đoàn Không quân 370 và Trung đoàn 935.
Trong năm 1988, Trung đoàn Không quân Tiêm kích 701 – đơn vị chiến đấu đầu tiên của không quân Campuchia được thành lập, ban đầu trực thuộc trong Sư đoàn 370 Không quân Nhân dân Việt Nam. 701 là con số ghép ngày giải phóng thủ đô Phnom Penh khỏi quân Khmer Đỏ.
Tiêm kích MiG-21bis của trung đoàn 701 tại căn cứ Pochengtong, tháng 4/1990.
Theo trang tin
Aeroflight, trung đoàn 701 được biên chế 19 tiêm kích đánh chặn MiG-21bis và 3 chiếc biến thể huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi MiG-21UM.
Sau khi thành lập, trung đoàn 701 tiếp tục được ở lại Việt Nam để huấn luyện đào tạo theo thỏa thuận giữa hai nước. Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 1/1988, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Koi Bun Tha đã đề nghị chính phủ ta cho phép trung đoàn 701 lưu lại Biên Hòa thêm 2 năm để huấn luyện và xây dựng lực lượng bảo đảm khi về nước có thể hoạt động độc lập.
Ngày 25/2/1988, Bộ Quốc phòng 2 nước ký nghị định thư về việc Việt Nam tiếp tục giúp đỡ Campuchia xây dựng lực lượng không quân tiêm kích và các đơn vị bảo đảm trong các năm 1988-1989.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục giúp đỡ Campuchia đào tạo, bổ túc cán bộ, nhân viên sơ cấp kỹ thuật các nghành và các thành phần khác, đáp ứng yêu cầu xây dựng của trung đoàn không quân tiêm kích. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chuyên gia bay của Việt Nam cùng phi công Campuchia thường xuyên tiến hành huấn luyện, sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ chiến đấu truy quét tàn quân Khmer đỏ.
Sang năm 1989, căn cứ vào tình hình thế giới, khu vực, trong nước và thành quả cách mạng của nhân dân Campuchia, Đảng và Nhà nước ta quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam về nước vào cuối năm 1989. Có thể nói, Việt Nam đã làm tất cả vì sự tồn vong của dân tộc Campuchia, vì cuộc sống yên bình của nhân dân và sự vững mạnh của nhà nước Campuchia.
Khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, Trung đoàn Không quân Tiêm kích 701 cũng trở về Campuchia và đóng quân tại sân bay Pochengtong làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời nước này.
* Trong bài có sử dụng thông tin từ tài liệu Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN: