Vào năm 1973, khi nhà văn Paul Theroux bắt đầu thực hiện chuyến hành trình bằng xe lửa qua Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Coley (Sri Lanka cũ), Trung Quốc, Nhật Bản, Siberia... thì cũng là lúc bối cảnh chính trị và kinh tế ở nhiều quốc gia chưa sáng sủa và không khởi sắc. Việt Nam đang trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Tác phẩm du kí kinh điển của phương Tây này có lẽ sẽ gây hấp dẫn cho độc giả phương Tây hơn là phương Đông bởi sự khơi gợi trí tò mò với một vùng đất vốn xa lạ trong thập niên 70 của thế kỉ trước, thời đại mà cả công nghệ thông tin lẫn phương tiện vận chuyển đều chưa phát triển như ngày nay.
Paul Theroux không có sự quan sát nhiều về văn hóa, vốn là đặc sản của xứ sở bí ẩn này. Ông chú mục tỉ mỉ hơn vào lối hành xử của con người cụ thể trong đời sống thường nhật - và lối hành xử đó bị tác động không nhỏ của điều kiện kinh tế eo hẹp nơi đây.
Paul Theroux chẳng lý giải điều gì, cũng không đưa ra kết luận. Trên chuyến hành trình của mình ông giữ một trạng thái độc lập, không chủ động kết thân với ai. Ông chỉ ghi chép và ghi chép, thuật lại những cuộc trò chuyện với người bản xứ, từ đó vẽ nên những mảng tối và sáng của một đất nước trong tâm thế vô tư lự. Ông cũng tỏ ra trung thực với cảm nhận tức thời của bản thân.
Chương cuối cùng của bản dịch tiếng Việt có lẽ là một trong vài chương xuất sắc nhất, bởi nó mở đầu cho cuốn "Chuyến tàu ma tới ngôi sao phương Đông" được viết 30 năm sau, trong đó tác giả đi lại cuộc hành trình xưa cũ. Lúc này, văn phong của Paul Theroux đã thực sự chín muồi, đậm đà như quả ngọt. Ông cũng bộc lộ bản thân mình nhiều hơn với những ngẫm ngợi của một nhà văn đã trải qua những chuyến đi dài, cả ở thực tế và trong chiêm nghiệm.
Ông viết: "Khi bạn là người lạ, như bài hát trôi qua, không ai nhớ tên bạn cả. Tuổi tác mà một món quà bạn dành được để đánh giá sự phân rã, sự hiện ra của Wordsworth, sự thông thái của wabi-sabi: không gì hoàn hảo, không gì hoàn thiện, không gì vĩnh viễn".
"Phương Đông lướt ngoài cửa sổ" sẽ là một cuốn sách thú vị với những người ưa đọc chậm và thích nhâm nhi chi tiết, đặc biệt khi có thể so sánh những gì bạn biết và những gì Paul Theroux đã viết.
* Những trích đoạn dưới đây thuộc về cuốn sách "Phương Đông lướt ngoài cửa sổ" (Nhã Nam phát hành) của tác giả người Mỹ Paul Theroux, do dịch giả Trần Xuân Thủy dịch từ nguyên bản tiếng Anh "The Great Railway Bazaar".
TÀU KHÁCH SÀI GÒN - BIÊN HÒA
Tôi rời toa riêng và di chuyển dọc đoàn tàu. Trên tàu chật ních người chen chúc, những người cụt chân cụt tay mà đốt cụt đã lên da, những binh sĩ mặc quân phục nhàu nhĩ và một ông già có bộ râu xơ xác, đứng chống gậy. Một người đàn ông mù đội mũ cao bồi bằng rơm đang chơi ghi ta và hát những điệu chói tai cho một nhóm lính nghe.
Nhưng đoàn tàu không hoàn toàn chỉ có những người hom hem và bị bỏ rơi. Ấn tượng trong tôi có trên chuyến tàu đến Biên Hòa, ấn tượng đã in trong tôi suốt thời gian tôi ở đây, là khả năng xoay sở của người Việt Nam. Dường như là không thể tin nổi, nhưng ở đây có những em học sinh gái đeo cặp sách, phụ nữ mang những bọc rau to bự, đàn ông xách gia cầm bị trói và những người khác nữa, đứng ở cửa của một thứ về cơ bản là toa vận tải, đi tới làm việc tại Biên Hòa.
Sau rất nhiều năm, người ta tưởng như họ sẽ gục ngã; đáng ngạc nhiên là họ còn hơn cả những người sống sót. Dù có những gián đoạn của cuộc chiến thảm khốc, họ vẫn kiên cường cứu vãn được cuộc sống hàng ngày: trường học, chợ búa, nhà máy. Đoàn tàu bị phục kích ít nhất mỗi tháng một lần, nhưng "vụ tấn công" được người ta nói đến với giọng điệu rằng không thể tránh được, như thể đấy là gió mùa vậy. Nhưng những hành khách này vẫn thường nhật đi trên hành trình của mình. Đó là một hành trình nguy hiểm. Họ đã quá quen với nguy hiểm. Với họ cuộc sống chẳng bao giờ thay đổi và mối đe dọa từ quân địch cũng như thời tiết, đều có thể dự báo và không biến đối
TÀU KHÁCH HUẾ - ĐÀ NẴNG
"Chúa ơi, thật là một đất nước tươi đẹp", Hổ Mang Hai nói. Chị ta chụp ảnh bên ngoài cửa sổ, nhưng chẳng có bức ảnh nào có thể sao chép được sự đan xen phức tạp của cảnh đẹp đó: ở đằng kia, mặt trời chiếu sáng trên một hố bom trong rừng và cạnh đó khói tỏa khắp lòng thung lũng, cột mưa của một đám mây phù du đang đổ nghiêng xuống sườn núi khác; và màu xanh da trời phải nhạt đi trước màu lá cây xanh sẫm, màu xanh lá mạ trên những cánh đồng lúa non bằng phẳng, và qua một dải cát, màu xanh đó trở thành màu xanh thẳm của đại dương. Những khoảng không gian rộng lớn và phong cảnh mênh mông tới mức phải xem xét từng phần nhỏ một, giống như đứa trẻ ngắm một bức bích họa vậy.
Tôi nói, "Tôi chẳng biết nữa". Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ London, đây là nơi thơ mộng nhất.
Hổ Mang Hai nói: "Không ai biết được. Không ai ở Mỹ có ý niệm dù là nhỏ nhất rằng đất nước này tươi đẹp ra sao. Nhìn kìa - Ôi trời, nhìn kia kìa!"
Chúng tôi đang đi trên viền một vùng màu xanh lá cây lung linh tươi sáng trong ánh nắng. Trên mảng biển nhấp nhô màu ngọc bích, những vách đá nhô ra, và cảnh tượng của một thung lũng rộng lớn tứi mức cùng một lúc chứa đựng được cả ánh mặt trời, khói, mưa và mây - những khối màu độc lập.
Tôi không thể ngờ lại được gặp một cảnh đẹp như thế này; nó làm tôi ngạc nhiên và thấy mình thật nhỏ bé cũng giống như khi tôi nhìn thấy sự trống trải ở vùng nông thôn Ấn Độ. Đã từng có ai nhắc đến một sự thật đơn giản, rằng những điểm cao ở Việt Nam lại chính là nơi có cảnh vật kỳ vĩ không thể tưởng tượng được? Khó mà trách một anh lính quân dịch Mỹ quá hoảng sợ nên không để ý đến vẻ tuyệt diệu này; nhưng ngay từ đầu chúng ta nên hiểu rằng, nếu vẻ đẹp viên mãn này không lôi cuốn những con mắt chiếm đoạt bên ngoài, thì có lẽ người Pháp đã không biến nơi này thành thuộc địa và người Mỹ cũng đã không tham chiến ở đây lâu đến vậy.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU