Số phận những người làm thuốc lá cho Mao Trạch Đông

Google News

Năm 1976, sau khi Mao Trạch Đông qua đời, số phận của những người làm thuốc lá cho ông gần như không được ai ngó ngàng tới nữa.

Tổ 132 bí mật
Mùa hè năm 1964, nhiều công nhân tại nhà máy thuốc lá Thập Phương, Tứ Xuyên, Trung Quốc nhận được mệnh lệnh tới Thành Đô để làm thuốc lá cho Hạ Long – nguyên soái quân đội Trung Quốc. Tại Thành Đô, trong hơn 4 tháng, 4 công nhân giỏi nhất của Nhà máy thuốc lá Thập Phương mỗi ngày làm thủ công từ 400 đến 800 điếu thuốc.
Một thời gian sau, họ được cấp trên thông báo: Chủ tịch Mao Trạch Đông dùng loại thuốc cuốn bằng giấy nên bị ho, sau đó đổi qua hút xì gà, cảm thấy đỡ hơn. Do vậy, cấp trên giao cho họ trở về Thập Phương chuẩn bị làm xì gà cung cấp cho Mao Trạch Đông.
Trở về Thập Phương, những công nhân này đã chế tạo ra 35 loại xì gà với những hương vị khác nhau rồi gửi mẫu thuốc lên Bắc Kinh cho các vị lãnh đạo lựa chọn. Trong số 35 mẫu thuốc gửi lên, các mẫu số 1, 2, 13 và 33 được lựa chọn. Trong số này, Mao Trạch Đông chọn mẫu số 2 có vị nhạt hơn, còn nguyên soái Hạ Long chọn mẫu số 33 có mùi vị đậm hơn một chút.
Sau khi trung ương đã chọn lựa xong, Thập Phương bắt đầu sản xuất xì gà. Những loại thuốc dành riêng cho lãnh đạo được đóng gói kỹ rồi gửi tới Bắc Kinh cùng những văn kiện quan trọng khác.
Tới năm 1971, sau sự kiện Lâm Bưu ám sát Mao Trạch Đông, Cục Bảo vệ Trung ương cử người tới nhà máy thuốc lá Thập Phương để giám sát toàn bộ quá trình làm xì gà cho lãnh đạo trung ương. Đồng thời, một số công nhân của nhà máy thuốc lá Bắc Kinh cũng được cử xuống Thập Phương để học cách chế tạo những loại thuốc lá đặc biệt cho lãnh đạo. Tuy nhiên, một thời gian dài sau đó, họ vẫn không học được bí quyết chế tạo thuốc đặc biệt tại đây.
 
Cuối cùng, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định điều chuyển 2 công nhân giỏi nhất tại nhà máy Thập Phương tới Bắc Kinh chuyên phụ trách công việc sản xuất thuốc lá cho các vị lãnh đạo Trung Quốc và được đặt tên là Tổ 132. Cái tên Tổ 132 có nguồn gốc từ việc nhóm người đặc biệt này được giao nhiệm vụ sản xuất 2 loại thuốc lá số 13 dành cho các lãnh đạo và loại thuốc lá số 2 dành riêng cho Mao Trạch Đông. Người ta đã ghép số hiệu 2 loại thuốc này lại với nhau thành tên gọi của tiểu tổ đặc biệt này.
Tổ 132 bắt đầu sản xuất thuốc lá từ cuối tháng 11 năm 1971. Mọi công đoạn sản xuất đều phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt từ việc chọn lá thuốc, phơi, cuốn, cho tới sấy khô, đóng gói… Nhiều tài liệu tiết lộ, sau khi thành lập Tổ 132, các công đoạn sản xuất thuốc lá cho lãnh đạo Trung Quốc đều được làm tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, lá thuốc thì vẫn phải lấy từ Tứ Xuyên. Lá thuốc được sử dụng chủ yếu được trồng ở hợp tác xã Độc Kiều Hà, thuộc huyện Tân Đô, Tứ Xuyên.
Điểm độc đáo của lá thuốc được trồng tại nơi đây là khí đốt không bị rơi tàn, tàn thuốc có màu trắng nhìn rất thích mắt và khi hút vào cảm thấy trong họng có vị mát mát như bạc hà chứ không gắt như các loại thuốc lá khác. Ngoài ra, lá thuốc này có thể giữ lửa rất lâu. Điếu thuốc hút dở sẽ không bị tắt nếu như người hút không dập hẳn.
Công đoạn sơ chế lá thuốc cũng rất công phu. Sau khi hái lá thuốc xong đều phải dùng rượu, mật ong, nước trà… phun lên trên để lá thuốc lên men. Sau đó bó thành từng bó, để 3 năm mới trở thành nguyên liệu vận chuyển lên Bắc Kinh để sản xuất thuốc lá.
Quản lý như quân đội
Công nhân trong Tổ 132 được biên chế và tổ chức hoạt động như trong quân đội. Ngoài việc tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt trong việc sản xuất thuốc, nhất nhất các thành viên đều phải tuân thủ theo mệnh lệnh của cấp trên.
Nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc được quản lý một cách nghiêm ngặt theo cấp bậc. Mỗi một điếu thuốc cần bao nhiêu lá thuốc, bao nhiêu giấy đều được quản lý rất chặt. Ngay cả một điếu thuốc cuộn chặt hay lỏng cũng được kiểm tra kỹ càng. Những điếu thuốc sau khi đã sản xuất xong được cất giữ trong một ngăn tủ lớn với 2 tầng khóa và chỉ có những người đứng đầu Tổ 132 mới có quyền mở.
Các công nhân tổ 132 ngoại trừ việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo không mắc bệnh thì mỗi khi vào công xưởng đều phải mang khẩu trang, rửa tay sạch sẽ. Các công cụ được dùng để sản xuất thuốc cũng phải được tẩy rửa sạch sẽ trước khi sản xuất. Tất cả đều phải tuân theo các quy định kiểm tra an toàn vệ sinh rất nghiêm cẩn.
Những người trong Tổ 132 chỉ được gọi nhau theo họ chứ không được gọi bằng tên. Mỗi khi viết thư về cho gia đình thì họ tuyệt đối không được nhắc tới công việc tại Tổ 132. Ngay cả cái tên Tổ 132 cũng không được phép để lộ. Khi tới giờ làm việc, tất cả mọi người cũng phải lên công xưởng, khi hết giờ thì tất cả đều phải lên xe trở về nơi ở. Không có bất cứ ngoại lệ nào.
Các công nhân của Tổ 132 buộc phải cắt đứt tất cả các mối liên hệ với bạn bè. Ngoài những người trong Tổ 132, họ cũng không có bất cứ cơ hội nào để kết bạn. Theo quy định của lãnh đạo, những người làm việc trong Tổ 132 phải từ 25 tuổi trở lên mới được nghĩ tới chuyện hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, chuyện hôn sự ấy bắt buộc phải trải qua sự thẩm tra nghiêm ngặt của lãnh đạo hoặc được lãnh đạo giúp đỡ giải quyết. Thậm chí, những người cùng làm việc trong Tổ 132 cũng chưa bao giờ chụp ảnh chung với nhau.
Theo một số người tiết lộ, công xưởng của Tổ 132 được đặt ở số 80 đường Nam Trường. Bên ngoài công xưởng, tường xây cao 3,5 mét, có rào sắt và lưới điện. Ở cửa luôn có 3 đến 5 bảo vệ canh giữ rất cẩn mật. Đối diện với xưởng này chính là Trung Nam Hải, nơi lãnh đạo Trung Quốc sống và làm việc.
Để đảm bảo có thế hệ kế thừa sau khi thế hệ đầu tiên đã già yếu, năm 1975, lãnh đạo Trung Quốc đã chọn 4 người từ các nhà máy thuốc lá lớn nhất tại Trung Quốc để điều tới Tổ 132 học nghề. Tuy nhiên, khi những người trẻ chưa kịp thành nghề thì Mao Trạch Đông qua đời. Số phận của Tổ 132 bước sang một ngã rẽ mới.
Trước khi Mao Trạch Đông qua đời vài tháng, theo yêu cầu của bác sĩ, Mao Trạch Đông buộc phải ngừng hút thuốc. Tuy nhiên, khi đó, việc cung cấp thuốc lá cho các lãnh đạo khác vẫn tiếp tục nên Tổ 132 vẫn duy trì hoạt động. Tới năm 1978, sau khi Mao Trạch Đông qua đời, việc cung cấp thuốc lá cho lãnh đạo Trung Quốc chính thức bị ngừng lại, Tổ 132 đình chỉ sản xuất.
Số phận của những thành viên Tổ 132 sau đó gần như không được ai hỏi tới. Từ năm 1979 tới năm 1981, các thành viên của Tổ 132 được chuyển về nhà máy thuốc lá Bắc Kinh làm việc. Tới ngày 12 tháng 12 năm 1981, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông báo giải tán Tổ 132. Địa điểm trước đây làm công xưởng sản xuất thuốc lá cho Mao Trạch Đông và các lãnh đạo của Tổ 132 được chuyển thành khu vực chuyên bán những loại thuốc lá cao cấp. Tuy nhiên, gần như không có ai ở khu vực này biết được về sự tồn tại của Tổ 132 bí mật.
Theo Hôn nhân & Pháp luật

Bình luận(0)