Hoàn thành trước dự kiến hơn một năm
Trước đây, con sông Cái (tên gọi của sông Hồng) rất hung dữ, nước chảy cuồn cuộn như thác đổ, khiến tàu bè qua lại cũng rất khó khăn. Nó trở thành trở ngại lớn trong việc giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh khác. Vì thế, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết tâm xây dựng một cây cầu huyết mạch. Khi đó có tới 6 đơn vị tham gia đấu thầu, sau nhiều lần chọn lọc những thiết kế của các bên ngày 30/12/1897, Hội đồng xét duyệt đã quyết định chọn đơn vị Daydé & Pillé thi công cầu Long Biên với tổng số tiền thực hiện là 5.390.794 franc Pháp.
Bà Nguyễn Nga, Giám đốc Ngôi nhà Nghệ thuật (22A Hai Bà Trưng, phường cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết, cầu Long Biên lúc khai sinh được mang tên Doumer có chiều dài 1.682m, được thiết kế theo cấu trúc thép kiểu Eiffel, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.
Khi xây dựng cầu toàn quyền Đông Dương đã huy động một lực lượng hùng hậu nhất, với 3.000 công nhân người bản xứ gần 50 kỹ sư, chuyên gia người Pháp sang trực tiếp làm việc. Người ta đã dùng đến 30.000m3 đá và kim loại (5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Vì thế, ban đầu người Pháp dự trù làm cây cầu trong 5 năm, nhưng thực tế sau 3 năm 9 tháng, cây cầu đã hoàn thành.
|
Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử. |
Dự án bảo tồn trăm triệu đô
Bà Nguyễn Nga là một kiến trúc sư quy hoạch đô thị, được đào tạo và lập nghiệp lâu năm bên Pháp. Bà đặt nhiều dấu ấn trên cây cầu lịch sử qua 2 kỳ Festival "Ký ức cầu Long Biên - 2009" và "Cầu Rồng kể chuyện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - 2010".
"Trải qua bao năm tháng chiến tranh, cầu từng bị bom của đế quốc Mỹ oanh tạc dữ dội và hiện tại xuống cấp ở mức báo động. Vì đã hết hạn sử dụng an toàn từ năm 2010, tôi rất lo sợ nếu không tôn tạo sớm cầu sẽ khó tồn tại. Vì thế, việc bảo tồn, cải tạo cây cầu là nhiệm vụ cấp thiết nhất. Tôi được biết các chuyên gia Pháp và Việt Nam đã khảo sát, nghiên cứu các phương án để sửa chữa cây cầu. Chính phủ Pháp rất quan tâm đến việc bảo vệ cầu, họ đã dự trù một khoản ngân sách hàng trăm triệu đô la để hỗ trợ Việt Nam trong việc tôn tạo, nâng cấp cầu. Hiện chỉ chờ Chính phủ Việt Nam đưa một phương án phù hợp để thực hiện", bà Nga cho biết.
|
Bà Nguyễn Nga trong Festival Ký ức cầu Long Biên - 2009
(ảnh do bà Nguyễn Nga cung cấp). |
Bà Nga thấu hiểu được giá trị của cầu Long Biên, một chứng nhân lịch sử, một biểu tượng hào hùng của dân tộc, vì thế bà mong muốn sẽ biến cây cầu Long Biên thành bảo tàng kiến trúc và lịch sử "Bảo tàng ký ức cầu Long Biên", nơi lưu giữ và quảng bá ký ức thời đại cho các thế hệ sau và cũng là điểm nhấn của Hà Nội - Thành phố vì Hòa Bình.
"Quan điểm của tôi là sẽ giữ nguyên cây cầu, chỉ tôn tạo, sửa chữa những chỗ thực sự hư hỏng. Dựng lại những nhịp cầu đã mất nhằm thiết lập lại hình dáng ban đầu của cầu. Ốp những tấm kính trong suốt trên những nhịp cầu để triển lãm, trưng bày ký ức hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành công viên nghệ thuật, trong 131 vòm cầu cạn sẽ là những phố nghề được tái hiện", bà Nga cho hay.
TIN BÀI LIÊN QUAN