Bà Đỗ Thị Ngoan (81 tuổi) hậu duệ của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi hiện
sinh sống ở làng Yên Phúc (quận Hà Đông, TP Hà Nội) bảo rằng: "Cụ Bưởi
vốn nổi tiếng giàu có nhất nhì nước thời đó, về quê cho tiền dân làng
xây dựng cổng làng, đình làng. Còn đối với con cháu chúng tôi không được
tài sản gì của cụ để lại. Khi cụ mất, được đặt trong quan tài bốn góc
hình rồng mạ vàng. Có một số kẻ đào mộ cụ lấy vàng bị điên dại đã mang
trả lại".
Đốt tiền hút thuốc lào
Chúng tôi tìm về làng Yên Phúc tìm gặp người thân ông Bạch Thái Bưởi, hỏi các cụ cao niên trong làng lắc đầu, con cháu cụ giờ mỗi người một nơi, không biết ai còn ai mất. Giờ chỉ còn duy nhất người cháu là cụ Đỗ Thị Ngoan còn sống ở làng. Hỏi đường vào nhà cụ Ngoan không khó, nhà cụ gần ngay với đình làng, cổng làng mà ông Bưởi đã bỏ tiền xây dựng cho dân làng. Nhấn chuông liên hồi, nhưng không có ai ra mở cửa, một cụ bà hàng xóm bảo cụ Ngoan đã dẫn cháu đi chơi. Quá trưa chúng tôi quay lại mới gặp được cụ Ngoan.
Cụ Ngoan năm nay đã bước sang tuổi 81, nhưng cụ có nước da đỏ hồng, giọng nói sang sảng. Cụ Ngoan cho biết: "Ông cụ nội tôi với bố cụ Bưởi là hai anh em ruột. Bố mẹ tôi sinh được hai chị em, chị tôi đi lấy chồng xa, còn tôi lấy chồng làng sống ở nhà bố mẹ đẻ. Mảnh đất tôi đang ở xưa kia là nơi cụ Bưởi sinh sống. Vì thế việc thờ cúng giỗ chạp gì tôi đều gánh vác".
|
Ông Vinh bên lăng mộ của cụ Bạch Thái Bưởi. |
Gia đình ông Bưởi trước đây nghèo lắm, cha mất sớm từ nhỏ đã theo mẹ quẩy hàng rong đi chợ bán. Một ông nhà giàu họ Bạch thấy cậu là người thông minh, tháo vát đã xin làm con nuôi và đổi sang họ Bạch. Sau khi học xong bậc Thành chung (tương đương với hết cấp hai ngày nay), ông đi làm thư ký cho giám đốc một hãng buôn người Pháp. Giám đốc đi đâu cũng cho ông đi theo để sắp xếp giấy tờ, phụ giúp công việc. Nghe đâu người giám đốc đó cũng chính là người trúng thầu xây dựng cầu Chương Dương. Nhưng khi ông chủ về nước để thăm vợ con không may đột tử. Ông Bưởi nắm giữ các hợp đồng buôn bán đã thay mặt ông chủ xử lý công việc. Từ đó con đường làm ăn buôn bán của ông được thuận lợi.
"Nhờ buôn bán tàu thủy, những năm 20 của thế kỷ trước cụ Bưởi được liệt kê vào số những người giàu có ở Đông Dương. Cụ đi làm việc khắp mọi nơi, thỉnh thoảng cụ mới ghé thăm nhà. Cụ về làng thường đi trong chiếc xe hơi sang trọng, xách ca táp tiền bên mình. Khi cụ Bưởi về cả làng ra đón. Cụ Bưởi rất phóng khoáng, cho tiền dân làng xây hai cổng làng, tu bổ tôn tạo đình làng và lát gạch nghiêng toàn bộ đường đi trong làng. Tiền của cụ Bưởi nhiều đến nỗi, khi hút thuốc lào cụ dùng tiền thay đóm châm lửa", cụ Ngoan kể.
Vừa nói nét mặt cụ Ngoan buồn thiu. Cụ bảo, cụ mang tiếng là cháu chắt, dòng dõi ông Bạch Thái Bưởi nhưng giờ không được hưởng bất cứ tài sản nào cụ để lại. Trước đây có lần ông Bưởi về mua cho gia đình cụ Ngoan 5 mẫu ruộng trồng lúa, cánh đồng thẳng cánh cò bay từ đầu làng Yên Phúc đến tận Bưu điện Hà Đông bây giờ. Nhưng khi cải cách ruộng đất, số ruộng đất đó đưa vào hợp tác xã.
|
Đình làng, cổng làng, đường làng Yên Phúc cụ Bưởi cho tiền để làm. |
Người con có đôi mắt thần
Ông Nguyễn Viết Tứ trước đây từng làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phúc La cho biết: "Tôi được nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, vào năm 1808 cụ Bưởi trúng gói thầu làm tà vẹt đường tàu Bắc Nam. Cụ vào Thanh Hóa mua hẳn quả đồi có nhiều gỗ lim, về làng nhờ những người anh em trong dòng họ, thuê hẳn một đội quân vào đó khai thác gỗ phục vụ làm đường tàu".
Nhiều người làng Yên Phúc vào khai thác gỗ thấy đó là vùng địa thế thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đã ở lại lập làng sinh sống. Ông Tứ bảo, chính ông cũng được cha ông sinh ra ở nơi xưa kia cụ Bạch Thái Bưởi đưa người vào Thanh Hóa khai thác gỗ lim. Khu vực đó hiện nay có tên gọi là thị trấn Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1646, khi thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm, một bộ phận người dân làng Yên Phúc di tản vào Thanh Hóa định cư cùng ngôi làng đó.
Cụ Ngoan được bố kể lại, trước đây ông Bưởi vốn giàu có nhất nhì nước, lắm vợ, nhiều của. Nhưng con cháu của ông giờ không biết lưu lạc nơi đâu. "Con cháu cụ Bưởi khi lớn lên cụ đều đưa sang Pháp học, có người ở lại sinh sống và làm việc bên đó. Những năm cải cách ruộng đất, cô con gái Bạch Thị Sen gửi thư từ bên Pháp về, nhưng bố tôi không dám nhận. Vì sợ chính quyền nói là cấu kết với giặc Pháp. Trong số mười người con của cụ Bưởi có Bạch Thái Tư giỏi nhất, người đời khi đó bảo ông có đôi mắt thần có thể nhìn xuyên lòng đất. Ông là kỹ sư địa chất được đào tạo bên Pháp, có lần về Quảng Ninh giúp việc cho cụ Bưởi trong ngành khai khoáng. Ông nhìn vào lòng đất có thể biết được khu vực nào có than hay kim loại", cụ Ngoan kể.
Nhưng tiếc rằng người con tài giỏi của cụ Bưởi đoản mệnh. Sau chuyến về thăm quê, Bạch Thái Tư trở về Pháp làm việc đã bất ngờ đột tử. Bên Pháp thuê cả trực thăng chở ông về làng Yên Phúc để chôn cất. Thi thể ông được đặt trong quan tài làm bằng kẽm rất kiên cố.
|
Cụ Ngoan: Gia đình tôi không còn tài sản gì cụ Bưởi để lại. |
Bán cổ vật bị tâm thần?
Năm 1946, khi thực dân Pháp đánh chiếm, gia đình cụ Ngoan phải di tản xuống huyện Thanh Oai. Khi đi mang theo những đồ vật quý của tổ tiên để lại, trong đó có những bức hoành phi câu đối mạ vàng. Biết số đồ vật của gia đình cụ Ngoan có giá trị, chủ nhà nơi cụ Ngoan ở nhờ đã lén lút mang bán lấy tiền. Vì thế, toàn bộ những món đồ quý từ thời cụ Bạch Thái Bưởi để lại mất hết. Sau này cụ Ngoan được biết, gia đình người bán số cổ vật đó không hiểu sao người bị bệnh tâm thần, người bị ngớ ngẩn.
Cụ Ngoan dẫn chúng tôi ra khu nghĩa trang thôn Yên Phúc, nơi chôn cất những người thân trong gia đình cụ Bưởi. Cách đây 6 năm Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đưa hài cốt của cụ từ Quảng Ninh về đây chôn cất. "Tôi đại diện cho gia đình xuống dưới Quảng Ninh để nhận hài cốt của cụ Bưởi. Tôi nghe nói cụ mất ngoài đảo Vân Đồn. Quan tài cụ nằm có bốn đầu rồng bằng vàng, bên trong chứa vàng. Trước đây có kẻ hám của đã ra đào mộ cụ lên để lấy vàng, sau này bị điên phải mang trả về chỗ cũ", cụ Ngoan kể.
"Trong gia phả họ Đỗ chúng tôi có ghi chép về hoàn
cảnh xuất thân, cũng như sự nghiệp vẻ vang của cụ Bạch Thái Bưởi. Trong
đó khẳng định cụ Bưởi vốn gốc là người họ Đỗ. Ngày nhỏ gia cảnh cụ khó
khăn nên phải đổi họ. Cụ Bưởi làm rạng danh cho dòng họ chúng tôi, cụ có
đóng góp to lớn cho việc xây dựng cổng làng, đình làng và đường đi lối
lại cho người dân. Cụ là người giàu nhất nhì Việt Nam thế kỷ XX".
Ông Đỗ Quang Vinh (Ban Khánh tiết dòng họ Đỗ làng Yên Phúc) |
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU