Nhiều năm trở lại đây, sự xuất hiện của những trái dưa lê có hình thù ông Thần Tài, Phật Di Lặc hay thỏi vàng,… có xuất xứ từ Trung Quốc đã không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Đặc biệt, nắm được thị hiếu của người tiêu dùng trong những ngày Tết Nguyên Đán sắp tới, loại trái cây này đã nhanh chóng tràn vào Việt Nam và gây “sốt” thị trường trái cây trong nước những ngày vừa qua.
Độc, đẹp và rẻ
Dạo quanh những cửa hàng trái cây trên địa bàn Hà Nội có thể dễ dàng nhận thấy, ấn tượng đầu tiên mà loại quả này hút mắt người tiêu dùng đó là hình thù khá độc đáo, mới lạ và màu sắc tươi xanh bắt mắt.
Anh Nguyễn Đức Nam, chủ một cửa hàng hoa quả ở quận Hoàng Mai cho biết, dưa lê thần tài có xuất xứ Trung Quốc thực ra đã xuất hiện ở Việt Nam những năm trước đó, bắt đầu từ rằm tháng Bảy năm nay, loại trái cây này được nhập khẩu về nhiều hơn do nhu cầu của người dân tăng cao đột biến.
|
Mỗi quả dưa lê thần tài được buộc một sợi chỉ đỏ cầu may mắn và bọc lớp giấy kính bên ngoài để bảo quản. |
Cũng theo anh Nam, loại dưa lê này có nhiều hình dáng khác nhau như: hình thần tài có chữ phúc, hình ông thọ, hình em bé nhân sâm hay hình thỏi vàng… Tất cả đều mang ý nghĩa chung là cầu sự bình an, hạnh phúc và sung túc cho gia chủ.
Chị Mai Hương (một nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Khi nghe đồng nghiệp xôn xao bàn tán về dưa lê thần tài mới xuất hiện, mình đã rất tò mò và khá thích thú khi được tận mắt nhìn thấy tạo hình ngộ nghĩnh, độc đáo của loại quả này. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa là mang đến tài lộc, may mắn cho gia đình nên mình ưu tiên dưa lê thần tài trước khi lựa chọn đồ thờ cúng ngày rằm và lễ Tết”.
Hình dáng đẹp và mang nhiều ý nghĩa, dưa lê thần tài không chỉ được mọi người mua về bày biện trên bàn thờ nhà mình mà còn được rất nhiều người sử dụng làm quà biếu, tặng. Anh Tuấn Anh (kỹ sư xây dựng) cho biết, dù còn 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng anh đã cùng vợ cất công tìm đến những địa chỉ uy tín nhất để đặt mua hàng trăm quả dưa lê thần tài mang biếu người thân và bạn bè. Đặc biệt, anh còn lên danh sách gồm hàng chục gia đình nhờ anh mua gửi về quê nhà thờ cúng.
Trao đổi với chúng tôi về giá cả thị trường dưa lê thần tài năm nay, chị Thúy Hường (chủ cửa hàng hoa quả chợ Long Biên) cho biết, mỗi quả dưa lê thần tài nhập khẩu từ Trung Quốc về nặng khoảng 300g có giá từ 35.000 – 85.000 đồng. Cũng theo chị Hường, đây là mức giá bình dân, phù hợp với túi tiền của hầu hết mọi tầng lớp lao động trong xã hội.
Còn các loại trái cây tạo hình của Việt Nam có giá khá “chát”, khoảng từ 1-3 triệu đồng/quả (cao gấp hàng chục lần so với dưa lê thần tài). Loại này chỉ những gia đình có điều kiện mới dám mua và mua với số lượng ít.
Chính nhờ những ưu thế nổi trội đó nên dưa lê thần tài đã làm "vừa lòng" các thượng đế Việt ngay từ khi mới xuất hiện và nhanh chóng khiến trái cây tạo hình của Việt Nam bị… lép vế.
Không dám ăn, chỉ để nhường… tổ tiên?
Mặc dù được ưa chuộng là thế, tuy nhiên, hầu hết người dân đều mua dưa lê thần tài chỉ với mục đích dâng cúng tổ tiên và các vị thánh thần chứ… không dám ăn.
Sau khi biết dưa lê thần tài có xuất xứ Trung Quốc và chứng kiến quả dưa mình mua đã hơn 1 tháng mà vẫn tươi xanh như ngày đầu, chị Thu Trang (Từ Liêm, Hà Nội) đã quyết định chỉ dùng để thờ cúng rồi vứt đi chứ tuyệt đối không dám ăn.
Ngay cả chủ một cửa hàng chuyên phân phối sỉ, lẻ dưa lê thần tài trên đường Trương Định, Hà Nội cũng khuyến cáo người mua chỉ nên trưng bày chứ không nên ăn loại quả này vì nó có chứa rất nhiều chất bảo quản, "tuổi thọ" của loại quả này vì thế cũng bất thường, có thể để tới 2-3 tháng mà không bị hư thối.
|
Đồ cúng lễ phải đảm bảo tinh khiết, an toàn. Nên sử dụng trái cây do mình trồng được là tốt nhất. |
Trao đổi với PV về xu hướng bày biện bàn thờ tổ tiên bằng dưa lê thần tài đang rất “sốt” ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định:
“Đòi hỏi đầu tiên của đồ cúng lễ tổ tiên đó là sự tinh khiết và ẩm thực phải đảm bảo an toàn. Vì vậy, nhà ai có hoa quả do tự mình chăm sóc rồi dùng thờ cúng là tốt nhất. Còn nếu phải mua ở chợ mà biết trước rằng, trái cây không đảm bảo chất lượng, có độc hại thì không nên dâng lên thờ cúng tổ tiên, vì nếu không, người ta đã có thể trưng bày bằng hoa quả nhựa cho nhanh".
Ông Vĩ nhấn mạnh: "Trong văn hóa tâm linh của người Việt, khi cúng vái chúng ta thường có câu khấn mời thần linh, tổ tiên về thụ hưởng. Thế mà thụ hưởng cái thứ nghi ngờ về chất lượng đến bản thân còn không dám ăn thì chẳng phải chúng ta đang đầu độc thánh thần, tiên tổ sao?”.
Vì vậy, chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ khuyên chúng ta nên “lựa chọn trái quả mà mình cảm thấy bằng lòng, thanh thản, yên tâm nhất để thờ cúng. Như thế sẽ trọn vẹn được cả phần âm và phần dương. Ông bà ta đã có câu "lễ bạc lòng thành", vì vậy, quan trọng nhất vẫn là mọi người thành tâm trong cúng lễ chứ không nhất thiết phải sắm sửa những thứ quà độc, lạ".